Chị Lã Thị Hồng Thùy, cán bộ văn hóa xã Hùng Lô đồng thời là thuyết minh viên tại các điểm thăm quan trên địa bàn xã.
PTĐT – “Thanh lịch, thân thiện, mến khách, giầu tính nhân văn, mang đậm tình người Đất Tổ” là hình ảnh đẹp, đầy ấn tượng mà người dân thành phố Việt Trì đang nỗ lực hướng tới nhằm ghi dấu trong lòng du khách khi đặt chân tới đây, từ đó từng bước góp phần xây dựng Việt Trì trở thành “Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”.
Thành phố Việt Trì là vùng đất còn lưu giữ nhiều dấu tích, những giá trị lịch sử thời đại Hùng Vương với các lễ hội lớn nhỏ mang nét văn hóa đặc trưng vùng Đất Tổ. Mỗi tên đất, tên làng ở nơi đây đều gắn với các truyền thuyết lịch sử, là điểm đến hấp dẫn đồng bào và du khách.
Nằm dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, được thừa hưởng “trọn vẹn” giá trị lịch sử văn hóa thiêng liêng là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, bởi thế từ bao đời nay người dân xã Hy Cương vẫn luôn tự hào và trân trọng tài sản quý báu đó. Đây cũng là địa phương được tiếp xúc với nhiều du khách về với Đền Hùng và có nhiều hộ dân buôn bán ở một số điểm trong Khu di tích. Một vài năm trở lại đây, họ đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách bởi sự văn minh, lịch sự trong việc trao đổi mua bán, công khai niêm yết bán đúng giá, không còn tình trạng chèo néo khách như nhiều năm trước.
Những đào Xoan nhí thân thiện với du khách quốc tế.
Chị Hoàng Thị Trượng, đã 30 năm bán hàng tại Đền Hùng chia sẻ: “Những người bán hàng như chúng tôi giờ đây có thể trở thành “hướng dẫn viên du lịch” bất đắc dĩ khi du khách đến Đền Hùng cần sự trợ giúp, các quầy hàng cũng sẵn sàng cho khách ngồi uống nước, nghỉ ngơi chứ không đòi hỏi họ phải mua bất cứ thứ gì. Bản thân là người bán hàng tôi cũng rất chú ý từ trang phục gọn gàng đến lời ăn tiếng nói, không bao giờ có thái độ cáu kỉnh, gắt gỏng với du khách dù họ là ai, giàu hay nghèo và nhắc nhở nhân viên trong quầy hàng của tôi cũng phải như vậy”. Bất cứ đâu trên địa bàn thành phố, từ các điểm di tích cho đến quảng trường, khu vui chơi… mỗi người dân cũng luôn nêu cao ý thức giữ gìn trật tự, có ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, luôn có thái độ cởi mở, tôn trọng giúp đỡ, ưu tiên khách du lịch.
Vì thế những em học sinh tiểu học giờ đây đã có thể hát một cách say sưa, trôi chảy những câu Xoan mộc mạc, sâu lắng, đượm nghĩa tình. Khi câu Xoan vang vọng dưới mái đình Hùng Lô, miếu Lãi Lèn…, những cái nắm tay thật chặt tạo thành những vòng tròn trong ngoài và cùng nhau hát Xoan của những nghệ nhân, đào kép với du khách tham quan và thưởng thức Xoan, những niềm vui, sự rạng rỡ trên từng khuôn mặt đã đủ thấy sự trân quý và mến khách của người dân địa phương. Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản còn được những cán bộ văn hóa cũng chính là những người con của địa phương góp phần đắc lực. Họ là hướng dẫn viên, thuyết minh viên thanh lịch, duyên dáng giới thiệu những giá trị độc đáo về văn hóa quê hương cũng như các di tích lịch sử lâu đời tại địa phương tới các du khách trong và ngoài nước.
Hội thi bơi chải truyền thống trên sông Lô được tổ chức vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hàng năm
là dịp quảng bá nét đẹp văn hóa đến với du khách.
Giờ đây không chỉ riêng những địa phương có nhiều điểm di tích mà mọi cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố đều ra sức chung tay xây dựng hình ảnh, phong cách công dân thành phố Việt Trì. Xác định việc phát triển du lịch của địa phương gắn với phát triển du lịch của thành phố nên dù không phải là địa phương có điểm du lịch, thăm quan thu hút du khách nhưng thời gian qua, chính quyền và nhân dân trên địa bàn phường Thọ Sơn luôn tăng cường tuyên truyền quảng bá các loại hình du lịch nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về việc phát triển du lịch. Tổ chức các hội thi, giao lưu, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, dán quy tắc ứng xử tại UBND phường, nhà văn hóa khu dân cư để tuyên truyền một cách mạnh mẽ, sâu rộng. Đặc biệt tác động cụ thể, trực tiếp đối với các hộ kinh doanh dịch vụ để không còn tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, đặt biển quảng cáo sai quy định làm mất mỹ quan đô thị, dán bản đồ thành phố tại các cửa hàng.
Bà Nguyễn Thu Hiền- Trưởng phòng Văn hóa thông tin thành phố Việt Trì chia sẻ: “Năm 2019, chúng tôi hướng đến những đột phá trong việc xây dựng hình ảnh công dân Việt Trì. Sổ tay “Quy tắc ứng xử văn hóa trên địa bàn thành phố Việt Trì” phát hành những ngày đầu năm 2018 được ví như “cẩm nang” để từ đó mỗi công dân, mỗi gia đình có thể nhìn vào đó và tự hoàn thiện bản thân. Chúng tôi cũng cho quy tắc ứng xử vào một trong những tiêu chí để xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa tại địa phương, như vậy mới có thể tạo nên một cộng đồng tốt đẹp và hướng đến xây dựng Việt Trì thực sự trở thành “Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”, để mỗi du khách khi về tới đây đều cảm thấy hài lòng, cảm nhận được tình người giàu lòng mến khách và nhân văn.
(Theo: Thu Hương – http://baophutho.vn)