Mảnh đất Thanh Ba từ lâu nổi tiếng với những rừng cọ, đồi chè xanh mướt, những bãi bồi phù sa màu mỡ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp trù phú. Với những giá trị truyền thống văn hóa lâu đời trong quá trình dựng nước và giữ nước, Thanh Ba là nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch làng nghề.
Du lịch làng nghề hiện đang là một hình thức trải nghiệm mang tính cộng đồng rất hấp dẫn bởi tính sinh động, đa dạng và phong phú. Hình thức du lịch này chứa đựng và truyền tải được cuộc sống lao động, phát triển của làng nghề đó qua từng thời kỳ lịch sử. Làng nghề không chỉ là nơi sản xuất ra các sản phẩm thủ công độc đáo, tinh xảo, đặc sắc mà còn là nơi lưu giữ tinh hoa nghệ thuật, phong tục tập quán của người dân sống trong làng nghề đó. Đến với làng nghề, du khách được chiêm ngưỡng các sản phẩm tinh xảo, trải nghiệm quy trình sản xuất và có thể tham gia vào quá trình tạo ra những sản phẩm thủ công đặc sắc.
Sản phẩm nứa dồn Đỗ Xuyên tinh xảo, đẹp mắt (Ảnh: Phương Thảo)
Nằm ở phía nam của huyện Thanh Ba, làng nghề truyền thống Đỗ Xuyên xưa kia quen gọi là làng cót vẫn được người dân nơi đây duy trì, lưu giữ và phát triển qua năm tháng thăng trầm của lịch sử. Các sản phẩm làng nghề ở đây hết sức bình dị. Từ những vật liệu thiên nhiên quen thuộc sẵn có trong vùng, người dân nơi đây bằng sự sáng tạo khéo léo đã thổi hồn tạo ra những sản phẩm thủ công hữu ích phục vụ cho cuộc sống hàng ngày và làm giàu cho con người nơi đây trở thành nghề thủ công quan trọng của cả xã.
Nghề đan cót và nứa dồn qua năm tháng trở thành nghề thủ công của cả xã (Ảnh sưu tầm)
Cùng với nghề đan cót thì nứa dồn Đỗ Xuyên cũng ngày một phát triển nhờ sự đầu tư của Công ty TNHH Hòn Ngọc Viễn Đông ở Hà Nội. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ nứa dồn ở đây đã có mặt trên thị trường một số quốc gia châu Âu, châu Mỹ, châu Á với những sản phẩm đĩa, bát, bình hoa, khay, mâm nứa dồn sơn mài… đa dạng mẫu mã, đảm bảo chất lượng trong đó sản phẩm mâm nứa dồn sơn mài là một sản phẩm đặc trưng. Những sản phẩm này được sản xuất hoàn toàn thủ công, rất bền đẹp không chỉ làm vật dụng trong gia đình, mộc mạc đậm chất làng quê mà còn mang nét tự nhiên hết sức quyến rũ, có giá trị sử dụng và yếu tố thẩm mỹ cao.
Sản phẩm mâm dồn Đỗ Xuyên (Ảnh sưu tầm)
Để hoàn thành một sản phẩm nứa dồn đến tay người tiêu dùng là cả một quá trình với nhiều khâu, công đoạn đòi hỏi sự tập trung, tỉ mỉ. Khâu đầu tiên là chọn nguyên liệu nứa đảm bảo không quá già, quá non, ngâm trong ao tối thiểu 6-8 tháng, sau đó được vớt lên, qua quá trình lọc, phân loại, pha, vót, băm nan, cuốn, ghép, dồn thanh nứa vào với nhau rồi đem phơi cho khô nước, bào nhẵn, khảm trai, thảo sơn cho chắc và tiến hành sơn 5 nước (5 lần) để hoàn thiện sản phẩm. Công đoạn nào cũng cần sự khéo léo của người làm, nhưng có lẽ khâu dồn nứa là quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật cao, bởi nó quyết định quá nửa chất lượng của sản phẩm. Xưa kia để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh, không tính khâu chọn, ngâm, phân loại nguyên liệu cần 15 ngày. Trong khoảng thời gian đó không phải làm liên tục mà có thời gian chờ phơi cho khô nước, khô sơn. Ngày nay với sự hỗ trợ của máy móc thời gian hoàn thiện sản phẩm đã được rút ngắn nhưng có những công đoạn vẫn hoàn toàn thủ công như: dồn nan, sơn màu…
Gian trưng bày sản phẩm làng nghề Đỗ Xuyên của huyện Thanh Ba tại Hội chợ Ocop tỉnh Phú Thọ năm 2020
(Ảnh: Phương Thảo)
Với những nét đặc sắc riêng, độc đáo và bình dị, cùng với sự yêu nghề, sáng tạo của người dân nơi đây đã tạo ra những sản phẩm độc, lạ mang giá trị truyền thống trong phong cách hiện đại, những sản phẩm nứa dồn Đỗ Xuyên không chỉ được được du khách trong nước biết đến, yêu thích mà còn được xuất khẩu đi một số nước châu Á, Châu Âu. Đây cũng là một trong những sản phẩm tiêu biểu được huyện Thanh Ba lựa chọn trưng bày, giới thiệu trong các kỳ hội trại văn hóa huyện dịp Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hàng năm và các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm của làng nghề đã được Hội đồng OCOP tỉnh Phú Thọ công nhận đạt chuẩn 4 sao, góp phần đáng kể trong việc triển khai chương trình OCOP của xã Đỗ Xuyên nói riêng, huyện Thanh Ba – tỉnh Phú Thọ nói chung.
Thanh Hường- Trung tâm TTXT Du lịch