Phú Thọ được đánh giá là có tiềm năng để phát triển du lịch cả về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Du lịch Phú Thọ trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc, dần ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam.Lượng khách đến PhúThọ không ngừng tăng qua cácnăm (mỗi năm đón từ 6,0 – 8,0 triệu lượt khách tham quan), các điểm đến mới dần được hình thành (Vườn quốc gia Xuân Sơn, làng cổ Hùng Lô…), cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng được hoàn thiện (toàn tỉnh có 42 khách sạn từ đạt tiêu chuẩn đến 5 sao, hàng trăm nhà hàng lớn, trung tâm tổ chức sự kiện lớn có quy mô đón hàng ngàn lượt khách…). Doanh nghiệp du lịch đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển đó của ngành du lịch tỉnh Phú Thọ. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 8.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa lêntới 7.500 doanh nghiệp, doanh nghiệp du lịch chiếm khoảng gần 10%, đa số quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nhưng đang góp phần tô vẽ cho bức tranh du lịch Phú Thọ ngày càng tươi sáng hơn.
Doanh nghiệp du lịch tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, khu điểm du lịch làm thay đổi diện mạo du lịch Phú Thọ. Các tập đoàn lớn như Mường Thanh, Saigontourist, Vingroup, Sông Hồng Thủ Đô… và các công ty như Công ty CP Ao Vua, Công ty CP Đầu tư Thăng Long, Công ty TNHH Kim Thành Nam và nhiều doanh nghiệp tư nhân khác tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, tăng sức hấp dẫn của Du lịch Phú Thọ với du khách.
Doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch dịch vụ, xây dựng sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thịhiếu khách du lịch. Các khách sạn, nhà hàng không ngừng đổi mới chất lượng dịch vụ, phát huy sản phẩm ẩm thực Đất Tổ chiều lòng những thực khách khó tính nhất. Các doanh nghiệp lữ hành đã tăng cường xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, bước đầu khai thác có hiệu quả các điểm du lịch, tour du lịch phục vụ du khách.Tiêu biểu như các chương trình “City tour Việt Trì”, “Tour du lịch hàng ngày Hà Nội – Phú Thọ”, “Hát Xoan làng cổ”, chương trình du lịch quốc tế đường sông, du lịch sinh thái cộng đồng Vườn quốc gia Xuân Sơn, nghỉ dưỡng sinh thái Thanh Thủy – Xuân Sơn, du lịch liên kết “Vòng cung Tây Bắc”…được các đơn vị lữ hành nội tỉnh và các đơn vị lữ hành Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh liên kết khai thác bước đầu để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách.
Doanh nghiệp du lịch Phú Thọ góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều đối tượng lao động, từ trình độ kỹ năng thấp tới trình độ cao và gián tiếp thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực du lịch phát triển đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Giai đoạn 2005-2019, du lịch Phú Thọ giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động trực tiếp và gián tiếp, góp phần xóa đói giảm nghèo ở những vùng sâu, xa và đóng góp phát triển kinh tế địa phương có tiềm năng phát triển du lịch như thành phố Việt Trì, huyện Thanh Thủy, Tân Sơn, Hạ Hòa.
Doanh nghiệp du lịch Phú Thọ góp phần cải tạo kinh tế địa phương có tiềm năng phát triển du lịch và khôi phục các làng nghề truyền thống. Các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh thường xuyên tiêu thụ khối lượng nông sản, thực phẩm lớn đã giúp bà con nông dân tại các địa phương như Việt Trì, Thanh Thủy, Tân Sơn… giải quyết một nguồn cung lớn vào thị trường tiềm năng này. Với nhu cầu mua sắm quà tặng lưu niệm, đặc sản địa phương ngày càng tăng trong mỗi chuyến du lịch đã góp phần khôi phục và phát triển một số làng nghề truyền thống tại các địa phương như làng nghề: tương Dục Mỹ, tương Thạch Đồng, nón lá Gia Thanh, mỳ, miến Hùng Lô, rau sạch Tân Đức, thịt chua Thanh Sơn, dệt thổ cẩm Chiềng, chè sạch Tân Sơn… Sản phẩm lưu niệm cao cấp như Khăn ấm mẹ Âu Cơ, sản phẩm gốm, sứ của Đại học Hùng Vương và Công ty CP Đất Việt Xanh, các sản phẩm mạ vàng, đồng của Hoàng Phúc Luxury đã được khách du lịch tin tưởng lựa chọn.
Doanh nghiệp du lịch tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, ứng dụng công nghệ 4.0 tuyên truyền về đơn vị góp phần nâng cao hình ảnh Du lịch Phú Thọ. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, tích cực tham gia các chương trình tập huấn, hội thi tay nghề do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch và các cơ quan khác tổ chức góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Tích cực tham gia các diễn đàn du lịch, hội thảo khoa học trong và ngoài tỉnh để đóng góp các ý kiến, đề xuất các giải pháp thúc đẩy Du lịch Phú Thọ phát triển.Tích cực tổ chức và tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội góp phần hỗ trợ bà con khỏi khó khăn do ảnh hưởng thiên tai, ảnh hưởng di chứng chiến tranh, đã xây dựng hình ảnh doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Trước tình hình đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng trầm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó ngành du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Hiệp hội Du lịch Phú Thọ đã phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên phục hồi hoạt động kinh doanh sau đại dịch. Lãnh đạo Hiệp hội đã chủ động tổ chức thăm hỏi và nắm bắt tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các đơn vị hội viên, tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại của dịch bệnh và đề xuất, kiến nghị với Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh sau đại dịch. Hiệp hội cũng đã phối hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và triển khai chương trình kích cầu du lịch tỉnh Phú Thọ với sự tham gia của 29 đơn vị hội viên trong tất cả các loại hình dịch vụ: lưu trú du lịch, lữ hành, vận chuyển khách du lịch, nhà hàng với cam kết “giảm giá nhưng không giảm chất lượng” để thu hút khách du lịch đến với Phú Thọ và thúc đẩy người dân địa phương tăng cường sử dụng các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh từ tháng 6 đến hết năm 2020. Các đơn vị đã đưa ra nhiều gói kích cầu hấp dẫn với giá ưu đãi giảm từ 10% đến 70% cho các đối tượng khách khác nhau, đặc biệt các đơn vị lữ hành sẽ có thêm những ưu đãi đặc biệt với mong muốn người dân địa phương và khách du lịch được trải nghiệm “Du lịch Phú Thọ an toàn, thân thiện”, “Mỗi hành trình thêm yêu Đất Tổ quê mình”. Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch cũng rất tích cực tham gia các chương trình kích cầu du lịch nội địa do Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phía Bắc, khối Hiệp hội Du lịch 8 tỉnh TBMR tổ chức nhằm tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch và học hỏi kinh nghiệm xây dựng sản phẩm, cách thức tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch thích ứng với tình hình mới sau đại dịch.
Doanh nghiệp du lịch Phú Thọ có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh hiện nay có quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh thấp, nguồn vốn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nhanh thu hồi vốn hoặc khai thác những sản phẩm sẵn có, thiếu các doanh nghiệp có đủ tiềm lực đầu tư xây dựng các dự án du lịch quy mô lớn tạo chuyển biến mạnh mẽ cho phát triển du lịch. Vì vậy, để từng bước đạt các mục tiêu Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ và để Du lịch Phú Thọ có thể cất cánh trong tương lai, mỗi doanh nghiệp du lịch Phú Thọ cần đổi mới mạnh mẽ nhận thức về vai trò và trách nhiệm lớn lao của mình, cần xây dựng thương hiệu và nâng cao vị thế, tăng cường liên kết, tích cực hội nhập quốc tế, tăng cường tiếp cận cập nhật thông tin thời đại 4.0 để tăng khả năng cạnh tranh, đặc biệt là tích cực tham gia hoạt động của các tổ chức hội ngành nghề nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại tỉnh Phú Thọ để nâng cao tính liên kết vùng, hoạt động có định hướng, thích ứng tình hình mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch./.
Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ.