Đến với Huyện Tân Sơn vùng miền núi Tây Nam của Tỉnh Phú Thọ, được sống và trải nghiệm tại bản du lịch cộng đồng Xuân Sơn ngoài khám phá thiên nhiên đặc sắc của Vườn Quốc Gia Xuân Sơn, du khách còn cảm nhận được sự thân thiện, khoáng đạt, mến khách của người dân nơi đây. Sự gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên còn được người dân thể hiện rõ nét nhất qua món ăn mà họ chắt chiu từ hương rừng, sắc núi – món xôi ngũ sắc Xuân Sơn.
Cùng với sự giao thoa văn hóa, từ cuộc sống thực tiễn, người dân nơi đây đã làm đẹp cho món xôi bình dị, tạo cho món ăn từ thưởng thức bằng vị giác đến món ăn được thưởng thức bằng tất cả các giác quan. Sự hòa quyện của năm màu xôi là màu của núi rừng, của sương sớm, của bình minh, màu của hoàng hôn, của non xanh núi biếc, của hùng vĩ hoang sơ, của thật thà mộc mạc. Các loại màu được tạo ra vô cùng đơn giản như cái cách người dân nhuộm quần áo, nhuộm vải… vẻ đẹp ở đây là các sắc màu và hương vị món ăn đều được ban tặng từ thiên nhiên cùng bàn tay của người dân lao động, họ gắn bó với thiên nhiên, gắn bó với núi rừng. Các loài cây, củ tạo màu nơi đây dễ tìm và có quanh năm. Màu của món ăn chính là những thân quen gần gũi hàng ngày họ tiếp xúc, mang yếu tố lịch sử, đặc trưng vùng miền: Màu xanh được lấy từ lá dứa rừng, màu vàng được lấy từ nước giã ra từ củ nghệ, hai màu đỏ và tím được nấu lên từ lá cơm màu, toàn bộ các bước tạo ra năm sắc hoàn toàn từ thiên nhiên, không hóa chất, phẩm màu. Theo quan niệm của người dân tộc Dao khi lấy lá cơm màu họ sẽ bứt lá bằng tay mà không dùng dao hay tác động kim loại bởi như vậy sẽ làm màu xôi nhạt đi. Lượng nước dùng khi đun nước tạo màu phải vừa đủ, thời gian đưa gạo vào nước màu và ngâm gạo cho đủ no gạo sẽ tạo ra những mảng màu như ý: màu đỏ trầm ấm, xanh non mềm mại, vàng mỡ màng, tím kỳ bí và màu trắng mịn của những áng mây. Sự hấp dẫn của món xôi ngũ sắc đối với du khách là khi họ được tận mắt thấy các bước làm ra món ăn, là sự chuyển màu từ sắc trắng nguyên chất sang các sắc tạo hình, hay khi xôi chín và đưa ra trình bày, là sự hấp dẫn, kích thích khứu giác từ hương của lá, củ rừng thấm vào từng hạt gạo.
Sau những buổi đi rừng, tắm suối, sau những đêm văn nghệ giao lưu cùng người dân, được thưởng thức món xôi ngũ sắc sẽ lưu lại trong lòng mỗi du khách cảm nhận về thiên nhiên, tình cảm nồng ấm của con người nơi đây./.
Du khách rất thích thú khi được tự tay làm ra món xôi ngũ sắc
Bài:Trung Thành; Ảnh: Bích Ngọc – Trung tâm TTXTDL