Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Phú Thọ, thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, với diện tích tự nhiên là 111,5km2 gồm 13 phường nội thành và 10 xã ngoại thành, Việt Trì không những là thành phố trung tâm của tỉnh mà còn là vùng đất phát tích, còn nguyên giá trị, dấu tích vật thể và phi vật thể của thời đại Hùng Vương. Phát triển dịch vụ du lịch khai thác tiềm năng lớn nhất mà Việt Trì có được về vị trí địa lý, cảnh quan, các di tích lịch sử, công trình kiến trúc, làng nghề truyền thống cũng như các di sản văn hóa, lễ hội của vùng Đất Tổ, đặc biệt là hai di sản thế giới “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 817/QĐ-TTg “Phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam” giai đoạn năm 2025, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu: “Xây dựng và phát triển thành phố Việt Trì, bao gồm cả Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam theo hướng đồng bộ, bền vững cả về cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hội tụ các điều kiện tốt nhất thực hành di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và các di sản văn hóa vùng Đất Tổ đã được UNESCO ghi danh, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu văn hóa tín ngưỡng chính đáng của nhân dân, củng cố tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận của toàn dân tộc Việt Nam.”
Bên cạnh đó thành phố Việt Trì cần “tạo dựng và hình thành môi trường văn hóa, môi trường sống đặc trưng vùng Đất Tổ: cởi mở, thân thiện, đoàn kết; có quy chế quản lý đô thị văn minh và được thực hiện theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”; các thành phần tham gia hoạt động lễ hội bảo đảm chuẩn mực về văn hóa ứng xử, văn hóa thương mại và ý thức gìn giữ an ninh, trật tự an toàn xã hội.”
Với lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển du lịch, là điểm đến cội nguồn dân tộc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quyết định số: 3034/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là Khu du lịch Quốc gia.
Tiềm năng, lợi thế phát triển hoạt động dịch vụ du lịch thành phố Việt Trì
Theo số liệu kểm kê di sản văn hóa năm 2015, trên địa bàn thành phố có 117 di sản văn hóa vật thể ( gồm: 37 đình, 20 đền, 37 chùa, 02 lăng, 01 di chỉ khảo cổ học, 04 di tích lưu niệm, 16 miếu). Đến nay có 54 di tích và cụm di tích đã được xếp hạng (gồm: 01 di tích xếp hạng cấp đặc biệt quốc gia, 13 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 40 di tích xếp hạng cấp tỉnh được chia là 04 loại hình.
Về di sản văn hóa phi vật thể: Có 47 di sản thuộc 5 loại hình: 04 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn văn hóa dân gian, 04 di sản thuộc loại hình tập quán xã hội, 35 di sản thuộc loại hình Lễ hội truyền thống, 02 di sản thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, 02 di sản thuộc loại hình tri thức dân gian. Có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”.
Thành phố Việt Trì có số lượng cơ sở lưu trú du lịch với 134 khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có 19 khách sạn từ đạt tiêu chuẩn đến 5 sao; 18 đơn vị kinh doanh lữ hành; 02 tuyến phố ẩm thực; trên 10 nhà hàng từ 300 – 700 ghế trở lên, gần 40 nhà hàng từ 100 ghế trở lên, ngoài ra còn hàng trăm nhà hàng quy mô vừa và nhỏ.
Thành phố Việt Trì có mạng lưới giao thông đối ngoại tương đối thuận tiện; bao gồm cả đường bộ, đường thủy và đường sắt…. Những năm gần đây, Việt Trì đã tập trung huy động nguồn lực để triển khai có hiệu quả khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng. Nhiều khu đô thị, tuyến đường giao thông mới, quảng trường, công viên, các trung tâm thương mại, khách sạn .
Với đặc trưng của mảnh đất cội nguồn dân tộc, di sản văn hóa đa dạng, Việt Trì trở thành nơi hội tụ tâm linh của người dân Việt. Với hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Tín ngưỡng thờ cúng Húng Vương và Hát Xoan. Việc công nhận Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng là cơ hội để thành phố Việt Trì tiếp tục phấn đấu hoàn thiện nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch toàn diện, đồng thời đảm nhiệm vai trò du lịch là hạt nhân, trung tâm phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ của vùng. Năm 2021, sản phẩm tour du lịch đêm Đền Hùng “ Trở về cội nguồn- Linh thiêng Đất Tổ” lần đầu tiên ra mắt vào đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương đã thu hút được đông đảo du khách tham gia.
Đến Việt Trì, không thể bỏ lỡ những trải nghiệm thú vị tại các điểm tham quan du lịch tiêu biểu trong bản đồ du lịch thành phố như: công viên Văn Lang, làng cổ Hùng Lô, bảo tàng Hùng Vương, phố ẩm thực Nguyễn Du, khu du lịch Bạch Hạc – Bến Gót, các làng nghề truyền thống (làng rau Tân Đức, làng nghề Hùng lô)… Các sản phẩm du lịch ở đây có thể nói tương đối đa dạng, đầy đủ gồm các sản phẩm văn hóa tâm linh, sản phẩm du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch mua sắm, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch MICE, du lịch thể thao… Khách du lịch sẽ có được sự thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm, thưởng thức, tham quan, trải nghiệm, giải trí, khám phá tài nguyên du lịch…
Trong hành trình khám phá, tìm hiểu các giá trị văn hóa du lịch tại thành phố Việt Trì, điểm đến đầu tiên và quan trọng thu hút khách du lịch tham quan, tìm hiểu đó là Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Hàng năm, cứ vào dịp mồng 10 tháng 3 Âm lịch, triệu triệu người con lại hướng về nơi thờ Quốc Tổ, từ khắp mọi miền đất nước hành hương về Đền Hùng để tri ân công lao dựng nước của Tổ tiên. Về Đền Hùng, vùng đất phát tích còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa gắn liền với thời đại Hùng Vương, nổi bật các phường Xoan gốc với chương trình hát Xoan làng cổ còn được lưu giữ tại các điểm di tích văn hóa như miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình Kim Đái (xã Kim Đức); đình Hùng Lô (xã Hùng Lô); đình An Thái (xã Phượng Lâu) của thành phố Việt Trì. Đặc biệt đến với làng cổ Hùng Lô, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều giá trị nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao. Du khách cũng có thể thưởng thức hát Xoan tại Đình cổ Hùng Lô, mua các sản vật ẩm thực tại chợ Xốm như: bánh trưng, mì gạo…Tại đây thường xuyên tổ chức biểu diễn Hát Xoan thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm hàng năm…
Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, công viên Văn Lang nổi lên như một hòn ngọc, điểm nhấn quan trọng của thành phố Việt Trì. Công viên Văn Lang được coi là điểm hấp dẫn du khách, không chỉ tô đẹp cho thành phố mà còn thể hiện những nét độc đáo của văn hóa truyền thống vùng Đất Tổ. Bên cạnh đó, khu Du lịch Bạch Hạc- Bến Gót là điểm dừng chân lý tưởng để du khách hiểu hơn Đất Tổ Phú Thọ. Nơi đây có thế mạnh phát triển nhiều loại dịch vụ như: vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, tham quan nhà vườn, hoạt động thể thao, tổ chức cắm trại, câu cá…Các làng nghề truyền thống tại thành phố Việt Trì vẫn duy trì hoạt động như Làng nghề chế biến thực phẩm, làng nghề bánh chưng, bánh giầy khu 9 – xã Hùng Lô; Làng nghề Hoa đào Nhà Nít- xã Thanh Đình; Làng nghề Rau an toàn Tân Đức…Làng nghề không chỉ đơn thuần là nơi làm ra các sản phẩm truyền thống mà còn là môi trường văn hóa lưu giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật dân gian, kinh nghiệm sản xuất, phong tục tập quán của cộng đồng. Trong du lịch làng nghề, du khách thưởng thức những ngón nghề, tìm hiểu và khám phá một nền văn hóa.
Đến với thành phố Việt Trì, du khách không chỉ nhớ những địa danh nổi tiếng mà còn nhớ mãi những món ăn đặc sản Việt Trì thơm ngon, đa dạng ở tính chất vùng miền, cách chế biến. Đặc sản Việt Trì ngon phải kể đến cá Lăng, cá Anh Vũ, cá chiên, trám om kho cá, mỳ gạo Hùng lô, hồng Hạc Trì- những đặc sản mà ít vùng nào có được. Ở loại ẩm thực gắn với lễ hội đó là bánh chưng, bánh giầy, bánh tai, bánh khảo, chè lam, chè kho, xôi nếp…Ngoài ra, thành phố còn là nơi tập trung những nhà hàng, quán ăn chế biến các món ăn từ dân tộc truyền thống tới hiện đại hết sức đặc trưng. Đặc biệt với hai tuyến phố ẩm thực Nguyễn Du, Tiên Dung du khách có thể lựa chọn sản phẩm, tham quan, tìm hiểu, thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng và phát triển các tuyến phố ẩm thực hứa hẹn tạo ra một sản phẩm du lịch mới của thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch
Với tiềm năng sẵn có về lịch sử, văn hóa, môi trường cảnh quan và những điểm nhấn thu hút khách du lịch, Việt Trì đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ cụ thể xây dựng thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam
Huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc
Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp các đoạn đường, tuyến đường nối vào các di tích, các điểm du lịch để đầu tư nhằm đảm bảo giao thông được thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.
Tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở lưu trú khách sạn, nhà nghỉ; các điểm dịch vụ ăn uống; các điểm tham quan gắn với các di tích lịch sử, du lịch cộng đồng, sinh thái nghỉ dưỡng cùng với các điểm chưa được khai thác ở dạng tiềm năng.
Tiếp tục đầu tư các nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng gắn với việc phát triển du lịch để bảo tồn cảnh quan các điểm tham quan, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.
Tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng, nghiên cứu sản phẩm mới có tiềm năng phát triển là sản phẩm du lịch học đường
Tiếp tục phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng, tổ chức các hoạt động Lễ hội Đền Hùng hàng năm trở thành lễ hội mẫu mực trong cả nước. Khai thác, phát huy giá trị 02 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để phục vụ hoạt động du lịch. Xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh mới phục vụ khách du lịch thăm quan trải nghiệm trên cơ sở khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch “City tour Việt Trì”, sản phẩm Hát Xoan làng cổ, tour du lịch hàng ngày Hà Nội- Phú Thọ…Tập trung phát triển hoạt động du lịch tại 3 khu vực chính: Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng; khu vực Trung tâm thành phố Việt Trì , khu vực Bạch Hạc, Bến Gót.
Nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống: Lễ hội Đền Hùng; nghệ thuật trình diễn Bơi chải trong hội đền Tam Giang, phường Bạch Hạc; nghệ thuật trình diễn Hát Xoan tại xã Kim Đức, xã Phượng Lâu; hội đình Hùng Lô, xã Hùng Lô; Lễ hội Cướp bông ném chài đền Vân Luông, phường Vân Phú.
Hình thành, phát triển các khu phố ẩm thực hoặc đi bộ kết hợp mua sắm, ẩm thực, hình thành các tuyến phố chuyên doanh. Tiếp tục tạo dựng thương hiệu đối với các món ăn đặc sản, bổ sung các món ăn truyền thống các vùng miền để giới thiệu, thu hút khách thăm quan.
Khai thác sản phẩm du lịch về đêm tại thành phố Việt Trì: Văn hóa ẩm thực trở thành một trong những yếu tố chính trong sản phẩm du lịch về đêm, những món ăn, đặc sản, đồ uống địa phương là đối tượng mà du khách phương xa hướng tới. Buổi tối thành phố Việt Trì sẽ tạo không gian cuốn hút hơn nhờ ánh sáng, âm thanh, biểu diễn nghệ thuật, mua sắm…
Sản phẩm du lịch nông nghiệp- nông thôn: Tiếp tục tập trung khai thác các thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp sạch, các làng nghề thủ công truyền thống như: Làng nghề xã Hùng Lô gắn với chế biến nông sản, thực phẩm, làng nghề trồng rau, gắn với du lịch trải nghiệm…
Sản phẩm du lịch học đường: giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc, hướng về cội nguồn, tìm hiểu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh gắn với các hoạt động trải nghiệm làng nghề truyền thống vùng Đất Tổ Hùng Vương; kết nối các điểm tham quan vui chơi giải trí, du lịch sinh thái… nhằm xây dựng các chương trình hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho đối tượng là học sinh các cấp, sinh viên trong và ngoài tỉnh.
Đẩy mạnh các hoạt động thông tin quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch, tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và các văn bản quy định của Nhà nước liên quan về phát triển các ngành dịch vụ gắn với phát triển du lịch cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch và Nhân dân thành phố.
Thực hiện nâng cấp bản đồ số Web Gif thành Cổng thông tin du lịch thành phố Việt Trì tích hợp dữ liệu hình ảnh 360°, clip minh họa và có thuyết minh tiếng Anh và tiếng Việt. Đồng thời tổ chức mô hình Sổ tay du lịch điện tử nhằm ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch thành phố Việt Trì. Sổ tay du lịch điện tử được thiết lập trên nền tảng công nghệ .
Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch
Huy động cơ sở lưu trú du lịch đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư các dịch vụ du lịch hấp dẫn, phong phú, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ khách du lịch tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố.
Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên đạt tiêu chuẩn quy định; bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cho các lái xe du lịch, đảm bảo các phương tiện vận chuyển du lịch an toàn, có đủ điều kiện trang bị, đảm bảo lịch sự và làm hài lòng du khách.
Xây dựng điểm đến du lịch an toàn, thân thiện và mến khác.
Với tiềm năng và lợi thế to lớn, Việt Trì đã thực hiện quy hoạch, hình thành và phát triển không gian lễ hội bảo đảm kết hợp hài hòa với không gian phát triển kinh tế- xã hội trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử lâu đời vùng Đất Tổ.
Một số hình ảnh đẹp về Việt Trì:
Dòng chảy (Tác giả: Ngọc Kỳ)
Lung linh thành phố Lễ hội (Tác giả: Nguyễn Anh Tuấn)
Toàn cảnh công viên Văn Lang ( Ảnh: Sưu tầm)
Phố ẩm thực Nguyễn Du (Ảnh: Sưu tầm)
Xuân hội nhập (Ảnh: Quang Bằng)
Toàn cảnh khuôn viên Miếu Lãi Lèn (Ảnh: Sưu tầm)
Xuân Giang- Trung tâm TTXT Du lịch