Nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động liên kết, phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng thời hướng tới việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, liên vùng, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức chương trình khảo sát “Hành trình qua các kinh đô Việt Cổ” năm 2017 qua 5 tỉnh, thành phố với các điểm: Phượng Hoàng Trung Đô, Thành nhà Hồ, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Hoàng Thành Thăng Long
Chương trình diễn ra từ ngày 11-16/12/2017 với sự tham gia của Lãnh đạo Sở và một số phòng chuyên môn của Sở Du lịch Hà Nội; đại diện Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các Hiệp hội Du lịch: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa; các cơ quan thông tấn báo chí và hơn 30 hãng lữ hành lớn trong nước.
Đoàn khảo sát tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Ảnh: Đức Hiệp).
Tại tỉnh Phú Thọ, đón tiếp và làm việc với đoàn khảo sát có đồng chí Nguyễn Ngọc Ân, Tỉnh Ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, đại diện các phòng ban chuyên môn, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch và một số công ty lữ hành của Phú Thọ. Đoàn đã khảo sát Khu di tích lịch sử Đền Hùng, nơi thờ phụng các vua Hùng đã có công dựng nước, kinh đô đầu tiên của người Việt; khảo sát miếu Lãi Lèn, nhà trưng bày di sản Hát Xoan; Làng cổ Hùng Lô và sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ”, tham quan nhà cổ, các làng nghề truyền thống tại làng cổ Hùng Lô.
Tham quan, trải nghiệm sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” tại đình cổ Hùng Lô (Ảnh: Phạm Anh)
Chương trình khảo sát đã rà soát, đánh giá thực trạng và khả năng đón khách tại các kinh đô cổ. Qua đó, đánh giá tiềm năng và khả năng liên kết các điểm thành hệ thống chương trình du lịch liên hoàn; đồng thời xây dựng thỏa thuận hợp tác du lịch giữa từng địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển của từng điểm đến. Mỗi một kinh đô, cố đô cổ đều gắn liền với một triều đại qua các thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Do vậy, mỗi kinh đô, cố đô đều có những nét khác biệt rất riêng về giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa,…điều đó tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách. Hiện nay, tại mỗi kinh đô, cố đô đã và đang được coi là những trọng điểm du lịch ở mỗi địa phương. Việc liên kết các kinh đô thành một chuỗi các sản phẩm liên hoàn sẽ tạo ra sức bật mới trong phát triển du lịch.
Sau 5 ngày khảo sát tại các điểm, chiều ngày 15/12/2017, tại Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức buổi Tọa đàm về việc xây dựng chương trình du lịch “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”. Tại buổi tọa đàm, các đơn vị liên quan đã trao đổi về công tác phối hợp nâng cao chất lượng điểm đến, kết nối phát triển du lịch tại các địa phương nhằm đưa tour du lịch này vào hoạt động hiệu quả. Các đại biểu đánh giá cao các sản phẩm du lịch tỉnh Phú Thọ, nhất là việc lồng ghép đưa vào chương trình du lịch các dịch vụ bổ trợ như: mua sắm sản vật địa phương, trải nghiệm làng nghề truyền thống…đây chính là những yếu tố rất tốt để thu hút khách du lịch Quốc tế vào những mùa du lịch thấp điểm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm xây dựng chương trình du lịch “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” (Ảnh: Kim Thanh).
Dù là bước khởi đầu nhưng tour du lịch “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” đã nhận được sự đánh giá cao của các nhà quản lý du lịch, các doanh nghiệp lữ hành và du khách, kỳ vọng đây sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch trong thời gian tới.
Phạm Anh – Trung tâm TTXT Du lịch