Bảo tàng tỉnh Phú Thọ góp phần giáo dục bộ môn lịch sử cho lứa tuổi học sinh trên địa phương và cả nước.

Nhằm giáo dục lịch sử địa phương, để thế hệ trẻ có cái nhìn đúng và trân trọng, phát huy những giá trị lịch sử của cha ông, những năm qua, bên cạnh dạy và học môn lịch sử ở nhà trường, mỗi lớp học của trường đã tích cực tổ chức các giờ học ngoại khóa nhằm đẩy mạnh việc tìm hiểu kiến thức lịch sử tại bảo tàng trên địa phương. Phương pháp này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp học sinh các cấp từ mầm non tới học sinh phổ thông và đoàn viên, thanh niên có cái nhìn toàn diện và sinh động thông qua những hiện vật lịch sử được lưu giữ tại bảo tàng.

Hiện nay trên địa bàn thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ hiện diện 2 bảo tàng cùng mang tên Hùng Vương. Thứ nhất: Bảo tàng Hùng Vương thuộc hệ thống bảo tàng quốc gia được xây dựng từ năm 1986 tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 28-3-1993 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ quản lý. Thứ hai: Bảo tàng Hùng Vương tiền thân là Bảo tàng tỉnh Phú Thọ, một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch tỉnh Phú Thọ được khởi công xây dựng ngày 1-1-2008, đi vào hoạt động từ ngày 14-4-2010.

Bảo tàng  Hùng Vương thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng tọa lạc trên một quả đồi thuộc xã Hy Cương – thành phố Việt Trì, cách cổng đền Hùng chừng 100m, Bảo tàng “quốc gia” Hùng Vương là một kiến trúc có thiết kế 2 tầng với gần 1.000m² diện tích xây dựng, tuy hiện đại nhưng vẫn không thiếu tính dân tộc, vừa đường bệ lại vừa trang nhã, thanh thoát. Đây là công trình được thiết kế bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam dựa trên thế giới quan của người Việt cổ với quan niệm trời tròn – đất vuông. Đứng từ đỉnh núi Nghĩa Lĩnh nhìn xuống, Bảo tàng như một chiếc hộp vuông khổng lồ gợi liên tưởng đến sự tích bánh Chưng, bánh Dày trong huyền sử dân tộc Việt. Bảo tàng đã giới thiệu một cách sinh động gần 700 hiện vật gốc trên tổng số hơn 4.000 hiện vật sưu tập, tranh gốm, tranh sơn mài, một nhóm tượng lớn và nhiều hiện vật khác, tất cả được trưng bày tại 5 phòng chuyên đề chính, khắc họa và làm nổi bật chủ đề “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”.

IMG 9453
IMG 9459

Bảo tàng Hùng Vương – Khu DTLS Đền Hùng(Ảnh: Thùy Dung)

Bảo tàng Hùng Vương nằm trên đường Trần Phú, bên bờ hồ công viên Văn Lang – trung tâm của thành phố Việt Trì. Bảo tàng Hùng Vương được ví như một “cuốn sử bằng hiện vật” được thiết kế mô phỏng theo kiến trúc nhà sàn Bắc Bộ, là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống đặc trưng của văn hóa Đông Sơn với bộ mái hình thuyền dốc 4 phía dán ngói đỏ, xung quanh có hàng cột chống trụ tròn, cao thanh thoát và cầu thang lên đặt ở mặt trước nhà, tạo nên một diện mạo bề thế mà trang nhã nổi bật trong hệ thống kiến trúc đô thị của thành phố Việt Trì. Nhà trưng bày được thiết kế gồm 3 tầng có diện tích sàn 9.000m2với nhiều hạng mục phục vụ tốt nhất cho công tác trưng bày theo hướng khoa học và hiện đại, được đánh giá là một trong những bảo tàng đẹp và hiện đại nhất khu vực các tỉnh phía Bắc.  Được đặt ở vị trí trung tâm của kinh đô Văn Lang xưa bởi thế Bảo tàng Hùng Vương mang trong mình cả một kho tàng lịch sử, văn hóa khá đồ sộ với hơn 12.000 hiện vật gốc tái hiện rõ nét lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh Phú Thọ từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến ngày nay.

Đến tham quan tại một trong hai Bảo tàng Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ, đông đảo du khách thập phương, nhất là với lứa tuổi học sinh,  các em sẽ được tham quan hệ thống hiện vật trưng bày theo tiến trình lịch sử, từ thời tiền sử – sơ sử cho đến ngày nay, được tận mắt nhìn thấy những công cụ đá từ thuở sơ khai của loài người. Qua đó giúp các em có cái nhìn tổng quan nhất về địa hình, vẻ đẹp thiên tạo cũng như sự phong phú về đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng cư dân vùng trung du miền núi – Phú Thọ. Hệ thống hiện vật lịch sử đã tái hiện một cách sinh động về cuộc sống của cư dân Việt cổ đến những thành tựu của nhân dân Phú Thọ trong thời kỳ khôi phục kinh tế, đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội và bước vào công cuộc đổi mới…

Đặc biệt Bảo tàng Hùng Vương ở đường Trần Phú với vai trò là “sứ giả lịch sử” nên không chỉ phong phú và đồ sộ về số lượng hiện vật mà còn hết sức độc đáo. Tám tháng đầu năm 2020, Bảo tàng Hùng Vương đã đón trên 1500 lượt học sinh đa dạng về lứa tuổi, cấp học đến tham quan, trải nghiệm các giờ học ngoại khóa về bộ môn lịch sử. Tại đây, lứa tuổi các em học sinh mầm non còn chưa tiếp thu được nhiều kiến thức thì các em thích thú nhất là khu trưng bày ngoài trời: trưng bày cố định các hiện vật có kích thước lớn như: xe tăng, tàu chiến, máy bay… kết hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên tạo không gian thư giãn, nghỉ ngơi trong hành trình thăm quan bảo tàng. Với các em cấp học phổ thông, các em được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh xảo và độc đáo của tổ hợp tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ đúc bằng đồng thau,  khu trưng bày di chỉ khảo cổ học với  bộ sưu tập Nha Chương bằng đá ngọc; bộ sưu tập hiện vật độc đáo như đồ trang sức thời Phùng Nguyên, trống đồng Đông Sơn, đồ gốm qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn… mang giá trị lịch sử, văn hóa và thẩm mỹ cao… Một không gian hết sức huyền bí khơi dậy tính tò mò muốn được khám phá mà các em học sinh không thể bỏ qua khi đến với Bảo tàng Hùng Vương đó là phòng trưng bày “Bí mật ngôi mộ cổ”. Tại đây các em sẽ hiểu thêm về đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ thông qua những thước phim sống động và tận mắt khám phá bí ẩn phía sau 2 ngôi mộ cổ có niên đại cách đây 4000 năm được đặt trong tổ hợp mỹ thuật tái hiện lại địa tầng tự nhiên hết sức sống động giống như hiện trường khai quật. Có thể nói phòng trưng bày mộ cổ là nguồn tư liệu quý đối với những người muốn tìm hiểu nghiên cứu về lịch sử cư dân trên vùng đất cố đô Văn Lang xưa.

109772720 2678870782215083 7870335195898273669 n
103772666 2602269843208511 8472595567182712988 o

Học sinh tham quan tại Bảo tàng Hùng Vương, đường Trần Phú, tp Việt Trì(Ảnh: Sưu tầm)

Đồng hành cùng với các em trong buổi tham quan tại bảo tàng là những cán bộ thuyết minh. Mỗi cô thuyết minh sẽ đóng vai cô giáo hướng dẫn. Tùy vào độ tuổi của học sinh, các cán bộ thuyết minh sẽ có cách truyền đạt, những câu chuyện kể phù hợp. Mỗi hiện vật, mỗi hình ảnh và những thông tin chứa đựng trong đó sẽ là những vật dụng trực quan làm bớt đi sự “khô khan” của những bài giảng lịch sử. Các em học sinh sẽ thấy thú vị hơn khi được trực tiếp nhìn thấy những hiện vật, được cán bộ thuyết minh cung cấp những thông tin quan trọng về lịch sử, giá trị của chúng. Các em cũng có thể tương tác bằng cách đặt ra những câu hỏi cho cán bộ hướng dẫn, chính điều đó đã gây được cảm xúc, sự hứng thú cho các em.

107964695 2678872338881594 6513605258221972326 n

Học sinh nghe cán bộ thuyết minh hướng dẫn tại Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ(Ảnh: Sưu tầm).

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hoạt động này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, đa số lượt học sinh đến tham quan trải nghiệm tại Bảo tàng đều là học sinh trên địa bàn thành phố Việt Trì, hoặc học sinh từ các huyện khác; tỉnh khác đến thăm Bảo tàng Hùng Vương thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đều kết hợp với chuyến tham quan dâng hương tại Đền Hùng. Một số trường tổ chức dạy học bài lịch sử dân tộc, địa phương tại bảo tàng, nhưng con số còn rất hạn chế và hiệu quả của bài học ngoại khóa chưa cao.

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, từng bước đổi mới phương pháp, hình thức phục vụ công chúng nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, trong thời gian tới đây, Bảo tàng tỉnh có thể xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều chương trình dành riêng cho học sinh và nhà trường, tạo sự kết nối giữa hoạt động trưng bày, tuyên truyền của bảo tàng với chương trình giảng dạy, học tập của các nhà trường. Đây sẽ là các chương trình phối hợp hiệu quả, trong đó học sinh, giáo viên, các cơ sở giáo dục… có thể khai thác bảo tàng như một công cụ sống động phục vụ cho việc dạy và học tập. Bảo tàng sẽ kết hợp với nhà trường, cơ sở giáo dục tạo điều kiện để những hoạt động của bảo tàng đến với các em như một phần của chương trình giáo dục, cung cấp cho các em những kiến thức mở rộng, bổ trợ cho các môn học ở nhà trường. Như vậy, vừa đảm bảo kiến thức lịch sử, giáo dục truyền thống được truyền tải cho các em một cách sinh động vừa có thể tuyên truyền quảng bá hình ảnh của Bảo tàng tỉnh cho nhiều cơ sở giáo dục cũng như du khách với mục đích tham quan từ các địa phương khác.

Có thể nói, việc tổ chức buổi tham quan kết hợp dạy học lịch sử tại bảo tàng cho học sinh các cấp có ý nghĩa nhiều mặt, làm phong phú hình thức dạy lịch sử hiện nay góp phần nâng cao chất lượng môn học. Để giúp học sinh học tốt hơn môn lịch sử các nhà trường cần tổ chức nhiều hơn những giờ học ngoại khóa tại bảo tàng. Đến đây các em sẽ có một môi trường học tập mới, được lĩnh hội các kiến thức về giá trị lịch sử, văn hóa của cha ông một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, qua các hoạt động tại bảo tàng góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, bản lĩnh, ý thức vươn lên trong cuộc sống cho thế hệ trẻ hôm nay.

Thùy Dung- Trung tâm TTXT Du lịch

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons