Nằm bên tả ngạn sông Hồng cách không xa nơi hội tụ 3 dòng sông lớn về phía Đông Nam có một làng cổ Mộ Chu Hạ. Xưa kia làng Mộ Hạ thuộc tổng Mộ Chu phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc phường Bạch Hạc – thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Nhắc đến Mộ Chu là người ta nghĩ tới hoạt động văn hoá dân gian giã bánh giầy phục vụ giỗ Tổ Hùng Vương và tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ Vua Lê Đại Hành- người có công lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống giành thắng lợi. Từ đó 1 năm 2 lần hội thi giã bánh giầy vào dịp 10/1 và 10/3 âm lịch đã trở thành truyền thống của người dân làng Mộ Chu Hạ.
Sự tích bánh chưng, bánh giầy từ thủa Lang Liêu, câu chuyện về chàng hoàng tử thứ 18 của Vua Hùng thứ 6 – Hùng Hoa Vương. Nhận lời vua cha các anh em của chàng toả đi khắp nơi tìm của ngon vật lạ làm lễ vật mừng thọ nhà vua sống lâu ngàn tuổi, chúc cho giang sơn bền vững, dân chúng ấm no, người con nào có lễ vật được vua ưng ý sẽ truyền ngôi báu cho. Trong khi các hoàng tử khác săn tìm sơn hào, hải vị dâng Vua thì hoàng tử Lang Liêu vẫn đắn đo suy nghĩ chưa tìm được món quà đúng ý. Vào 1 đêm rằm tháng chạp trăng sáng, hoàng tử Lang Liêu bỗng thấy trong không gian mùi thơm quen thuộc, chàng nhận ra đó là hương lúa nếp vụ mười. Lang Liêu chợt hiểu ra đây chính là lời giải cho điều mà những ngày qua chàng vẫn băn khoăn trăn trở. Đến ngày dâng lễ vật Vua cha, hoàng tử Lang Liêu dâng lên: một chiếc bánh vuông màu xanh, và 1 chiếc bánh tròn đầy đặn màu trắng tinh khiết như bầu trời buổi quang mây. Bánh tròn là tượng trưng cho trời, bánh vuông là tượng trưng cho đất, đó chính là cội nguồn âm dương sự sống. Là trời nên chỉ 1 màu trắng tròn nên gọi là bánh giầy, là đất có hình vuông có cỏ cây, lúa, đỗ và thịt động vật gói bên trong gọi là bánh chưng. Nhà vua quyết định truyền ngôi báu cho hoàng tử Lang Liêu, lên ngôi lấy hiệu là Hùng Huy Vương(Vua Hùng thứ 7). Lễ hội của dân làng Mộ Chu Hạ không gì hơn ngoài việc ôn lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nhớ các vua Hùng dạy dân trồng lúa, nhớ sản vật trời đất ban cho.
Ngoài ý nghĩa gắn liền với thời kỳ Hùng Vương, bánh giầy làng Mộ Hạ còn có những nét riêng, nét đẹp trong cuộc thi gắn với lịch sử 1 vị vua, vị hoàng đế tiền Lê (Lê Đại Hành). Khi dẫn quân qua đây thì trời tối, người ngựa đều mệt mỏi. Vua cho quân sĩ nghỉ ngơi, sáng hôm sau dân làng giã bánh giầy cho vua và binh lính mang theo làm lương thực (hôm đó là ngày 10 tháng Giêng). Trải qua biết bao thế hệ, người dân làng Mộ Chu vẫn coi tục giã bánh giầy là một nét đẹp văn hóa của quê hương mình. Hội thi giã bánh giầy là cuộc thi tài thi sức giữa 4 giáp: Đông, Tây, Nam, Bắc tương đương với 4 dòng họ lớn trong làng . Bánh của giáp nào đạt giải không chỉ là niềm vinh dự lớn mà cả năm giáp đó sẽ được mùa, no đủ thịnh vượng.
Để chuẩn bị cho cuộc thi, ngay từ trong năm các giáp phải đi lấy đá Đông Triều về làm cối giã. Cối làm ra phải mịn mặt, sâu lòng, để được vững vàng trên mặt đất. Chày giã bánh được làm từ cây tre bánh tẻ vừa lên đủ lá, chặt lấy đoạn gốc dài khoảng 1,6m , ba đốt dưới cạo bỏ lớp cật, đầu vót tròn xoa nhẵn. Phần trên chày được sơn đỏ hoặc dán giấy màu.Chiều ngày mùng 9 tháng Giêng, phần tế lễ diễn ra tại đình làng Mộ Hạ. Trong phần tế lễ có 1 khâu quan trọng của ngày hôm sau liên quan đến giã bánh, đó là đi lấy nước từ Ngã ba sông Hạc đem về. Đây là thứ nước thanh khiết được đựng trong âu gốm đặt lên bàn thờ, dùng để thờ cúng suốt năm.Gạo nếp hoa vàng cũng được ngâm bằng thứ nước này từ đêm mùng 9, trước khi ngâm gạo được chọn kỹ lưỡng, không được lấy tay chọn mà phải dùng đũa, hạt gạo mẩy đều, không nứt vỡ đôi. Sự công phu trong quá trình chuẩn bị thể hiện rõ tầm quan trọng của một lễ hội lớn linh thiêng hàng năm.
Sáng ngày 10 tháng Giêng là vào chính tiệc. Buổi sáng, làm lễ tế báo cáo thần linh, cầu thành hoàng phù hộ cho làng ấm no, thịnh vượng. Sau lễ tế là phần hấp dẫn nhất ngày hội. Khi công tác chuẩn bị của 4 giáp được hoàn tất, chọn giờ hoàng đạo ông chủ lễ đánh hồi trống hiệu lệnh chạy quân xung quanh đình. Sau đó 4 đội tề tựu trước sân thành 4 hàng dọc làm lễ trước khi vào cuộc thi. Ông chủ tế hô to, theo nhịp các vận động viên giãn đều bái theo mệnh lệnh: thiên bái – bái trời, địa bái – bái đất, thánh bái – bái người được thờ. Cuộc thi tài bắt đầu. Khi xôi chín mềm, dẻo dính, hương thơm ngào ngạt thì đổ vào cối rồi bắt đầu giã. Đây là những náo động, gay cấn nhất của cuộc thi, bởi xôi nếp nóng càng giã càng dính đòi hỏi người giã không chỉ khỏe mạnh mà phải thật khéo léo. Tiếng thậm thình hòa vang cùng tiếng chiêng trống thúc giục liên hồi, xung quanh dân làng reo hò náo nhiệt cổ vũ cho giáp của mình mau giành phần thắng. Sự dẻo dai, khéo léo, kỹ thuật của các thành viên trong đội thi khiến cho khối bột nếp dẻo mịn trong chốc lát đã trở thành những chiếc bánh tròn xinh xắn đặt trên đĩa lót lá chuối xanh, sản phẩm cuối cùng của cuộc thi bánh giầy truyền thống. Chọn 4 giáp mỗi giáp 3 chiếc bánh giầy đẹp nhất đưa vào đền làm lễ rồi lại đem ra để chấm giải. Ngoài yêu cầu về thời gian, bánh đạt giải phải có màu trắng trong, tròn mịn, nây đều. Giáp nào được giải thì năm đó dân làng gặp nhiều may mắn, được mùa ấm no.
Trong Hội thi giã bánh giầy phục vụ giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, dân làng chọn những chiếc bánh đẹp nhất của 4 giáp dâng lên đền Thượng làm lễ mong Vua Hùng ban phước cho muôn dân năm đó. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, bánh giầy làng Mộ Chu Hạ vẫn được người dân gìn giữ nguyên vẹn về hình dáng, hương vị. Tục giã bánh giầy truyền thống làng Mộ Chu Hạ đã trở thành nét đẹp văn hoá, truyền thống, nhắc nhở thế hệ tương lai biết trân trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và bảo tồn loại hình di sản văn hoá phi vật thể trên quê hương đất Tổ.
Thùy Dung- Trung tâm TTXT Du lịch