Xây dựng phát triển thương hiệu điểm đến Du lịch Phú Thọ.

Khái niệm thương hiệu có những thuộc tính cơ bản đó là tuyên bố quyền sở hữu; các biện pháp xác định một sản phẩm hay dịch vụ cho người mua và phân biệt với sản phẩm/dịch vụ của đối thủ cạnh tranh; biểu tượng hay dạng chữ tắt tượng trưng cho những mong đợi về sản phẩm.

Thương hiệu du lịch gồm nhóm giá trị hữu hình (như logo – biểu tượng, slogan – thông điệp) và nhóm giá trị vô hình là sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị thương hiệu. Thương hiệu được quyết định bởi cảm nhận, trải nghiệm và sự hài lòng của du khách gắn với uy tín và năng lực cạnh tranh của du lịch địa phương. Thương hiệu du lịch là sự cam kết về mặt chất lượng khi khách tiêu dùng sản phẩm du lịch. Do đó cần nâng cao chất lượng sản phẩm và điểm đến du lịch để xây dựng thương hiệu tốt. Xây dựng thương hiệu trong ngành du lịch mang lại những lợi ích cụ thể như giúp giảm bớt khả năng bị tổn thương từ những điều kiện bên ngoài không lường trước được trong ngành du lịch; làm giảm bớt rủi ro cho khách hàng tại thời điểm mua; giúp phân khúc thị trường chính xác. Khách du lịch cảm thấy tin tưởng với một thương hiệu mạnh vì nó cung cấp thông tin, an ninh và sự chắc chắn. Đây là một vũ khí chiến lược trong việc hoạch định dài hạn trong ngành du lịch.

Bản chất của xây dựng thương hiệu du lịch là chuyển tải có chủ đích bản sắc riêng thành hình ảnh trong tâm trí khách du lịch. Thương hiệu điểm đến giúp nhận ra những đặc điểm nổi bật của sản phẩm du lịch của điểm đến. Tạo dựng thương hiệu là một quá trình xây dựng và nhận dạng tính khác biệt và đặc trưng của điểm đến. Tạo dựng thương hiệu là sự phối kết hợp tất cả sản phẩm và dịch vụ của các ngành khác nhau như du lịch, thể thao, nghệ thuật, nông nghiệp, giáo dục.

Thực trạng xây dựng thương hiệu điểm đến Du lịch Phú Thọ

Phú Thọ được biết đến là vùng Đất tổ cội nguồn của Việt Nam nơi từ ngàn đời xưa vua Hùng đã chọn đất khởi nghiệp dựng nên nhà nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Với nhiều danh thắng là tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng quý báu để phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng như Vườn Quốc gia Xuân Sơn, mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy, Đầm Ao Châu, Đầm Vân Hội, Ao Giời Suối Tiên…Đặc biệt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và “Hát Xoan Phú Thọ” là hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chính là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa tâm linh độc đáo tạo nên sức hấp dẫn với du khách thập phương. Các điểm đến tâm linh hấp dẫn khác như đền Mẫu Âu Cơ, đình Hùng Lô, đình Lâu Thượng, đền Lăng Sương, thành phố lễ hội Việt Trì…Nhờ có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và đặc thù của du lịch Phú Thọ để xây dựng và phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng.


Lễ dâng hương giỗ Tổ vua Hùng. Tác giả: Nguyễn Anh Tuấn

Từ năm 2011, tỉnh Phú Thọ đã có những định hướng để xây dựng thương hiệu du lịch “ Du lịch về cội nguồn”. Để xây dựng thành công thương hiệu, du lịch Phú Thọ cần có sự tham gia tích cực của các tổ chức xúc tiến du lịch, các cơ quan truyền thông, các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng du lịch. Vì vậy trước hết các đơn vị này cần khẳng định chất lượng, thương hiệu của đơn vị mình.Trong quá trình xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Phú Thọ, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái cộng đồng là những dòng sản phẩm du lịch cốt lõi, sở hữu ưu thế vượt trội cả về tự nhiên lẫn sự đầu tư của địa phương. Để tạo ra sự khác biệt, độc đáo và hấp dẫn cho sản phẩm du lịch Phú Thọ vấn đề cốt lõi nằm ở chất lượng dịch vụ và xây dựng hình ảnh.

Phú Thọ có Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Việt Trì – Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, Khu Du lịch quốc gia Đền Hùng đã được công nhận – đây là dòng sản phẩm du lịch tâm linh “độc quyền” của du lịch Phú Thọ nên lấy làm cơ sở cho việc xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh. Logo, thương hiệu riêng của du lịch tỉnh Phú Thọ:

Logo nhận diện thương hiệu Du lịch Phú Thọ lấy tên gọi là “ Phú Thọ về với cội nguồn dân tộc” làm thương hiệu chung. Hình ảnh logo là hình ảnh cổng đền Hùng, dưới hình ảnh cổng Đền Hùng là biểu tượng vòng cung giao nhau tượng trưng cho sự giao thoa kỳ diệu của 3 dòng sông lớn là sông Thao, sông Đà và sông Lô. Nhận diện thương hiệu là những gì có thể nhìn thấy tạo liên tưởng về thương hiệu mà chủ sở hữu thương hiệu muốn xây dựng trong tâm trí khách du lịch. Ngoài ra du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch học đường, du lịch Mice là những dòng sản phẩm giàu tiềm năng và đang được khai thác ngày càng hiệu quả.

Trong “Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030” đã định hướng: “Sau năm 2020, du lịch Phú Thọ tập trung nâng cao chất lượng, phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất Tổ, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nghiên cứu mở rộng không gian, xây dựng phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Phú Thọ tập trung vào những điểm đến như sau:

Trung tâm du lịch thành phố Việt Trì bao gồm thành phố Việt Trì và vùng phụ cận. Đây là địa bàn phát triển du lịch trọng điểm và tiếp tục giữ vai trò trung tâm điều hành mọi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngày 12/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 817/QĐ- TTg phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ và các giải phát phát triển Việt Trì trở thành “ Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam” giai đoạn đến 2025 tầm nhìn đến 2030. Theo đó thành phố Việt Trì được xây dựng phát triển theo hướng đồng bộ bền vững cả về cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội. Với các điểm đến du lịch như : Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Đình cổ Hùng Lô, Miếu Lãi Lèn, Công viên Văn Lang, Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi, đền Thiên Cổ. Hiện nay để phát triển thương hiệu điểm đến du lịch thành phố Việt Trì cần quy hoạch, hình thành và phát triển không gian lễ hội hài hòa với không gian phát triển kinh tế- xã hội phù hợp quy hoạch chung thành phố Việt Trì và quy hoạch tỉnh Phú Thọ. Xây dựng, hình thành hạ tầng, không gian đô thị nhất là cơ sở hạ tầng về dịch vụ, thương mại trực tiếp phục vụ khách du lịch.


Ảnh toàn cảnh Công viên Văn Lang. (Ảnh: Sưu tầm)

Là một huyện miền núi, Tân Sơn được biết đến với sản phẩm phẩm du lịch đặc thù, độc đáo, riêng biệt đó là khu Vườn quốc gia Xuân Sơn – một trong những khu vực có đa dạng sinh học cao, nhiều cảnh quan, hang động hấp dẫn, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.Các loại hình du lịch: Du lịch sinh thái: Tham quan hang động, thác, cảnh quan, nghiên cứu hệ sinh thái,…; du lịch văn hóa: Tham quan, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, làng nghề, di chỉ khảo cổ, tham quan di tích; du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí, cắm trại. Với tiềm năng to lớn, tỉnh đã có kế hoạch xây dựng Vườn quốc gia Xuân Sơn thành điểm du lịch hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.


Bình minh Xuân Sơn. Tác giả: Nguyễn Văn Mười

Các điểm đến du lịch ở trung tâm huyện Thanh Thuỷ cũng có thể thu hút khách du lịch từ Hà Nội, Hoà Bình và các tỉnh khác từ vùng Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt là Khu nước khoáng nóng Thanh Thủy, các resort ở khu vực này đều là bể bơi lớn phục vụ tắm khoáng và nhiều dịch vụ khác như tắm bùn khoáng, massage hương liệu, tắm bể sục khoáng. Để xây dựng thương hiệu cho du lịch huyện những năm qua Thanh Thủy tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sâu rộng về tiềm năng, thế mạnh của huyện; đẩy mạnh công tác xúc tiến mời gọi đầu tư; định hình rõ nét văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện, mến khách. Huyện cũng đã tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ lao động từ nông nghiệp, nông thôn sang lĩnh vực du lịch. Thương hiệu du lịch Thanh Thủy bước đầu được hình thành, phát triển trong tâm thức khách du lịch dựa trên việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, du lịch trải nghiệm, tham quan các làng nghề truyền thống, các món ẩm thực đặc sắc. Du lịch Thanh Thủy đã và đang thu hút được sự quan tâm của du khách thập phương.

Là huyện cửa ngõ phía Tây Bắc của tỉnh, Hạ Hòa được thiên nhiên ban tặng nhiều địa điểm có cảnh đẹp tự nhiên trong đó có Đầm Ao Châu nằm trên địa bàn thị trấn Hạ Hòa và các xã Y Sơn, Ấm Hạ và Phụ Khánh. Khu du lịch Ao Châu đang trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch chi tiết Khu du lịch Đầm Ao Châu với diện tích khoảng 1.500ha; đồng thời phát triển thành Khu du lịch sinh thái với các loại hình du lịch như: Nghỉ dưỡng, bơi thuyền, câu cá, leo núi… 

Trong Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030, Hạ Hòa được xác định là một trong 5 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh và huyện đã tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề, sức hút lớn đối với các nhà đầu tư .

Một số giải pháp xây dựng thương hiệu điểm đến Du lịch Phú Thọ

Thuật ngữ NTO ( National Tourism Organization ) được dùng để chỉ một tổ chức được nhà nước giao quyền với trách nhiệm về những vấn đề du lịch ở mức độ quốc gia. DMO (Destination Marketing Organization- Tổ chức marketing điểm đến) không kiểm soát trực tiếp các sản phẩm du lịch mà kết quả đạt được đo bằng số du khách hàng năm.  Quy trình marketing điểm đến du lịch bao gồm các giai đoạn: nghiên cứu môi trường kinh doanh bên ngoài, chính sách của chính phủ và chiến lược du lịch, hoạch định marketing, các mục tiêu marketing, các quyết định ngân sách, các chiến lược tạo điều kiện marketing cho NTO (luồng dữ liệu nghiên cứu và thông tin marketing, đại diện tại thị trường gốc, tổ chức hội thảo và hội chợ, các chuyến đi làm quen- familiarity trips, sổ tay thương mại du lịch – travel trade manuals, hỗ trợ sản xuất và phân phối tài liệu, tham gia trong các chương trình đồng marketing – join marketing scheme, thông tin và các hệ thống đặt chỗ, hỗ trợ các sản phẩm mới, các tập đoàn thương mại, hỗ trợ và bảo vệ khách hàng, dịch vụ tư vấn chung cho công nghiệp). Theo đó cần các thực hiện tốt các giải pháp sau:

 Giải pháp về xây dựng chiến lược marketing phát triển du lịch

Quản lý điểm đến du lịch Phú Thọ cần tiến hành xây dựng chiến lược hoạt động marketing đối với các điểm đến du lịch bao gồm:  chọn thị trường mục tiêu, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Phú Thọ trên thị trường du lịch, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Xây dựng thương hiệu điểm đến của Du lịch Phú Thọ là nhiệm vụ cần thiết đòi hỏi cần làm tốt công tác quản lý, xây dựng đồng bộ các chiến lược sản phẩm, xúc tiến để tạo dựng thương hiệu trên thị trường.

Giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

Tỉnh Phú Thọ đã đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển du lịch tỉnh là “ phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh và khai thác hiệu quả các tuyến du lịch”. Một trong những nỗ lực mà ngành du lịch đang triển khai là đa dạng hóa từng bước các sản phẩm du lịch, xây dựng thêm các tour, tuyến du lịch mới, độc đáo, mang bản sắc riêng của tỉnh Phú Thọ.

Để xây dựng và phát triển thành công hơn nữa các sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Thọ cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước, chính sách phục vụ chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; tập trung xây dựng từng loại sản phẩm du lịch cụ thể; đẩy nhanh công tác lập quy hoạch, đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ du lịch; đẩy mạnh liên kết, xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù; phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch, Hội Lữ hành tỉnh và các doanh nghiệp hoạt động Du lịch, lữ hành.

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Để đổi mới chương trình đào tạo theo hướng  đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hợp tác quốc tế cần phải có những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Các cơ sở đào tạo nên chú trọng tổ chức cho học sinh thực hành đối với các môn chuyên ngành và thực tập tại các doanh nghiệp du lịch. Gia tăng tối đa tỉ lệ giờ thực hành trong xây dựng chương trình và chương trình đào tạo đối với từng môn cơ sở ngành và chuyên ngành. Nghiên cứu để đào tạo các lớp chứng chỉ, sơ cấp nghề; xây dựng và hoàn thiện hệ thống phòng thực hành du lịch, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho đào tạo du lịch có hiệu quả, các trang thiết bị đảm bảo gắn kết giữa lý thuyết và thực hành nghề nghiệp cùng với đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao về du lịch, có kinh nghiệm thực tế trong nước và nước ngoài.

          Việc xây dựng chương trình đào tạo, bài giảng cần phù hợp với thực tế và đối tượng đào tạo, điều chỉnh chương trình đào tạo sao cho phù hợp với tình hình thực tế, gắn với thực tiễn và hiệu quả, tránh dập khuôn, máy móc. Tiếp tục đưa các nội dung về định hướng phát triển du lịch, tài nguyên du lịch tỉnh Phú Thọ vào phần thực hành, liên hệ thực tiễn trong các bài giảng về du lịch; tổ chức các hội nghị,hội thảo khoa học hàng năm giữa nhà trường và các doanh nghiệp du lịch bổ sung và điều chỉnh chương trình đào tạo theo yêu cầu thực tiễn hoạt động.

 Cơ sở đào tạo chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để gắn liền đào tạo với sử dụng nâng cao năng lực, trình độ của người lao động. Các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch phải ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật hiện đại về máy móc, thiết bị, phần mềm quản lý và con người vận hành. Trong đào tạo cần chú trọng xây dựng bộ chuẩn đầu ra, kiểm tra chất lượng, tự đánh giá chất lượng đào tạo; xây dựng và ban hành bộ chuẩn đầu ra đối với chuyên ngành hướng dẫn du lịch.

Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

 Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trong tỉnh và liên kết giữa các tuyến, điểm du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú có chất lượng cao; tăng cường đa dạng hóa các dịch vụ bổ sung.

Giải pháp tăng cường công tác xúc tiến, quáng bá du lịch

Tuyên truyền quảng bá du lịch thông qua các ấn phẩm truyền thông, truyền hình. Xây dựng và tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với các sự kiện văn hóa lễ hội, hội chợ, hội nghị, hội thảo. Tích cực triển khai thực hiện công tác xã hội hóa và tăng cường liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó, có sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa địa phương và Trung ương trong quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua nhiều hoạt động khác nhau.                                             

Ths Lê Thị Xuân Giang-Trung tâm TTXTDL

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.