Khai thác giá trị di sản văn hóa Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng để phát triển du lịch

Đền HùngPhú Thọ là vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm dấu ấn từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Tương truyền, các vua Hùng thường đem trống đồng lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tế lễ trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh. Thời đại Hùng Vương qua đi, các triều đại phong kiến và các thế hệ con cháu ngàn đời với lòng tự hào và biết ơn thế hệ tiền nhân đã lập các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh để thờ phụng.

Dưới các triều đại phong kiến, tục thờ cúng và nghi lễ giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng được nhà nước quan tâm và giao cho quan sở tại tổ chức. Năm 1917, nhà Nguyễn đã chính thức lấy ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ.

Sau Cách mạng tháng 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 28/02/1946 cho công chức, viên chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia các hoạt động giỗ Tổ Hùng Vương; năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định quy mô, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương, theo đó ngày 10/3 hàng năm là ngày Quốc lễ của dân tộc; năm 2007, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ Luật Lao động cho phép người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. 

Với vị trí đặc biệt quan trọng của Đền Hùng trong đời sống tâm linh của người Việt, năm 2009, Khu di tích lịch sử Đền Hùng được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt với hệ thống các đền, chùa trên núi Nghĩa Lĩnh; đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn; đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân tại núi Sim; Khu rừng quốc gia và hơn 4000 hiện vật gốc liên quan đến thời đại Hùng Vương được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương, trong đó có 02 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Do tính đại diện nổi bật toàn cầu, ngày 06/12/2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong những năm qua, Đảng, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo nhằm phát huy giá trị của di tích lịch sử Đền Hùng; gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2260/QĐ-TTg, ngày 31/12/2021 phê duyệt điều chỉnh cục bộ các phân khu chức năng của Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 nhằm phát triển các sản phẩm du lịch trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương, đưa Khu di tích lịch sử Đền Hùng trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3040/QĐ-BVHTTDL ngày 22/10/2020 công nhận Đền Hùng là khu du lịch quốc gia.

Để phát huy giá trị của di tích lịch sử Đền Hùng; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phát triển du lịch: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ khóa XVIII Nhiệm kỳ 2015-2020 xác định phát triển du lịch là một trong 4 khâu đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; Tỉnh ủy ban hành chương trình, hành động số 24-Ctr/TU ngày 4/4/2017 thực hiện nghị quyết số 08-NQ//TW của BCT về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4971/KH-UBND ngày 27/10/2021 về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định Đền Hùng là trung tâm, là điểm nhấn..

 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khu di tích lịch sử Đền Hùng nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định nhiệm vụ lãnh đạo phát triển dịch vụ, du lịch  là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ trong cả nhiệm kỳ.

Đến nay, Khu di tích lịch sử Đền Hùng không ngừng được đầu tư và phát triển; các đền, chùa được tu bổ, tôn tạo khang trang; các thiết chế văn hóa mới, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động du lịch không ngừng được đầu tư xây dựng (hệ thống đường bậc, đường dạo, cải tạo bảo tàng Hùng Vương, hệ thống điện chiếu sáng, Trung tâm lễ hội, vườn hoa cây cảnh, các công trình vệ sinh đạt chuẩn, các quầy bán hàng…). Trên cơ sở khai thác giá trị di sản, hoạt động du lịch tại Khu di tích đã có những bước phát triển tích cực: một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ, du lịch được ban hành; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh được khai thác có hiệu quả, hàng năm đón hàng triệu lượt khách về thăm viếng; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên; hoạt động tuyên truyền, quảng bá được đổi mới; các dịch vụ được đầu tư, khai thác có hiệu quả (ăn uống, mua sắm, xe điện, vui chơi giải trí, hướng dẫn khách tham quan, liên kết phát triển du lịch…); an ninh, trật tự và cảnh quan môi trường được đảm bảo, góp phần thu hút khách, nâng cao hiệu quả trong kinh doanh và xây dựng hình ảnh du lịch Đền Hùng an toàn, thân thiện, mến khách.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, việc khai thác giá trị Khu di tích để phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, chưa tạo được sự bứt phá. Cụ thể:

– Hệ thống hạ tầng, kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, một số dự án đầu tư triển khai chậm (Tháp Hùng Vương, cầu vượt 32C sang Đền Lạc Long Quân…).

– Hoạt động kinh doanh bán hàng có quy mô nhỏ, manh mún. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, hoạt động du lịch còn nặng tính mùa vụ, sản phẩm hàng hóa, quà tặng mang bản sắc vùng đất tổ còn thiếu và chưa thực sự hấp dẫn. Mức chi tiêu của du khách còn thấp nên nguồn thu từ hoạt động du lịch chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng nguồn thu sự nghiệp hàng năm tại đơn vị.

– Các chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ du lịch chưa mang lại hiệu quả do thiếu tính thực tiễn, môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, còn vướng bởi những dào cản về cơ chế, quy định của Luật Di sản.

– Công tác tuyên truyền, quảng bá có đổi mới nhưng kết quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ quản lý và lực lượng lao động  trực tiếp làm du lịch năng lực còn hạn chế; phong cách phục vụ thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch và xu hướng hội nhập quốc tế.

– Công tác khâu nối, liên kết với các đơn vị du lịch nhằm thu hút du khách về Đền Hùng còn yếu.

Để phát triển du lịch trên cơ sở khai thác có hiệu quả giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, trong thời gian tới cần triển khai một số nội dung sau:

Hoạt động trải nghiệm tại khu vực hồ Mai An Tiêm

 Đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật cho phát triển du lịch:

– Nâng cấp, sửa chữa, xây dựng các công trình kiến trúc, cảnh quan tạo các điểm nhấn cho du khách chụp ảnh, check in: làm một số biểu tượng, mô hình linh vật về thời đại Hùng Vương…; Lắp đặt hệ thống ánh sáng màu tại các đền, khu dịch vụ ngã 5 đền Giếng, cổng đền và khu vực hồ Mai An Tiêm.

– Đổi mới hoạt động trưng bày, thuyết minh tại bảo tàng Hùng Vương; phối hợp sản xuất một số phim sử dụng công nghệ 3D về các truyền thuyết thời kỳ Hùng Vương trình chiếu phục vụ khách du lịch.

– Thực hiện liên kết xây dựng các dự án du lịch sinh thái có quy mô, chất lượng; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia đầu tư cơ sở vật chất phát triển du lịch cộng đồng.

– Cải tạo, nâng cấp hệ thống quầy bán hàng hiện có; đầu tư mua sắm các trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

 Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch:

– Khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh như: Tổ chức lễ hội Đền Hùng hàng năm thành lễ hội mẫu mực trong cả nước. Phát triển dịch vụ tổ chức lễ báo công, nghi lễ dâng hương…

– Thực hiện liên doanh, liên kết nhằm khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại khu Mai An Tiêm và khu dịch vụ đồi Phú Bùng.

– Du lịch sinh thái: Nghiên cứu, khám phá Khu rừng quốc gia, cảnh quan Đền Hùng (Hòn đá Cối Xay, đá Đầu Rồng trên núi Sim…)

– Du lịch cộng đồng: Có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, đào tạo để nhân dân địa phương đầu tư phát triển du lịch cộng đồng phục vụ khách du lịch.

– Du lịch học đường: Xác định đây là sản phẩm du lịch mang thương hiệu đất tổ, được tổ chức quanh năm, giúp khắc phục tính mùa vụ tại Khu di tích.

– Du lịch đêm (tour by night): Hiện tại đã được triển khai, đây là sản phẩm du lịch rất có tiềm năng trong xu thế lựa chọn của khách du lịch.

– Xây dựng điểm thông tin hỗ trợ khách tại các bãi đỗ xe gắn với điểm trưng bày và bán các sản vật đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh phục vụ khách du lịch.

 Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, liên kết phát triển  du lịch

– Tập trung nghiên cứu sâu về thời đại Hùng vương thông qua thực hiện các đề tài khoa học nhằm cung cấp cho du khách thông tin, tư liệu, các nghi lễ, diễn xướng, lễ vật truyền thống, các hoạt động văn hóa dân gian…. Xác định nội dung lịch sử và văn hóa hàm chứa trong di sản để hấp dẫn, thu hút du khách. 

– Xây dựng video, clips, các ấn phẩm cẩm nang du lịch Đền Hùng, bản đồ hướng dẫn tham quan; đẩy mạnh quảng bá trên mạng xã hội, phát huy hiệu quả của trang Web và Ngân hàng dữ liệu Đền Hùng.

– Xây dựng các tour du lịch tại Đền Hùng, các tour du lịch kết nối Đền Hùng với các di tích thờ cúng Hùng Vương trong khu vực; Chủ động kết nối với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh nhằm thu hút khách.

– Tổ chức khai thác các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh; liên kết với các tổ chức, cá nhân trong việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm hàng hóa, quà tặng mang bản sắc văn hóa đất Tổ phục vụ khách du lịch.

         Chú trọng công tác đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực

– Tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, tôn trọng pháp luật, văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh…. cho người làm du lịch trong Khu di tích.

– Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh tại Khu di tích; cán bộ làm công tác quản lý đảm bảo chuyên nghiệp, hiệu quả.

 Xây dựng môi trường du lịch bền vững

– Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Đền Hùng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo an ninh trật tự cho các dự án đầu tư.

– Xây dựng môi trường du lịch Đền Hùng hấp dẫn, thân thiện, an toàn và mến khách. Chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh không lành mạnh (chèn ép, nâng giá …). Kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm.

– Xây dựng các mô hình trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan; nâng cấp các nhà vệ sinh đạt chuẩn theo tiêu chí của Tổng cục Du lịch. Chú trọng công tác vệ sinh môi trường để Đền Hùng trở thành khu cảnh quan thiên nhiên gắn với di sản hấp dẫn du khách.

Ngày nay, việc khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch là xu thế tất yếu của mọi quốc gia, dân tộc.Thông qua hoạt động du lịch, việc khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống sẽ mang lại nguồn lợi cho Khu di tích và cộng đồng người dân địa phương. Vì vậy, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tìm tòi đưa ra các giải pháp phù hợp sẽ giúp cho du lịch về miền đất Tổ cội nguồn của dân tộc thực sự hấp dẫn với du khách, để Đền Hùng – nơi thực hành cao nhất, tập trung nhất, linh thiêng nhất thờ cúng Tổ tiên được người dân Việt tự nguyện thực hành trường tồn cùng sự phát triển của dân tộc. Khai thác tốt những lợi thế, tiềm năng này là cơ hội để du lịch Phú thọ phát triển mạnh mẽ trong tương lai./.

Bùi Quốc Huy – Trưởng phòng Quản lý Di tích, Văn hóa, Lễ hội – Khu DTLS Đền Hùng

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons