Những tháng cuối năm, đồi chè Long Cốc (Phú Thọ) thường xuyên tấp nập khách du lịch vào thời điểm hoàng hôn và bình minh. Du khách đến đây chủ yếu là những người yêu thích chụp ảnh, tới “săn mây” và ngắm bình minh trên đồi chè. Lượng khách lớn và đều đặn giúp các homestay trong vùng được hưởng lợi.
Anh Hà Văn Luận, chủ một homestay gần đồi chè Long Cốc cho biết: “Đồi chè Long Cốc đang là địa điểm được giới nhiếp ảnh yêu thích. Homestay của tôi sức chứa khoảng 40 người, thường kín khách vào cuối tuần. Ngoài khách Việt còn có du khách từ rất nhiều quốc tịch khác nhau như Anh, Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Singapore, Colombia…Đến nay homestay đã đón khách từ khoảng 20 quốc gia khác nhau”.
Với cự ly khá gần từ Hà Nội, đồi chè Long Cốc có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như cảnh quan độc đáo của đồi chè trong sương, điểm ngắm bình minh thuận tiện để chụp ảnh, ẩm thực và văn hóa bản địa độc đáo của người dân trong vùng… Thông thường du khách sẽ ăn 2 bữa ở nhà dân và lưu trú ít nhất 1 đêm để sáng sớm hôm sau đi săn mây và ngắm bình minh, qua đó giúp tăng thêm nguồn thu và tạo sinh kế cho người dân địa phương. “Chúng tôi tận dụng các trang mạng xã hội và thông qua công ty lữ hành để quảng cáo homestay và tour chụp ảnh. Nhờ đó được du khách biết và tìm đến ngày càng đông”, anh Hà Văn Luận cho biết.
Hiện nay đồi chè Long Cốc đã được Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Phú Thọ kết nối với các điểm đến khác trong Vườn quốc gia Xuân Sơn, tạo thành một tuyến du lịch thiên nhiên văn hóa độc đáo, nhiều trải nghiệm. “Hiện nay trong vườn quốc gia, du lịch cộng đồng đã được đẩy mạnh tại bản Dù, bản Lấp, bản Cỏi với gần 15 homestay có quy mô khác nhau. Dựa vào những tài nguyên sẵn có về cảnh quan, văn hóa, ẩm thực tại vườn, chúng tôi hướng dẫn người dân xây dựng các sản phẩm, dịch vụ tối ưu cho du khách” – ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Phú Thọ cho biết.
Yếu tố độc đáo của Vườn quốc gia Xuân Sơn là vẫn có cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng lõi và vùng đệm. Tại đây những nét văn hóa, phong tục đặc sắc của dân tộc Mường, dân tộc Dao như lễ hội, chợ phiên, dân ca dân vũ… vẫn được duy trì và trở thành một trong những lợi thế quan trọng, giúp níu chân khách du lịch.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm (Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ du lịch sinh thái, Vườn quốc gia Xuân Sơn), khi đến Xuân Sơn du khách sẽ được vào rừng tìm hiểu về hệ sinh thái với núi đá vôi, hang động, thác nước, sông suối. Nổi bật ở đây là hang Na, động Tiên, núi Ten…. với các cung đường trekking đưa du khách cảm nhận sự thay đổi rõ rệt của cảnh vật, thiên nhiên và khí hậu khi leo dần lên cao. Vườn quốc gia Xuân Sơn cũng đẩy mạnh loạt hình du lịch kết hợp giáo dục, với các hoạt động tuyên truyền về môi trường, bảo vệ rừng tại bảo tàng thiên nhiên nằm trong vườn quốc gia.
Anh Hoàng Văn Trường – chủ một homestay ở bản Lấp trong Vườn quốc gia Xuân Sơn cho biết sau giai đoạn khó khăn vì đại dịch Covid-19, từ năm 2022 khách du lịch đã trở lại nhiều hơn: “Khách Việt Nam thì đi đoàn đông, chủ yếu vào mùa hè. Khách nước ngoài thì rải rác, mùa đông cũng có, nhưng chỉ đi gia đình và nhóm nhỏ. Các nhà trong bản cũng phối hợp với nhau để phục vụ du khách, như san sẻ phòng với các đoàn khách lớn, cung cấp dịch vụ văn nghệ, ăn uống, đưa khách đi rừng…”.
Để hỗ trợ người dân quảng bá điểm đến và tiếp cận nguồn khách mới, vừa qua Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ đưa các đoàn doanh nghiệp lữ hành đến khảo sát dịch vụ và tư vấn phát triển du lịch cho Vườn quốc gia Xuân Sơn. Theo đó, phía doanh nghiệp lữ hành đề nghị cơ quan chức năng tại Vườn quốc gia Xuân Sơn xây dựng sẵn các cung đường trekking phù hợp, theo các cự ly 4-5km và 7-10km nhưng tránh trùng lặp về trải nghiệm. Yếu tố văn hóa bản địa cũng cần được khai thác triệt để, như có thêm dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc, massage chân theo bài thuốc cổ truyền; hỗ trợ tổ chức, duy trì các sinh hoạt văn hóa cộng đồng để du khách có thể tham gia; bổ sung hoạt động ngoài trời như đạp xe, dã ngoại, teambuilding…
Ngoài ra, người dân tại Vườn quốc gia Xuân Sơn cần được tuyên truyền, tập huấn để hiểu về bảo vệ môi trường, cách truyền tải giá trị văn hóa và duy trì chất lượng dịch vụ du lịch. Các dịch vụ du lịch, homestay phải đồng bộ về chất lượng. Đặc biệt nếu phát triển loại hình du lịch đi bộ đường dài (trekking) trong rừng, những người dân làm nghề porter hỗ trợ khách phải được huấn luyện chuyên nghiệp, đáp ứng các yêu cầu về thể lực, am hiểu địa hình, kinh nghiệm đi rừng hay kỹ năng sơ cứu.
(Nguồn: Báo VOV)