Lễ dâng hương tưởng nhớ công lao Hoàng tử Lang Liêu – Hùng Chiêu Vương

Sáng ngày 10/5/2022 (tức ngày 10/4 âm lịch năm Nhâm Dần), Ủy ban nhân dân phường Dữu Lâu đã long trọng tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tại đình Dữu Lâu để tưởng nhớ công lao Hoàng tử Lang Liêu – Hùng Chiêu Vương nhằm tri ân công đức tổ tiên, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Về dự lễ dâng hương có Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hảo – đại diện Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Điền – nguyên Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Doãn Khánh – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng – nguyên Phó Ban nội chính Trung ương – nguyên Bí thư tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo, chuyên viên Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Phú Thọ, lãnh đạo UBND thành phố Việt Trì, Đảng ủy – HĐND – UBND phường Dữu Lâu, lãnh đạo Hội khoa học lịch sử tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo Hội Văn hóa ẩm thực tỉnh Phú Thọ, hội viên Hội đầu bếp Việt Nam, hội viên Hội đầu bếp của các tỉnh thành cùng đông đảo nhân dân phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và du khách thập phương.

Dữu Lâu là vùng đất thuộc kinh đô Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Nơi đây có những di tích thờ tự các Vua Hùng, tướng lĩnh của các đời Hùng Vương. Trong các di tích đó có ngôi miếu cổ thờ Lang Liêu Đại Vương ở khu Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Theo truyền thuyết và sử sách còn ghi lại, Hoàng tử Lang Liêu là con thứ của Vua Hùng thứ sáu (Hùng Huy Vương), sống tại làng Dữu Lâu của kinh đô Phong Châu xưa, nay là phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Hoàng tử Lang Liêu thông minh, hiếu thuận, siêng năng làm lụng ruộng nương, sống gần gũi hòa đồng với nhân dân. Qua cuộc thi làm cỗ dâng Vua cha nhân ngày mừng thọ, Hoàng tử Lang Liêu đã sáng tạo ra hai thứ bánh tượng trưng cho “Trời tròn – Đất vuông”, đó chính là bánh Chưng, bánh Giầy, được vua Hùng thứ 6 chọn là người kế vị, trở thành Vua Hùng thứ 7 hiệu là Hùng Chiêu Vương. Từ khi nhận trọng trách Vua cha giao cho, Hùng Chiêu Vương thể hiện là một ông Vua hiền tài, đức độ, luôn tu rèn bản thân, sống giản dị, lấy nhân nghĩa làm gốc trị vì thiên hạ. Tâm niệm của Ngài là làm sao dân yên, nước thịnh, thiên hạ thái bình. Hùng Chiêu Vương rất chăm lo cho việc cầu cúng, hương khói tổ tiên. Ngài thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh cúng tế trời đất, dâng hương tổ tiên, cầu xin trời đất ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân dân ấm no, đất nước thịnh vượng. Nhà vua còn cùng vợ là bà Lăng Thị Tiêu lãnh đạo, chỉ huy quân dân Văn Lang đánh thắng đội quân xâm lược nhà Ân từ phương Bắc, giữ yên bờ cõi.

Với tấm lòng hiếu nghĩa với tổ tiên và thương yêu dân lành nên khi Ngài còn tại vị hay khi đã quy tiên, nhân dân luôn kính trọng, ngưỡng mộ và sau khi Vua Hùng Chiêu Vương băng hà, nhân dân làng Dữu Lâu, nay thuộc phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì đã lập miếu thờ Ngài, gọi là “Dữu Lâu Vũ Miếu” và tôn vinh là Lang Liêu Đại Vương. Ban đầu miếu làm hoang sơ, tường đất, mái lá cọ, cho tới những năm 1800, thời nhà Nguyễn, mới xây miếu lại bề thế hơn gồm 3 gian, tường gạch, mái ngói âm dương, bên trong có tầng gác gỗ đặt ban thờ, long ngai, bài vị và các đồ tế khí… Ngôi miếu cổ thờ Hoàng tử Lang Liêu xưa kia đến nay đã hư hỏng, nhân dân địa phương rước ngai bài vị của Ngài về phối thờ tại đình làng Dữu Lâu. Nhằm tri ân công đức tổ tiên, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Hàng năm cứ vào ngày 10/4 âm lịch nhân dân địa phương vẫn tổ chức dâng hương để tưởng nhớ công lao của Lang Liêu Đại vương.

Mở đầu là nghi tế Lễ Tế Lễ đặc sắc –  là nghi thức quan trọng chứa đựng văn hóa tâm linh được dân làng chuẩn bị và thực hiện rất nghiêm cẩn, chu đáo. Trước hết dân làng cử ra một người làm chủ tế có đủ tiêu chuẩn là tuổi phải từ 50 trở lên, có uy tín cao trong làng, gia đình phải đủ vợ, đủ chồng, đủ con trai, con gái (đủ nếp, đủ tẻ), trong nhà không có tang trở, không tham gia kiện tụng, mất đoàn kết… Chủ tế phải giữ mình thanh tịnh trong nửa tháng trước ngày vào lễ hội. Chức danh chủ tế được dân làng đặc biệt tôn trọng. Ai được chọn cử đảm nhiệm vị trí chủ tế của làng cũng đều xem đó là niềm vinh hạnh to lớn của đời người, của con cháu, gia đình, dòng họ. Đội tế mặc trang phục quần áo tế lễ cổ truyền để Tế Lễ trong tiếng trống trầm hùng, lần lượt đem theo lễ vật bao gồm: hoa quả, bánh Chưng, bánh Giầy, xôi gà,… của bà con dân làng vào đình và thực hiện các nghi thức Tế dân gian.

Ngay từ ngày hôm trước, bà con nhân dân phường Dữu Lâu đã cùng nhau sửa soạn, chuân bị, lau dọn tại đình, vui vẻ tham gia buổi giao lưu gói, nấu bánh Chưng chuẩn bị cho lễ dâng hương tưởng nhớ công lao của Hoàng tử Lang Liêu – Hùng Chiêu Vương. Những chiếc bánh sau khi được các nghệ nhân gói xong đã được mang ra nấu ngay tại đình và là lễ vật dâng lên Lang Liêu, thể hiện sự tưởng nhớ, lòng kính trọng của bà con nhân dân phường Dữu Lâu.

Đặc biệt tại lễ dâng hương Hoàng tử Lang Liêu còn có sự góp mặt của các hội, Chi hội đầu bếp Việt Nam và Hội Văn hóa ẩm thực tỉnh Phú Thọ cùng những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực với khoảng hơn 200 người đến từ 15 tỉnh thành trên cả nước, mang theo những món ăn, đặc sản, đặc trưng của tình mình để dâng lên Hoàng tử Lang Liêu – Hùng Chiêu Vương. Từ rất lâu trong tâm thức của những người làm việc trong lĩnh vực ẩm thực đã tôn vinh Hoàng tử Lang Liêu – Hùng Chiêu Vương là “Vua Tổ nghề ẩm thực – Người sáng lập ra nền Văn hóa ẩm thực Việt Nam”. Bên cạnh đó, tại lễ dâng hương, Hội Văn hóa ẩm thực tỉnh Phú Thọ đã góp Giỗ một chiếc bánh Chưng siêu to, nặng tới 60 kg, dâng lên Lang Liêu – Hùng Chiêu Vương để tưởng nhớ công lao của Ngài.

Trong hương trầm thơm ngát và trong giờ phút thiêng liêng của đất trời, đứng trước linh từ của Lang Liêu – Hùng Chiêu Vương, các đồng chí lãnh đạo địa phương cùng đại diện các ban ngành đoàn thể thành tâm kính cẩn dâng nén hương thơm và dâng lễ vật, cầu xin Hoàng tử Lang Liêu linh thiêng hiển ứng, phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, trăm họ được yên hưởng thái bình, nhà nhà được hạnh phúc khang ninh, đất nước được hưng thịnh, không ngừng phát triển và giàu mạnh.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lich tỉnh Phú Thọ và của HĐND, UBND phường Dữu Lâu cùng với sự thành tâm công đức của các tổ chức, cá nhân, khu di tích đình Dữu Lâu đã từng bước được tôn tạo, tu bổ xứng đáng là nơi hội tụ của con cháu từ khắp mọi miền đất nước tìm về cội nguồn dòng giống Tiên Rồng, theo đạo lý truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Đền thờ Hoàng tử Lang Liêu không chỉ là điểm văn hóa tâm linh mà cần trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng, nhằm tôn vinh tinh thần đạo nghĩa và ý thức trách nhiệm công dân, giữ gìn hiếu đạo của thế hệ trẻ thông qua một hình tượng nhân văn độc đáo trong cội nguồn dân tộc. Câu chuyện về Hoàng tử Lang Liêu với sự tích bánh Chưng, bánh Giầy thường được nhắc lại, với niềm tự hào về nền văn hóa ngàn năm và lan tỏa nét đẹp về đạo hiếu cùng lối sống trách nhiệm của người xưa. Qua đó, góp phần lan truyền tinh thần Lang Liêu trong xã hội hiện đại.

Một số hình ảnh Lễ dâng hương tại đình Dữu Lâu để tưởng nhớ công lao Lang Liêu – Hùng Chiêu Vương (Ảnh: Bích Ngọc)

z3412940927698 d55eade13f34192b182f705a181bd881 z3412940929158 2441f486e642bfc6c8c6f6d071ea4f68 z3412940930791 eadde0fc65b4d337e9462bd67020aac9 z3412940940565 3ad33a663cb793093a3fbd865c0f25b2 z3412940941118 00250f41d7b37bcf677a7160c507990a z3412940944500 fecfe308c55635b0b031fa4406d04c00 z3412940945146 0837928d1d491effb19861d3bc767c3c z3412940954154 13096e76dd9bb10af28b62b3b9202127

Kim Thanh – Trung tâm TTXT Du lịch

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons