Việc kết hợp phát triển hoạt động sản xuất, chế biến chè với phát triển mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng đang mang lại “lợi ích kép” cho việc phát triển kinh tế – văn hóa của vùng đất Long Cốc, huyện Tân Sơn. Ngoài mục đích phát triển kinh tế địa phương, mô hình du lịch chè sinh thái đang dần phù hợp và đáp ứng nhu cầu du lịch xanh; góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh nhà.
Trong xu hướng du lịch hiện nay, du khách rất ưa chuộng loại hình du lịch bền vững, hòa mình với thiên nhiên mà không làm biến đổi môi trường tự nhiên, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân địa phương. Trong số đó, du lịch xanh đang là một trong những lựa chọn hàng đầu. Cách thức phát triển của loại hình du lịch này là triển khai những hoạt động du lịch khai thác cảnh quan thiên nhiên, khai thác cuộc sống của người dân bản địa.
Là địa phương có tiềm năng du lịch khá mạnh, điều kiện tự nhiên, khí hậu đã ưu đãi cho Long Cốc có một cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, độc đáo. Ngành du lịch tỉnh đang định ra hướng đi mới cho du lịch xanh của Long Cốc, đó là phát triển du lịch đồi chè, khai thác các hộ sản xuất chè truyền thống nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời phát triển sinh kế cho người dân trồng chè.
Long Cốc là một trong những xã miền núi của huyện Tân Sơn, toàn xã có 694 ha trồng chè, sản lượng chè búp hàng năm khoảng 10.000 tấn. Nguồn thu nhập chính của người dân là các sản phẩm nông nghiệp, trong đó cây chè được xác định là cây chủ lực. Từ một xã đặc biệt khó khăn, đến nay, thu nhập của người dân bản địa đã tăng đáng kể, năm 2022 đạt 32 triệu đồng/người/năm. Trong đó nguồn thu từ cây chè là một trong những nguồn thu chủ lực.
Ngành du lịch đã và đang đưa Long Cốc vào các tour, tuyến du lịch.
Vài năm trở lại đây, nắm bắt xu hướng của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế vốn rất hứng thú với các loại hình du lịch xanh, ngành du lịch đã và đang đưa Long Cốc vào các tour, tuyến du lịch. Với kinh nghiệm trồng và chế biến chè của người dân nơi đây cũng góp phần tạo nên hương vị quyến rũ của sản phẩm. Việc chế biến chè là một quá trình công phu, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, thậm chí đạt đến độ nghệ thuật. Thực tế cho thấy, rất nhiều khách tham quan tỏ ra hứng thú với việc tìm hiểu quá trình chế biến chè, từ việc lựa chọn búp chè tươi, xao chè và đến cả quá trình pha trà tinh tế, thể hiện nét văn hóa, sự tinh hoa của người làm chè.
Anh Nguyễn Quốc Anh, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Đến Long Cốc thì cái đầu tiên mà tôi cảm nhận đó là khung cảnh tuyệt đẹp, nên thơ của đồi chè, rất độc đáo mà không ở đâu có được. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được tìm hiểu về cách chế biến chè cùng văn hoá của người dân địa phương rất đặc sắc. Để lại cho tôi nhiều ấn tượng”.
Du khách được tham gia trải nghiệm quy trình chế biến chè Long Cốc.
Đến với tour du lịch Long Cốc, du khách có thể đi tham quan đồi chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, tham gia trải nghiệm hoạt động hái chè, xao chè thủ công truyền thống, tìm hiểu quy trình tạo nên sản phẩm trà đặc trưng, thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương và tham gia chương trình biểu diễn văn hoá của người dân tộc Mường, Dao,…
Để nâng cao chất lượng du lịch, khi khai thác và đưa các hộ sản xuất chè vào hoạt động du lịch xanh, người nông dân đã được hướng dẫn làm du lịch, biến công việc hằng ngày thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Được trang bị các kiến thức cơ bản về hoạt động du lịch; kỹ năng thuyết minh, giới thiệu; cách đón tiếp khách, sắp xếp cơ sở lưu trú tại gia, lên thực đơn, phân loại, sơ chế, chế biến thực phẩm, cách trình bày, lên giá thành phẩm bữa ăn; nghệ thuật giao tiếp với du khách, giới thiệu những nét đặc sắc của vùng chè Long Cốc.
Lợi ích mà hình thức du lịch này đem lại cho người nông dân trồng chè ở Long Cốc là không những có thể thu lợi trực tiếp từ việc cung cấp dịch vụ lưu trú, ẩm thực và hướng dẫn khách tham quan, mà còn nâng cao được lượng tiêu thụ sản phẩm chè. Điều đó đồng nghĩa với việc không những nguồn lợi truyền thống được bảo đảm, mà còn góp phần nâng cao sinh kế cho người dân, là cơ hội cho du lịch tỉnh phát triển theo hướng bền vững, bảo tồn không gian xanh đặc trưng của vùng núi trung du, đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Du khách được trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực dân tộc tại Long Cốc.
Bà Phạm Thị Hạnh – Giám đốc Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc cho biết: “Khi du lịch Long Cốc được nhiều du khách biết đến đồng nghĩa với việc lượng tiêu thụ các sản phẩm chè của Long Cốc cũng được nâng lên. Điều này thể hiện du lịch Long Cốc đang đi đúng hướng trong việc triển khai loại hình du lịch đồi chè, một hình thức du lịch xanh bền vững, góp phần tạo nên hình ảnh du lịch đặc trưng của vùng chè đẹp, ngon của tỉnh.”
Có thể thấy, du lịch xanh được xem như một giải pháp rất có hiệu quả để bảo vệ môi trường sinh thái thông qua quá trình giảm sức ép khai thác nguồn lợi tự nhiên phục vụ nhu cầu của khách du lịch, của người dân địa phương khi tham gia vào các hoạt động du lịch. Thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, giới thiệu mời gọi liên kết du lịch. Đồng thời, thực hiện tập huấn nghiệp vụ để công tác du lịch, nấu ăn, pha chế cho các chủ hộ kinh doanh homestay, người dân địa phương được chuyên nghiệp hơn.
(Nguồn: Báo Phú Thọ)