Xã Hùng Lô vốn là một làng nhỏ ven sông Lô, xưa gọi là làng Xốm, nằm ở phía Bắc thành phố Việt Trì, cách trung tâm tỉnh lỵ Phú Thọ 8 km, cách Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng chừng 10km. Trải qua quá trình định cư lâu dài, gắn bó cộng đồng trong sản xuất và chiến đấu bảo vệ quê hương, các thế hệ người dân Hùng Lô đã từng bước xây dựng nên hệ thống những công trình văn hóa, tín ngưỡng, công trình tôn giáo có giá trị hiện vẫn còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị. Bằng bàn tay tài hoa và khối óc thông minh, sáng tạo, các nghệ nhân An Lão – Hùng Lô khi xưa đã để lại cho hậu thế nhiều công trình văn hóa có sức sống lâu bền và lan tỏa, điển hình là di tích lịch sử văn hoá Đình Xốm – Đình Hùng Lô với kiến trúc cổ, nhiều họa tiết hoa văn gắn với thời đại Hùng Vương, đình Hùng Lô hiện vẫn còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá, trong đó tiêu biểu là 5 cỗ kiệu sơn son thiếp vàng và những khí tự lễ hội có niên đại cách ngày nay đã hơn 300 năm và còn là làng nổi tiếng về truyền thống trong lễ hội rước kiệu từ xưa đến nay. Hùng Lô cũng là một ngôi làng cổ, hiện nay trên địa bàn xã Hùng Lô có khoảng 50 ngôi nhà gỗ cổ có niên đại khoảng từ 100 năm tuổi trở lên, các ngôi nhà đều lưu giữ những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa đa dạng với những kiến trúc độc đáo mang đậm kiến trúc của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, cùng với cảnh quan ven sông, đời sống sinh hoạt chợ quê, hoạt động làng nghề.
Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình cổ Hùng Lô (Ảnh: Duy Cao)
Nhận biết giá trị của những tài nguyên du lịch độc đáo của Hùng Lô, ngành du lịch tỉnh Phú Thọ đã sớm định hướng và hỗ trợ xây dựng, xúc tiến, khai thác các sản phẩm du lịch nơi đây, trong đó phải kể đến sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” được tổ chức biểu diễn phục vụ du khách tại Đình Hùng Lô; sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với thăm quan nhà cổ; sản phẩm du lịch trải nghiệm gói bánh chưng, trải nghiệm làng nghề nông nghiệp nông thôn… đồng thời đã hỗ trợ xây dựng Cổng làng, hệ thống biển chỉ dẫn kết hợp quảng bá, biển chỉ dẫn điểm đến, hỗ trợ trưng bày và các trang thiết bị cho các hộ dân đón khách. Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì cũng đã tích cực vào cuộc, nâng cấp các tuyến đường kết nối đến Hùng Lô, xây dựng bãi đỗ xe và khu vực trưng bày, bán các sản phẩm đặc sản, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP phục vụ du khách, vận động người dân tích cự tham gia các hoạt động du lịch. Qua đó, đã dần hình thành nên Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô đáp ứng các tiêu chí công nhận Điểm du lịch cấp tỉnh.
Tháng 9 năm 2021, Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô, thành phố Việt Trì được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh tại Quyết định số 2406/QĐ-UBND ngày 24/9/2021 với diện tích 2.051.100 m2, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Hùng Lô. Đây là điểm du lịch cấp tỉnh đầu tiên được công nhận của tỉnh Phú Thọ với các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm làng nghề nông nghiệp nông thôn đang được khai thác phục vụ khách du lịch.
Sau khi điểm du lịch được công nhận, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì tổ chức Lễ công bố Điểm du lịch, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá và phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng Homestay tại Hùng Lô như: Hỗ trợ các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu du lịch cộng đồng Homestay; tổ chức người dân học tập kinh nghiệm nâng cao nhận thức du lịch cộng đồng; quảng bá, liên kết, giới thiệu dịch vụ du lịch cộng đồng Homestay đến các doanh nghiệp lữ hành để kết nối khách du lịch; tăng cường tuyên truyền, giới thiệu điểm du lịch tại các Hội chợ, sự kiện du lịch như Hội chợ VITM Hà Nội, ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh, tại các điểm thi đấu SEA games 31; trên các trang thông tin điện tử dulichphutho.com.vn và dulichtaybac.vn, các trang facebook Du lịch Phú Thọ, Hát Xoan Phú Thọ, Trung tâm TTXT Du lịch Phú Thọ, Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Phú Thọ; các Fanpage Du lịch Phú Thọ, Sản phẩm Du lịch Phú Thọ, Sắc màu Tây Bắc – Thành phố Hồ Chí Minh, Zalo Du lịch Phú Thọ và App Du lịch thông minh Myphutho.vn; phối hợp với Đài PH-TH tỉnh xây dựng phóng sự giới thiệu điểm du lịch thu hút hàng chục nghìn lượt người theo dõi, tìm hiểu thông tin; triển khai ứng dụng tra cứu thông tin du lịch bằng quét mã QR Code… Kết quả, từ khi hoạt động du lịch được mở cửa trở lại đến nay, điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô đã đón và phục vụ khoảng 30 đoàn với trên 600 du khách, các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại đây đã bước đầu đem lại lợi ích kinh tế cho bà con nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho địa phương.
Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô đang đặt ra một số vấn đề như: một số sản phẩm, dịch vụ được hỗ trợ đưa vào khai thác chưa đem lại hiệu quả, việc tổ chức dịch vụ còn manh mún, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên để tổ chức dịch vụ cộng đồng, một số dịch vụ tại điểm chưa đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân… có thể nói nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ tại Điểm du lịch chưa cao, chưa có nguồn kinh phí để thực hiện cải tạo, sửa chữa các công trình, trang thiết bị đã đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để thúc đẩy phát triển du lịch, phải trông chờ hoàn toàn vào ngân sách nhà nước. Chính quyền địa phương cũng chưa thật sự chủ động trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch tại địa phương mình.
Để quản lý, khai thác có hiệu quả hơn nữa Điểm du lịch Hùng Lô, theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp tại thành phố Việt Trì cùng người dân tại xã Hùng Lô cần thực hiện một số giải pháp sau:
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch: Tiếp tục hướng dẫn địa phương, hỗ trợ xây dựng hoàn thiện các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển các sản phẩm, dịch vụ tại điểm phục vụ khách du lịch; tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ địa phương, người dân làm du lịch, dịch vụ; tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch đến điểm qua các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, các chương trình du lịch và hướng dẫn Ban quản lý điểm du lịch chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến điểm đến phù hợp.
Đối với Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì: Nghiên cứu thành lập Ban quản lý Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô hoặc kiện toàn Ban Quản lý di tích Đình Hùng Lô, bổ sung thành viên phù hợp; xây dựng nội quy, quy chế hoạt động phù hợp với nhiệm vụ quản lý điểm du lịch. Tiếp tục tập trung nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối đến điểm du lịch, cải tạo cảnh quan khu vực Đình Hùng Lô, khu vực cổng vào Điểm du lịch; xem xét hỗ trợ người dân đang làm du lịch cộng đồng một phần kinh phí cải tạo các ngôi nhà cổ đón khách du lịch.
Đối với Ủy ban nhân dân xã Hùng Lô: Cần chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch của địa phương; Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm của người sống trong khu vực phát triển du lịch, thường xuyên vệ sinh dọn dẹp đường làng ngõ xóm, đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp; vận động người dân gìn giữ những giá trị tài nguyên du lịch của địa phương mình, làm tốt công tác bảo tồn di sản, di tích trên địa bàn, giữ gìn những ngôi nhà cổ, hạn chế xây dựng các công trình có kiến trúc hiện đại tại các gia đình đang đón và phục vụ khách du lịch…
Đối với người dân đang sống và làm dịch vụ du lịch tại Điểm du lịch: Cần tích cực giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản, nhà cổ và phong cảnh làng quê; thường xuyên chăm sóc, dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm; người dân làm dịch vụ du lịch cần chủ động học tập kinh nghiệm để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị quản lý tổ chức tốt các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch, xây dựng đa dạng sản phẩm, từng bước chủ động thực hiện công tác quảng bá, tuyên truyền, xúc tiến, từng bước chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cộng đồng./.
Dương Nhị Hà
Trưởng phòng Phát triển tài nguyên du lịch- Sở VHTTDL