Nói đến ẩm thực Phú Thọ ngoài rau sắn, bánh tai, thịt chua… còn phải kể đến món nhộng cọ nướng – món ăn đã làm nên nét ẩm thực dân giã và đặc trưng của vùng đất trung du. Nhộng cọ nướng chính là một trong những món ăn vừa độc, vừa lạ mà có lẽ chỉ những người dân Phú Thọ mới biết.
Nhộng con béo núc làm tổ trong thân cây cọ mục (Ảnh: Sưu tầm)
Nhắc đến cây cọ, ngoài che bóng mát thì còn có rất nhiều tác dụng: Lá dùng để lợp mái nhà sàn, cành cọ làm ra chiếu mành, thân cọ già làm ván nhà sàn, lá non có thể đan nón, còn quả cọ ỏm lên ăn rất ngon. Để có được món ăn từ nhộng cọ, phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ từ khi bắt đầu nuôi nhộng béo ngậy cho tới khi chế biến. Quy trình để nuôi nhộng cọ rất mất thời gian. Khi cây cọ được hạ xuống thì phải chặt bỏ đoạn ngọn, rồi để đoạn ngọn đó từ 15 đến 30 ngày. Trong thời gian này, sẽ có những con sâu ăn vào ngọn cọ rồi đẻ ra con nhộng. Trong khoảng một tháng sống ở đó, thức ăn của chúng sẽ là lõi và nõn trong thân cọ. Con nhộng sẽ to dần lên, nhưng nếu không khai thác đúng thời điểm, chúng sẽ già và mọc cánh bay đi. Vì vậy, nhộng cọ khai thác tốt nhất là lúc bánh tẻ, chưa già. Nếu không nuôi, nhiều người dân cũng có thể chọn cách vào rừng tìm những cây cọ đã chết để săn nhộng bên trong thân cây.
Khi những con tằm được ăn nõn cọ trở nên béo mập, lớp da chuyển sang màu vàng trắng, con nào con nấy thân mình tròn mẩy thì mới đạt đến độ ngon nhất. Tiếp đến, người ta lấy những con tằm ra khỏi thân cọ và thả vào bát giấm thanh pha loãng để tằm nhả bớt những chất bẩn trong thân mình. Để thực hiện món nhộng cọ thì vật dụng đầu tiên cần có là lò đất nung chứa than hoa, thường được đốt từ thân cây cọ già. Đây là công đoạn quan trọng nhất, bởi để có được món tằm cọ ngon thì than nướng phải đủ nhiệt.
Nhộng cọ được nướng trên than hoa (Ảnh: Sưu tầm)
Khi lớp than hồng đã rực đượm màu lửa, người dân vùng trung du mới dùng đến những chiếc xiên cọ được chẻ nhỏ, được vót từ cuống cọ tươi, từ từ xiên nhẹ dọc theo thân nhộng và đặt trên than hoa để nướng. Chỉ sau một phút, hương thơm của nhộng cọ nướng đã lan tỏa khắp gian nhà nhỏ. Trên lớp than hoa hồng đỏ, tằm chín vàng ươm, đượm màu cánh gián. Ngay khi nhộng cọ còn nóng hổi, người ta chấm nhộng với đĩa muối ớt kèm chút hạt tiêu, pha trộn thật đều tay. Đĩa muối ớt trở thành gia vị không thể thiếu của nhộng, bởi lẽ không có nó món ăn này sẽ bớt đi phân nửa sự đậm đà. Vị bùi bùi, béo béo của nhộng cọ hòa cùng chút cay nồng, mặn vừa đủ thật sự kích thích vị giác của thực khách. Nhộng cọ được đánh giá là thơm hơn và có vị béo ngậy, độ đậm và ngọt miệng hơn so với đuông dừa. Nhộng cọ ăn kèm chút lá chanh thì sẽ đạt tới hương vị thơm ngon nhất.
Nhộng cọ sau khi được nướng chín ngả màu vàng ươm (Ảnh: Sưu tầm)
Món nhộng cọ nướng nếu như được nhâm nhi cùng chút rượu sắn thật hợp, khiến cho hương rừng, hương đồi bỗng chốc quyện hòa sóng sánh, lâng lâng. Món nhộng cọ ngon nhất phải ăn vào mùa đông, những ngày thời tiết giá rét. Cả gia đình quay quần bên bếp than hồng, thưởng thức xiên nhộng cọ béo ngậy thì không có món ngon nào có thể sánh bằng. Ngoài món nướng ra, nhộng cọ còn có thể chế biến theo cách thả nhộng vào chảo, chao với dầu ăn hoặc mỡ heo cho nhộng vàng ruộm, rồi rắc lá chanh thái nhỏ ăn cũng rất ngon.
Nếu ai đó có cơ hội đến thăm miền đất Cẩm Khê, Hạ Hòa – những địa phương trồng nhiều cọ nhất tại Phú Thọ thì hãy một lần nếm thử món nhộng cọ nướng, một món ăn mang hương vị tinh tế, đậm đà của vùng quê trung du. Những tour du lịch khám phá rừng cọ, đồi chè tại Phú Thọ sẽ càng thêm phần thú vị khi du khách được thưởng thức món ăn độc đáo này.
Phương Thảo – Trung tâm TTXT Du lịch