Phú Thọ triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

(XTDL) – Ngày 16 tháng 01 năm 2017, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết mang ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp phát triển du lịch của Việt Nam, thể hiện quan điểm phát triển và định hướng phát triển nền kinh tế – xã hội và thể hiện quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất của Đảng ta nhằm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Nghị quyết đã chỉ ra những tiềm năng, thế mạnh và hạn chế yếu kém cần khắc phục, trong đó quan trọng nhất là các giải pháp đột phá, đồng bộ, tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội để thúc đẩy phát triển du lịch trong xu thế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và thế giới. Nhìn lại những kết quả hoạt động du lịch đã đạt được trong năm 2016 để thấy được bước phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam: Năm 2016Việt Nam thu hút hơn 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt 2 mốc quan trọng là tổng lượng khách nhiều nhất trong một năm và mức tăng tuyệt đối trong một năm nhiều nhất so với năm trước (trên 2 triệu lượt khách); phục vụ 62 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 400.700 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2015. Từ đó để thấy rằng đây là thời điểm thích hợp để Đảng và Nhà nước đặt quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

image_gallery

BCĐ phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ triển khai Nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW,Tỉnh ủy Phú Thọ đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 04 tháng 4 năm 2017của Tỉnh ủy để triển khai thực hiện Nghị quyết.Trong đó đã xác định phát triển du lịch Phú Thọ là một trong bốn khâu đột phá phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2015 – 2020 theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng bền vững dựa trên nền tảng giá trị các tài nguyên nhân văn kết hợp với tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là đối với hai di sản văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh; Tập trung thực hiện 07 nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy du lịch phát triểnđến năm 2020, định hướng đến  năm 2030, cụ thể:

Một là: Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch cho các cấp, các ngành và các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh để nhà nước và nhân dân cùng tham gia vào thúc đẩy các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.

Hai là: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh như: Ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành và doanh nghiệp vận tải khách du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch địa phương, chính sách hỗ trợ các làng nghề và cơ sở sản xuất đưa các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp đặc thù tiêu biểu của tỉnh tham gia hoạt động phục vụ khách du lịch, tham gia sản xuất sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng du lịch…

Ba là: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tại 02 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh là Thành phố Việt Trì và huyện Thanh Thủy làm cơ sở thúc đẩy du lịch Phú Thọ phát triển nhanh và bền vững.

Bốn là: Đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung và các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnhhướng các trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh (Thành phố Việt Trì, Thanh Thủy, Vườn quốc gia Xuân Sơn, Hạ Hòa); tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và quốc tế; phát huy vai trò, nguồn lực của Hiệp hội du lịch tỉnh và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh trong hoạt động xúc tiến.Nâng cao vai trò của Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch từ tỉnh đến các huyện, thành, thị.

Năm là: Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia các hoạt du lịch trên địa bàn tỉnh; kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư du lịch, đảm bảo môi trường an ninh trật tự cho các dự án đầu tư. Xây dựng cơ chế hỗ trợ với đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch và các hộ dân tại các khu, điểm du lịch. Xây dựng chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức trong toàn dân và các doanh nghiệp du lịch tạo sự đồng thuận cao xây dựng môi trường du lịch Phú Thọ đảm bảo hấp dẫn, thân thiện, mến khách và an toàn.

Sáu là: Phát triển nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh. Tập trung đào tạo kỹ năng nghề du lịch theo tiêu chuẩn VTOS cho nguồn nhân lực du lịch; liên kết, phối hợp đào tạo, đào tạo lại nghề du lịch giữa đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh và các trường đào tạo có chuyên ngành du lịch.

Bảy là: Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với phát triển du lịch và sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động du lịch.

Phú Thọ là một tỉnh trung du miền núi, vùng đất Tổ cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của Phú Thọ đa dạng, phong phú với hệ thống các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú; đặc biệt hát Xoan Phú Thọ và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và các danh lam, thắng cảnh độc đáo như Vườn quốc gia Xuân Sơn là một trong ba vườn quốc gia của Việt Nam có hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao, khu du lịch nước kháng nóng Thanh Thủy với mỏ nước khoáng nóng có trữ lượng lớn hàm lượng nguyên tố vi lượng hữu ích quý hiếm rất thích hợp cho việc tắm ngâm, phục hồi sức khoẻ và chữa bệnh, đầm Ao Châu với 99 ngách đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Với tiềm năng to lớn, ngành du lịch Phú Thọ đã được quan tâm phát triển rất sớm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, XVI đã xác định phát triển du lịch là một ngành kinh tế và Đại hội lần thứ XVII, XVIII đã đưa du lịch thành một khâu đột phá phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Tỉnh ủy Phú Thọ triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọncùng với Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 15/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII về phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 và Kế hoạch số 4772/KH-UBND ngày 20/10/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 – 2020 đã, đang và sẽ là những định hướng quan trọng để thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, mạnh, bền vững, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Phú Thọ.

Nguồn: Phòng PTTNDL – Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh