PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH LAI CHÂU

Tại Đề án 316, ngày 22/11/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai về phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020, xác định mục tiêu đến năm 2020 đưa “Du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ”. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới ngành du lịch Lai Châu cần tập trung triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, trong đó phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC

Trong những năm qua, đào tạo phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt, giai đoạn 2011 – 2016 đã tổ chức 21 khóa tập huấn về thuyết minh viên du lịch theo tiêu chuẩn VTOS, kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà dân, kỹ năng phát triển du lịch bền vững và kỹ năng nghề cho 820 lượt cán bộ, lao động và người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch tại các điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch. Ngoài việc gia tăng số lượng nguồn nhân lực du lịch thì Lai Châu còn đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, trong đó chú trọng đến đào tạo tại chỗ với việc ưu tiên lựa chọn đội ngũ giảng viên là chuyên gia du lịch, giảng viên chuyên ngành tại các trường đại học và các ngành liên quan. Sau khóa tập huấn học viên có thể sử dụng kiến thức được học vận dụng vào thực tế, hướng tới phục vụ khách du lịch theo hướng chuyên nghiệp, từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển của du lịch trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, hiện trạng nguồn nhân lực hoạt động du lịch của tỉnh nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành du lịch địa phương trên tất cả các phương diện từ số lượng, chất lượng, cơ cấu hoạt động đến bố trí sử dụng… Hầu hết, số lao động phục vụ tại các cơ sở lưu trú du lịch, người dân tham gia vào hoạt động phục vụ khách du lịch đều chưa được đào tạo, thiếu các kỹ năng nghiệp vụ phục vụ du khách như tâm lý du khách, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử,  khả năng xử lý tình huống đặc biệt là trình độ ngoại ngữ … Chính điều đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hình ảnh du lịch tỉnh. Nguyên nhân cơ bản một phần do nguồn ngân sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực cũng như việc huy động  xã hội hóa trong đào tạo phát triển nhân lực du lịch còn hạn chế; việc dự báo nhu cầu lao động và định hướng ngành, lĩnh vực đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chưa theo sát thực tế; chưa có chính sách dành riêng cho phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh từ đào tạo, bồi dưỡng tuyển dụng đến thu hút, sử dụng và đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một thách thức không nhỏ đối với ngành du lịch Lai Châu trong mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 “Du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ”.

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC

Để xây dựng “hình ảnh du lịch Lai Châu chuyên nghiệp” và phấn đấu đến năm 2020, ngành du lịch có 5.500 lao động (trong đó 1.500 lao động trực tiếp và khoảng 4.000 lao động gián tiếp) “Du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ”, thì đòi hỏi ngành du lịch Lai Châu phải thực hiện tốt một số giải pháp.

Tổ chức, phục dựng các lễ hội văn hóa truyền thống

Một là: Cần tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng nhân lực cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Tạo cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi ưỡng nâng cao trình độ, bổ sung kịp thời lực lượng lao động trẻ phục vụ cho nhu cầu phát triển của ngành du lịch trong thời gian tới.

Hai là: Ưu tiên đầu tư nguồn ngân sách cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực hoạt động du lịch và huy động xã hội hóa trong đào tạo nguồn nhân lực hoạt động tại các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.

Ba là: Ưu tiên vấn đề đào tạo tại chỗ, trong đó cần chú trọng chất lượng của đội ngũ giảng viên là những người có kiến thức chuyên sâu về du lịch, có kinh nghiệm giảng dạy thực tế, đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn tại tỉnh, phổ biến bộ quy chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam đến các doanh nghiệp và người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch. Để từ đó nâng cao hình ảnh điểm đến, hình ảnh du lịch Lai Châu.

Bốn là: Xây dựng chính sách dành riêng cho việc thu hút nhân tài từ đào tạo, bồi dưỡng tuyển dụng đến chính sách thu hút và sử dụng lao động. Tăng cường công tác thanh kiểm tra chất lượng nguồn nhân lực và việc sử dụng lao động tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn.

Có thể thấy rằng: “ Nhân lực thiếu và yếu sẽ là một thách thức không nhỏ cho ngành du lịch Lai Châu trong mục tiêu phấn đấu trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ đến năm 2020”. Chính vì vậy, việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập của du lịch Lai Châu với khu vực nói riêng, cả nước nói chung là nhiệm vụ quan trọng đối với du lịch Lai Châu trong giai đoạn hiện nay./.

                                                Bài: Thoa Đồng – Sở VHTT&DL Lai Châu

 

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.