Ngày 31 tháng 10 năm 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 2295/QĐ-UBND về việc công nhận các Điểm du lịch trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, gồm: Điểm du lịch cộng đồng Bản Dù, xã Xuân Sơn; Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Bản Cỏi và Điểm du lịch sinh thái Thác Ngọc thuộc Vườn quốc Gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Điểm cộng đồng Bản Dù, xã Xuân Sơn có diện tích 1.373 ha; phía Bắc giáp với khu Lấp xã Xuân Sơn; phía Nam giáp khu Lạng, xã Xuân Sơn; phía Đông giáp khu Đồng Tào, xã Xuân Đài; phía Tây giáp xã Đồng Nghê, huyện Đà bắc, tỉnh Hòa Bình và xã Mường Bang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Đây là vùng đất tụ cư, sinh sống lâu đời của người Dao và người Mường. Qua hàng trăm năm cùng nhau sinh sống, khai khẩn đất đai, xây dựng cuộc sống mối quan hệ giữa người Dao và người Mường luôn được giữ vững không phân biệt dân tộc. Bản Dù được bao bọc bởi một hệ thống đồi núi cao, nối liền nhau trùng điệp với những đỉnh núi cao (núi Ten cao trên 1.000m so với mực nước biển), có hang động với thạch nhũ rất đẹp và đa dạng. Nhiệt độ trung bình năm từ 22-230c, một ngày ở nơi đây du khách sẽ được hưởng trọn đặc trưng của 4 mùa: buổi sáng mát mẻ của Xuân, buổi trưa ấm áp của mùa hè, buổi chiều hiu hiu như mùa thu, buổi tối trời se lạnh đặc trưng của mùa đông.
Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Bản Cỏi nằm trên xóm Cỏi xã Xuân Sơn thuộc Vườn Quốc gia Xuân Sơn có diện tích 380ha, ranh giới thuộc lưu vực Suối Thang, gồm khu vực hang Cỏi, hang Đất, bãi tắm của hang Cỏi, đỉnh Cẩn. Nơi đây được coi là “viên ngọc thô” giữa núi rừng thanh vắng, đến với bản Cỏi du khách không chỉ được trekking rừng, tham quan thác nước, rừng cói bạt ngàn, mà còn được ghé thăm bản làng của người Dao nơi đây tìm hiểu cuộc sống của người dân và phong tục tập quán. Mặc dù không còn sinh sống ở lưng chừng của núi Ten như trước đây nhưng phong tục tập quán của người dân vẫn còn nguyên vẹn. Trong đó phải kể tới kiến trúc nhà lợp bằng lá cọ, trang phục dân tộc, lễ cấp sắc, điệu múa cầu thần, làng nghề truyền thống dệt vải, nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải, nấu rượu…
Điểm du lịch sinh thái Thác Ngọc thuộc Vườn Quốc gia Xuân Sơn có diện tích 56 ha, ranh giới thuộc lưu vực suối Thang gồm khu vực Bãi đỗ xe đến Thác Ngọc,bao gồm: hang Na, hang Thổ Thần, Thác Ngọc, quần thể cây di sản…. Thác Ngọc được tạo bởi dòng suối Lấp chảy từ các khe từ chân Núi Cẩn, núi Ten, thác có độ cao trên 20m quanh năm nước chảy đó là nguồn nước cung cấp cho thác từ các khe núi đá chảy quanh năm, dưới chân thác là hồ nước rộng hơn 200m2 tạo thành bãi tắm cho khách du lịch. Tuy còn hoang sơ nhưng bãi rất đẹp, dòng nước mát lạnh từ trên thác đổ xuống khiến cho du khách có những phút giây hết sức thoải mái, thư giãn; rời xa những ồn ào đô thị để đắm mình trong bầu không khí của nơi đây.
Các điểm du lịch trên địa bàn huyện Tân Sơn được thiên nhiên ưu ái về nguồn tài nguyên du lịch phong phú và các giá trị văn hóa truyền thống đó là cơ sở để hình thành các sản phẩm du lịch như: dịch vụ tham quan trải nghiệm, ăn uống, mua sắm, lưu trú, thưởng thức văn hóa truyền thống… đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Hơn hết các điểm du lịch được quản lý, vận hành bởi xã Xuân Sơn, Ban quản lý Vườn Quốc gia Xuân Sơn và bà con nơi đây. Hiện trên địa bàn xã Xuân Sơn có hơn 10 hộ tham gia kinh doanh Homestay với khả năng phục vụ 300 khách/ngày. Các hộ tham gia làm du lịch cộng đồng đều được tập huấn cách phục vụ, nấu ăn, tiếp đón du khách. Các hộ kinh doanh đều chú trọng xây dựng hình ảnh như đầu tư bồn hoa cây cảnh, hệ thống tường rào, cổng hoa dây leo đồng nhất tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng địa phương chung tay phát triển du lịch sinh thái cộng động. Xây dựng hình ảnh vùng đất Xuân Sơn thân thiện, mến khách, hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng VQG Xuân Sơn theo hướng bền vững.
Hiện nay các điểm du lịch được công nhận trên địa bàn huyện Tân Sơn đã hoàn thiện một số hạ tầng như: Có đường bê tông liên xã thuận tiện cho du khách tham quan, trải nghiệm; bãi đỗ xe với; hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt; hệ thống điện, nước đáp ứng nhu cầu sử dụng thường xuyên; thiết kế, lắp đặt biển chỉ dẫn, thuyết minh về điểm du lịch; kèm với đó các dịch vụ phục vụ khách du lịch cũng đã đáp ứng được nhu cầu như: Dịch vụ ăn uống, mua sắm, lưu trú du lịch, tham quan trải nghiệm; đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và các biện pháp, phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
Hằng năm, điểm du lịch cộng đồng Bản Dù, xã Xuân Sơn; Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Bản Cỏi và Điểm du lịch sinh thái Thác Ngọc đã đón tiếp khoảng 30.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Việc công nhận các điểm du lịch là lợi thế để phát huy các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, qua đó góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân./.
(Nguồn: Sở VHTTDL)