HÁT XOAN LÀNG CỔ – SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC SẮC CỦA ĐẤT TỔ CỘI NGUỒN

Nhắc đến du lịch Phú Thọ, đồng bào và du khách trong và ngoài nước đều nhớ đến một vùng đất phát tích, nơi khởi nguồn của dân tộc Việt Nam. Nơi có đền Hùng linh thiêng thờ Cha Rồng – Mẹ Tiên sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai, đã xây dựng nên cơ nghiệp họ Hùng, đất nước Văn Lang có chủ quyền, hưng thịnh và truyền lại cho con cháu ngày nay mở mang, phát triển.

Hàng năm, Phú Thọ đón hàng triệu đồng bào và du khách trong nước, quốc tế về tham quan, chiêm bái tại các di tích gắn liền với thời đại các Vua Hùng dựng nước và các danh lam thắng cảnh, nơi nghỉ dưỡng trên toàn tỉnh.

Sau năm 2011, UNESCO chính thức công nhận Hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ quyết tâm bảo vệ, thổi vào sức sống và lan toả cho Hát Xoan, để hát Xoan có thể trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Đất Tổ cội nguồn.

Năm 2013 Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng chương trình “Hát Xoan làng cổ” gắn với các tour – tuyến du lịch phục vụ các đoàn khách về tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hàng năm, đây chính là tiền đề để xây dựng sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” phát triển đến hiện nay.
Sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” gắn liền với các di tích lịch sử văn hoá, nơi phát tích của Hát Xoan và các ngôi đình cổ – là vùng lan toả diễn xướng hát Xoan như: Miếu Lãi Lèn, Đình Thét, Đình An Thái, Đình Hùng Lô… chủ thể của chương trình biểu diễn là các nghệ nhân của 4 phường Xoan gốc: Phù Đức, Kim Đới, Thét và An Thái. Chính tại không gian cổ kính, linh thiêng của các ngôi đình, kết hợp với lối biểu diễn thuần thục, nhuần nhuyễn từ tiếng trống phách, lời hát, tay múa, chân đưa của các nghệ nhân và đào – kép Xoan đã toát lên vẻ đẹp của sự uy nghiêm, thành kính mà hồn hậu, mộc mạc, sâu đậm làm du khách không thể nào quyên.

58 Đến Việt Nam
Du khách quốc tế hoà mình trong làn điệu Xoan “Mó cá” độc đáo. 

(Ảnh: Nguyễn Việt Thắng)

Hát Xoan Phú Thọ có nguồn gốc từ thời đại Hùng Vương, gắn liền với các câu chuyện truyền thuyết về các vị Vua Hùng nên có sức cuốn hút đặc biệt với khách du lịch. Với lời hát, ca từ, điệu múa, dụng cụ biểu diễn vô cùng mộc mạc, đơn sơ nhưng nhịp phách, âm điệu rõ ràng, chắc khoẻ, đặc biệt là tiếng trống nơi cửa đình giục giã như thôi thúc, chạm vào tâm thức thành kính nhất của mỗi con người trong không gian và chương trình biểu diễn của “Hát Xoan làng cổ”.

100 Du khách cùng vui hát
Du khách vui cùng hát Xoan (Ảnh:Nguyễn Thành Nhân)

Để giúp du khách thêm nhiều trải nghiệm về nét văn hoá của vùng đất Tổ cội nguồn, trong chương trình tham quan, du khách còn được tìm hiểu về làng nghề truyền thống làm bánh Chưng – bánh Dày trong truyền thuyết về Hoàng tử Lang Liêu làm ra thứ bánh tượng trưng cho trời tròn, đất vuông, sau được truyền ngôi trở thành vua Hùng thứ bảy; du khách tiếp tục được tham quan các ngôi nhà cổ và tìm hiểu đời sống sinh hoạt, phong tục, lễ nghi của cộng đồng dân cư các ngôi làng sống trong vùng ven kinh đô cổ Văn Lang cách ngày nay hàng ngàn năm…tất cả những giá trị văn hoá đều giúp cho du khách có những ấn tượng sâu sắc về miền đất cố đô đầu tiên trong lịch sử nước Việt.

Sau hơn 5 năm xây dựng, sản phẩm “Hát Xoan làng cổ” hiện nay đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng du khách. Mỗi năm, các làng Xoan gốc đón và phục vụ hàng chục ngàn lượt khách về tham quan, công tác tổ chức biểu diễn và thuyết minh hướng dẫn đã sẵn sàng và chuyên nghiệp. Đặc biệt được sự quan tâm của tỉnh, các ngôi Đền – không gian diễn xướng của hát Xoan được tu bổ, phục dựng, đây là thành tựu lớn lao, mang lại niềm tự hào, niềm vui không kể xiết của nhân dân vùng bảo tồn đặc biệt của Hát Xoan và của nhân dân trên toàn tỉnh Phú Thọ, chủ nhân của di sản quý báu của dân tộc.

khánh thành công trình phục hồi miếu lãi lèn và công bố city tour 1Lễ khánh thành phục dựng di tích Miếu Lãi Lèn – nơi gốc phát tích của Hát Xoan (Ảnh: st)

Bằng sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tích cực triển khai nhiều hoạt động, đến hiện tại, sản phẩm “Hát Xoan làng cổ” đã trở thành điểm du lịch không thể thiếu trong tour du lịch của các công ty lữ hành đón khách về Phú Thọ. Sau khi thăm viếng Đền Hùng, du khách sẽ tham gia chương trình trải nghiệm “Hát Xoan làng cổ”, từ đây du khách hiểu được toàn vẹn, sâu sắc hơn về nền văn hoá đất Tổ cội nguồn còn lưu giữ được trên mảnh đất Phú Thọ. “Hát Xoan làng cổ” còn kết nối với các tour du lịch gắn với Thanh Thuỷ, Xuân Sơn và liên vùng Đông – Tây Bắc như Sapa, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng hay vùng đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Vĩnh Phúc.

Việc phát triển sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tăng sức hấp dẫn thu hút khách về tỉnh Phú Thọ, tăng nguồn thu cho hoạt động du lịch và cộng đồng dân cư, là một trong những sản phẩm chủ lực để “giữ chân” du khách ở lại lâu hơn tại tỉnh Phú Thọ. Để sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” phát triển và lan toả sâu rộng hơn nữa, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch toàn tỉnh và sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó tập trung phát triển sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ”; Uỷ ban nhân dân thành phố Việt Trì đã xây dựng Đề án phát triển du lịch thành phố Việt Trì giai đoạn 2018 – 2025 trong đó có nhiều hạng mục đầu tư phát triển sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ”. Bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, ngành du lịch đã và sẽ đưa Hát Xoan Phú Thọ trở thành món ăn tinh thần, sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, riêng có của tỉnh Phú Thọ mà du khách trong nước và quốc tế không thể bỏ qua, Hát Xoan Phú Thọ sẽ được lưu truyền và quảng bá ra thế giới rộng hơn nữa.

ThS Phùng Thị Hoa Lê
Giám đốc Trung tâm TTXT Du lịch

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons