Khi tiếp cận hai lĩnh vực Du lịch và Giáo dục, chúng ta thấy có điểm chung cơ bản là cả hai lĩnh vực đều cùng hướng tới mục tiêu xây dựng con người, hướng tới giá trị “ Chân – Thiện – Mỹ ”, nếu Giáo dục là đào tạo nên con người toàn diện với đầy đủ các yếu tố: Đức – Trí- Thể –Mỹ – Lao, thì Du lịch ngoài các yếu tố trên còn hình thành nên con người có tố chất Quốc tế. Nhiều yếu tố Giáo dục nằm ngay trong Du lịch: từ việc chuẩn bị chu đáo cho những chuyến đi, cách sử dụng kết hợp các phương tiện di chuyển, cách ăn uống sinh hoạt, ngủ, nghỉ sao cho an toàn, gọn nhẹ, tiết kiệm… ngoài ra khi trải nghiệm cùng du lịch học sinh còn được nâng cao sức khỏe, sức bền điều rất cần thiết trong phát triển thể chất của lứa tuổi này. Các địa điểm du lịch đẹp làm tăng mỹ cảm cho các em, đặc biệt khi các em được tới tham quan, khám phá các khu du lịch có yếu tố lịch sử thì các em sẽ được giáo dục sâu sắc về cội nguồn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Học sinh các bậc học từ mẫu giáo đến cử nhân đều mong ước lần về vói cội nguồn Dân tộc ( Ảnh: Trung Thành)
Trong bối cảnh “Thế giới phẳng ” hội nhập sâu với cộng đồng Quốc tế nhiều thứ có thể biến thành cái chung của khu vực hay toàn nhân loại thì khác biệt lớn nhất chính là cội nguồn dân tộc, là văn hóa dân tộc. Giáo dục thế hệ trẻ trong thời kỳ mở cửa và hội nhập thế giới trên quan điểm hòa nhập không hòa tan được Đảng ta rất quan tâm với mục đích “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Chính vì vậy việc tuyên truyền giáo dục về cội nguồn dân tộc cho học sinh- những chủ nhân tương lai của Đất nước là một phần không thể thiếu để phát triển đạo đức, nhân cách con người Việt Nam.
Giỗ tổ Hùng Vương và Đền Hùng từ bao đời nay là biểu tượng đã thấm sâu vào tâm khảm thiêng liêng của những người dân đất Việt. Đây là điểm hội tụ tâm linh, bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, là sức mạnh tinh thần giúp cho dân tộc Việt Nam vững vàng vượt qua mọi gian nan thử thách. Việc cả dân tộc cùng chung ngày giỗ Tổ thể hiện sự thiêng liêng và ý nghĩa của “bọc trăm trứng” từ đó mà cùng nhau đoàn kết, thương yêu, chung tay xây dựng cơ đồ các Vua Hùng đã để lại.
Trải nghiệm và khám phá các điểm tham quan tại Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng các em học sinh được hiểu sâu hơn về huyền thoại mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng là câu chuyện đầu tiên giải thích hai tiếng “ đồng bào”; hiểu về sự tích dưa hấu qua câu chuyện về Mai An Tiêm; sự tích bánh Chưng bánh Giày qua câu chuyện về Hoàng tử Lang Liêu; biết về nguồn gốc cột đá thề trên đỉnh non thiêng cũng như lịch sử bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô cùng lời dặn dò còn lưu đến tận hôm nay và mãi mãi về sau: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Thế hệ trẻ say mê tìm hiểu về các hiện vật có trong Bảo tàng và nghệ thuật múa rối nước độc đáo( Ảnh: Sưu tầm)
Trong chuyến trải nghiệm các em được tham quan bảo tàng Hùng Vương nằm trong quần thể di tích lịch sử Đền Hùng: Với nỗ lực hướng người xem vào chiều sâu tư tưởng, giúp nhận rõ dung mạo con người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai đồng thời phản ánh mối tương quan hữu cơ giữa văn hóa Hùng Vương với nền văn minh Sông Hồng. Bảo tàng Hùng Vương đã giới thiệu cả quá trình dựng nước và giữ nước phát triển qua nhiều giai đoạn, từ văn hóa Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn đến thời đại các Vua Hùng dựng nước tới nay, các mẫu động thực vật khoáng sản, các hiện vật như rìu có vai, rìu mài tứ diện, cuốc đá, đồ trang sức đá, bình gốm, những nha chương bằng đá, lao, tên, lưỡi câu… các hiện vật thời dựng nước Văn Lang. Bảo tàng đã giới thiệu một cách sinh động gần 700 hiện vật gốc trên tổng số hơn 4.000 hiện vật sưu tập, 162 bức ảnh, 4 bức tranh gốm, 5 bức tranh sơn mài, một nhóm tượng lớn, 10 chiếc trống đồng tìm được trên đất Phong Châu và nhiều hiện vật khác. Tất cả được trưng bày tại 5 phòng chính khắc họa và làm nổi bật chủ đề “ các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử ”.
Đến với Khu Du Lịch Quốc Gia Đền Hùng từ năm 2021 các em còn được tìm hiểu thêm về một loại hình nghệ thuật vô cùng độc đáo và riêng biệt của Dân tộc Việt Nam đó là nghệ thuật múa rối nước, các tích trò được các nghệ sĩ đoàn nghệ thuật Tỉnh Phú Thọ diễn xướng tại sân khấu Thủy Đình. Múa rối nước thuộc loại hình nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Được sinh ra từ nền văn hóa nông nghiệp lúa nước của nhân dân vùng Châu thổ Sông Hồng, múa rối nước mang đậm nét văn hóa phương Đông và Đông Nam Á với đầy đủ đặc trưng của văn hóa dân gian trong mùa vụ, hội hè, đình đám ở vùng nông thôn. Múa rối nước giáo dục cho các em về lòng yêu lao động, yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước và tinh thần tự hào dân tộc, cố kết cộng đồng trong sự nghiệp chống thiên tai địch họa, chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Có thể khẳng định rằng việc giáo dục cho thế hệ trẻ về cội nguồn dân tộc, về truyền thống uống nước nhớ nguồn thông qua sự khám phá trải nghiệm các điểm tham quan có ý nghĩa lịch sử như Khu du lịch Quốc Gia Đền Hùng là một cách tiếp cận, một sự kết hợp vô cùng hiệu quả của ngành giáo dục và ngành du lịch. Làm cho những chủ nhân tương lai của đất nước ý thức rõ ràng về nguồn cội của mình, gốc gác tổ tông của mình, để cho “ Dù ai đi đâu về đâu cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”./.
Trung Thành – Trung tâm TTXT Du lịch