Ngày 20/7/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ tổ chức lễ khai mạc lớp truyền dạy hát Xoan cho giáo viên âm nhạc trong các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tại Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim. Tới dự và chỉ đạo có các đồng chí Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo; các đồng chí trưởng phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc hai Sở.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2016 đến năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức truyền dạy hát Xoan cho khoảng 700 giáo viên dạy âm nhạc trong các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các lớp Truyền dạy hát Xoan cho giáo viên dạy âm nhạc trong các trường phổ thông của tỉnh. Điểm mới trong đợt tập huấn truyền dạy này là ngoài đối tượng giáo viên dạy âm nhạc trong các trường Tiểu học và Trung học cơ sở, năm nay Ban tổ chức triển khai việc truyền dạy đến đối tượng là giáo viên trường Mầm non của tỉnh nhằm đưa hát Xoan đến sớm hơn với các em học sinh, trong đó có cả các cháu học sinh bậc mầm non. Việc tổ chức các lớp truyền dạy hát Xoan nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nhận thức và trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại – hát Xoan Phú Thọ cho các giáo viên. Qua đó, giúp các học viên nắm được những kỹ năng cơ bản về nghệ thuật trình diễn Hát Xoan, phục vụ công tác truyền dạy cho học sinh bậc Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở.
Lớp truyền dạy năm 2020 có tổng số 135 học viên tham gia, được chia thành 3 lớp, mỗi lớp có 45 học viên. Lớp thứ nhất tổ chức từ ngày 20/7 đến ngày 27/7; lớp thứ hai từ ngày 28/7 đến ngày 04/8; lớp thứ ba từ ngày 17/8 đến ngày 24/8.
Trong thời gian tham gia lớp truyền dạy hát Xoan, các học viên sẽ được các giảng viên là cán bộ giàu kinh nghiệm của Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim; Bảo tàng Hùng Vương; Đoàn Nghệ thuật tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và nghệ nhân của các phường Xoan gốc. Tài liệu truyền dạy là khái quát về lịch sử, ý nghĩa di sản Hát Xoan Phú Thọ và 08 bài bản Xoan cổ đã được kí âm thành bản nhạc, được chọn lọc từ các phường Xoan gốc gồm: Tứ dân Xoan cách; Ngư tiều canh mục cách; Giáo pháo; Bợm gái (Thết trầu); Bỏ bộ gồm 4 lời (Xẻ ván cho dày; Dắt mẹ qua đèo, Lên núi hái chè; Cầu bạch cầu bông).
Kết thúc các lớp học, học viên sẽ báo cáo kết quả học tập thông qua trình diễn các tiết mục Hát Xoan và được cấp giấy chứng nhận của Ban tổ chức lớp học.
Bài và ảnh: Quách Thị Sinh
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ