Trong tâm hồn người Việt, món ăn truyền thống như một phần không thể tách rời. Khi xa quê, chính hương vị ấy lại khiến lòng người thổn thức, vương vấn. Đối với người vùng quê Lâm Thao, Phú Thọ, có lẽ điều làm họ nhớ nhất về ẩm thực quê hương là món xáo chuối – món ăn dân giã, quen thuộc của tuổi thơ bình dị, mang đậm hương vị của đồng đất ven sông.
Vùng đất bãi huyện Lâm Thao – nơi sông Hồng chảy qua, được bồi đắp những lớp phù sa, nên có điều kiện thuận lợi để cây chuối sinh trưởng và phát triển. Đi dọc bờ đê các xã: Bản Nguyên, Cao Xá, Vĩnh Lại, Xuân Huy… sẽ thấy màu xanh bạt ngàn của cây chuối. Những bãi chuối được trồng trên đất phù sa màu mỡ như càng được thêm tốt tươi, đơm hoa kết trái cho những quả chuối to tròn căng mọng.
Bãi chuối xanh mướt tại Lâm Thao ( Ảnh: Phương Thảo)
Vì là đất trồng chuối nên người Lâm Thao không ai là không biết tới món xáo chuối nổi tiếng của quê hương mình. Món ăn này được chế biến từ những quả chuối còn xanh, xương sườn lợn, một chút tiết lợn, một ít riềng, vài thìa nước tương. Chuối để nấu xáo nhất thiết phải là chuối tiêu. Mà cũng phải là thứ chuối tiêu bánh tẻ vừa độ, nghĩa là không non quá, cũng không già quá. Bởi vì nếu là chuối non, với những quả còn chưa rụng hết tua đen, thì khi nấu lên, món ăn sẽ chát đen và thiếu độ sánh ngậy của bột quả. Nếu là chuối già, cuối quả đã tròn múp, tua đen đã rụng sạch nhẵn, thì nấu lên sẽ bị cứng sượng.
Chuối xanh trước khi nấu thường được đem ngâm với nước muối loãng (Ảnh: Sưu tầm)
Cách chế biến món ăn này cũng khá đơn giản. Trước tiên quả chuối được rửa sạch, tước vỏ, cắt khúc rồi bổ đôi ngâm vào chậu nước muối để chuối ra hết nhựa đen, được một lúc thì rửa sạch rồi để cho ráo nước. Xương lợn được rửa sạch chặt từng khúc ngắn ướp với muối, mì chính rồi cho vào một cái nồi với một ít mỡ xào sơ qua. Tiếp đó, trút chuối vào cùng với một ít riềng giã nhỏ, một ít nước tương đảo đều. Khi tất cả nguyên liệu ngấm gia vị thì đổ nước săm sắp rồi đun cho đến khi chuối và xương đều chín nhừ thì cho tiết lợn đánh nhuyễn vào nồi và đun tiếp. Mẻ chua cho vào món xáo chuối chỉ là cho thoáng qua, lấy mùi thơm, vị chua dịu. Cũng có nhà thay vì cho mẻ cơm, thì lại cho tương nếp và cho riềng giã nhỏ vào. Màu bát xáo chuối Lâm Thao ngả nâu như màu cánh gián. Ăn hơi có vị như món rựa mận, thơm ngon, lạ miệng. Cuối cùng, khi nồi chuối đã sánh đặc, thì dùng đôi đũa cả to đánh thật mạnh cho nồi xáo đặc sánh và cho thêm đôi ba thìa nước mắm, tùy nồi xáo to hay nhỏ để lấy mùi thơm. Chừng nào ngửi thấy mùi thơm hơi sem sém lửa ở đáy nồi bắt đầu bốc lên, là lúc món ăn gần như đã hoàn thành.
Thành phẩm món xáo chuối ( Ảnh: Sưu tầm)
Trước khi bắc nồi xáo chuối ra khỏi bếp, có thể cho thêm lá lốt, tía tô, xương sông, mùi tàu thái nhỏ và mấy lát ớt tươi. Một số nơi, người ta cũng thêm vào món xáo chuối cổ truyền mấy miếng thịt ba chỉ hay thịt nách, hoặc ít sườn sụn. Chúng được thái xúc xắc, phi hành mỡ rang vàng cùng chút nước mắm, hạt tiêu. Sau đó trút vào nồi xáo chuối lúc đã quấy gần được. Có gia đình cho thêm một bát hạt lạc sống giã giập khi quấy xáo chuối, hoặc cho thêm mấy miếng đậu phụ thái nhỏ rán vàng ăn cũng rất thú vị.
Khi nấu xong, xáo chuối được múc ra tô, ăn nóng là ngon nhất. Món ăn này đem đến một hương vị khó quên bởi vị ngọt được tiết ra từ xương lợn, vị bùi bùi, mềm dẻo của chuối xanh, hay vị đậm đà của của tương bần. Nếu như trước kia, xáo chuối là món ăn sang, chỉ được nấu trong những dịp có công to việc lớn của người Lâm Thao, thì nay nó lại là món ăn rất thân thuộc được dùng trong bữa ăn hàng ngày. Từ xưa cho đến tận bây giờ, món xáo chuối vẫn là một món ăn bản sắc, góp mặt trong thực đơn của đám cưới, đám hỏi hay thậm chí đám hiếu… mà khó có thể thay thế được.
Những món ăn đến từ các nguyên liệu quen thuộc, chẳng phải của ngon vật lạ nhưng lại để lại muôn vàn dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi con người Việt Nam. Dù có bôn ba nơi phương trời nào, dư vị ẩm thực làng quê Việt vẫn luôn chiếm trọn tình cảm của thực khách, gợi nhớ những kỷ niệm tuổi thơ với những bữa cơm bên gia đình năm nào. Xáo chuối Lâm Thao chính là một món ăn như thế, vừa mang phong vị mặn mà, đậm đà của vùng Bắc Bộ, vừa ẩn chứa nét dân giã, mộc mạc của ẩm thực đồng quê Việt Nam.
Phương Thảo – Trung tâm TTXT Du lịch