Nằm tọa lạc trên quả đồi nhỏ tại thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, Đền Thiên Cổ (còn gọi là Thiên cổ miếu) là nơi thờ tự vợ chồng người thầy giáo Vũ Thê Lang cùng hai người học trò là công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa – con gái vua Hùng thứ 18.
Đền Thiên cổ là một ngôi miếu cổ, trước cửa miếu có 2 cây táu cổ thụ, ước đoán trên ngàn năm tuổi đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây di sản năm 2012. Bên trong ngôi miếu, chính giữa là bức hoành phi “Thiên cổ miếu” – tức miếu có tự ngàn xưa. Hai bên có đôi câu đối “Hùng Lĩnh trung chi thắng tích, Nam thiên chính khí linh từ”. Tạm dịch là: Di tích ở Hùng Lĩnh (đền Hùng) là trung tâm của cả nước không nơi nào sánh nổi; Chính miếu này là khí thiêng của cả trời Nam. Trên bệ cao là hai pho tượng sơn son thiếp vàng, chính là hai vợ chồng nhà giáo Vũ Thê Lang và vợ là Nguyễn Thị Thục. Bên dưới là hai pho tượng nhỏ hơn, chính là công chúa Ngọc Hoa và công chúa Tiên Dung. Đây chính là hai người học trò được ông bà yêu quý nhất. Tiếp dưới đó là hai pho tượng nhỏ: Tiên đồng, Ngọc nữ theo hầu hai công chúa. Miếu có ba bát hương bằng đất nung, hoa văn đẹp như hoa văn trên trống đồng. Thiên cổ miếu còn lưu giữ bản Ngọc phả viết bằng chữ Hán trên giấy dó trắng dầy 13 trang, do Đông Các học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nhị niên mạnh xuân nguyệt Cốc nhật, do sỹ tử Nguyễn sao năm Tự Đức nguyên niên trọng thu. Ngọc phả ghi rõ: cha của Vũ Thê Lang là Vũ Công ở Mộ Trạch, Hải Dương, dòng dõi thi thư. Nhưng do gia cảnh nghèo khó, nên hai ông bà lên trú ở ngoại thành Văn Lang, lấy nghề dạy học làm kế sinh nhai. Ông đến Hương Lan trang, dựng nhà, dạy học hàng ngày. Hai ông bà sinh được người con trai tên Vũ Thê Lang, lớn lên, Vũ Thê Lang lấy con gái tên Thục – là con gái của Nguyễn Công là người quen cũ của cha ở Đông Ngàn Kinh Bắc về làm vợ. Vợ chồng Vũ Thê Lang sinh sống tại Hương Lan, tiếp nối nghề của cha mẹ, chồng dạy học, vợ dạy dân trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, sống nhân nghĩa được nhân dân quý mến. Hai ông bà sinh được ba người con trai, đặt tên là Rô. Cả ba người con lớn lên đều giỏi giang, văn võ song toàn, được Hùng Duệ Vương tuyển dụng và phong làm Đô sỹ, đi bảo vệ Vua. Theo “Ngọc phả đình thôn Hương Lan”, thời Hùng Vương thứ 18, Hùng Duệ Vương rất quan tâm đến việc học hành, tôn sư trọng đạo, tu thân lập thân của con người. Khi biết tâm đức của vợ chồng thầy cô Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục, Hùng Duệ Vương đã mời hai người vào cung, dạy học cho hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Nhờ sự dạy dỗ của thầy cô, hai công chúa được học chữ, học đạo làm người và trở thành những công nương hiền thục, giỏi giang, tháo vát.
Ngày 2 tháng 2 năm Quý Dậu (288 trước CN), hai thầy cô không ốm mà mất cùng giờ, vua Hùng cùng người dân thôn Hương Lan thương tiếc công đức nên cho an táng ngay tại địa điểm hai người mở lớp dạy học, táng cùng một mộ. Nhà vua cũng cho phép thôn Hương Lan lập miếu để thờ cúng, hương hỏa. Đến tận ngày nay, nhân dân vẫn bảo vệ và thờ phụng với tấm lòng tôn kính. Trải qua hơn 2000 năm, năm 1999, Thiên Cổ Miếu được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và được cấp bằng chứng nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 2003.
Thiên cổ miếu hiện giờ vẫn giữ được những nét nguyên bản về họa tiết, phiên bản mẫu chữ cổ, ngôi mộ của thầy cô và được rất đông nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết. Có thể thấy, Thiên Cổ Miếu là bức thông điệp của nền văn hiến thời đại Hùng Vương, rất coi trọng sự học cũng như việc đào tạo hiền tài cho đất nước, nêu cao đạo lý Tôn sư trọng đạo, Uống nước nhớ nguồn và tinh thần hiếu học của dân tộc ta từ ngàn xưa. Những năm gần đây, Thiên Cổ Miếu đã được đầu tư trở nên khang trang hơn, đã trở thành điểm đến tâm linh, ý nghĩa của những người dân hiếu học không chỉ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mà còn với cả người dân trong và ngoài nước. Các phụ huynh, học sinh trước mỗi dịp thi cử quan trọng, lễ, Tết … đều đến thắp hương, cầu mong những điều may mắn và an lành đến với mình.
Trong những di sản lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố Việt Trì, Thiên Cổ Miếu là di tích văn hóa có giá trị của dân tộc, là bằng chứng về lịch sử văn hóa, giáo dục và văn minh Lạc Việt. Đây là địa chỉ tâm linh để du khách thể hiện tấm lòng thành kính với người thầy giáo có công với nền giáo dục nước nhà cũng như sự quan tâm đối với truyền thống hiếu học của dân tộc ta. Để khai thác giá trị di sản văn hóa của Thiên Cổ Miếu trong phát triển du lịch chung của thành phố Việt Trì, ngoài khai thác yếu tố tâm linh, những giá trị về văn hóa, lịch sử, cần khai thác cả môi trường văn hóa cộng đồng địa phương như: Xây dựng môi trường khu di tích xanh-sạch- đẹp, xây dựng hình ảnh con người thâm thiện mến khách, có lối ứng xử lịch sự, văn minh, tôn trọng du khách khi đến với Di tích, tạo ấn tượng tốt cho du khách khi đến với Thiên Cổ Miếu. Bởi đây là một tài nguyên văn hóa, thông qua hoạt động du lịch để có thể góp phần giới thiệu, quảng bá giá trị nền văn hóa độc đáo của Việt Nam qua mấy nghìn năm văn hiến. Thành phố cần tạo ra nhiều hơn các sản phẩm, ấn phẩm quảng cáo, pano, áp phích… đưa Di tích trở thành một điểm đến trong các tour, tuyến du lịch của thành phố và Tỉnh. Những hoạt động giới thiệu về Di tích, di sản cần được đẩy mạnh hơn, để người dân, du khách đến với Thiên Cổ Miếu được tăng cường hiểu biết về lịch sử, truyền thống, văn hóa… Cũng thông qua đó, cộng đồng dân cư địa phương sẽ nhận thức sâu sắc hơn việc bảo tồn di sản của địa phương, góp phần khai thác, bảo vệ và phát triển môi trường tự nhiên và xã hội.
Thành phố Việt Trì đang trong lộ trình xây dựng để trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, khai thác các giá trị văn hóa để phát triển du lịch không chỉ là mục tiêu quan trọng để quảng bá những giá trị văn hóa lịch sử đến với du khách, mà còn tác động tích cực đến việc thu hút du khách, tạo nguồn thu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế văn hóa xã hội trên địa bàn./.
Nguyễn Thị Hải Yến – Phó Trưởng phòng VH-TT Tp.Việt Trì