PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC THÙ CỦA LAI CHÂU

Trong những năm gần đây, du lịch Tây Bắc đang là một lựa chọn hấp dẫn đối với khách du lịch. Với những lợi thế nổi bật của cả vùng về cảnh quan thiên nhiên, khí hậu và văn hóa cộng đồng, cả vùng Tây Bắc trở thành một sản phẩm du lịch lớn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Để có thể cạnh tranh và phát triển những ưu thế về tài nguyên du lịch, tỉnh Lai Châu cần tập trung phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra thương hiệu du lịch riêng, tránh trùng lập với những sản phẩm du lịch của các tỉnh trong khu vực.

Là tỉnh có địa hình chia cắt và đa dạng, thiên nhiên Lai Châu rất hùng vĩ và còn hoang sơ, văn hóa cộng đồng đa dạng, đầy sắc màu truyền thống của các dân tộc thiểu số. Đó chính là những yếu tố tạo nên tính đặc thù cao để tạo ra các sản phẩm du lịch riêng biệt cho Lai Châu. Trên cơ sở xác định được những sản phẩm đặc thù sẽ định hướng được thị trường khách du lịch phù hợp cho Lai Châu.

Phát triển nhóm sản phẩm du lịch chinh phục thiên nhiên

Do địa hình hiểm trở và đa dạng bậc nhất Việt Nam, Lai Châu là tỉnh có nhiều đỉnh núi cao hùng vĩ và đang trở thành những điểm đến “phải chinh phục” của thế hệ khách du lịch trẻ tuổi (như Fanxipang (giáp ranh biên giới giữa tỉnh Lai Châu và Lào Cai), đỉnh Pu Ta Leng (3096m), đỉnh Phu Si Lung (3076m), Bạch Mộc Lương Tử (3045m), đỉnh Tả Liên Sơn (2993m), đỉnh Khang Su Văn (3012m)…). Những đỉnh núi này tuy địa hình hiểm trở xong phong cảnh đẹp như tranh và trinh phục được là “cả một lòng kiêu hãnh”. Sản phẩm du lịch chinh phục thiên nhiên hướng tới đối tượng khách du lịch trẻ tuổi, có sức khỏe, có quyết tâm cao yêu thiên nhiên và thích thử thách, khám phá bản thân.

Xen kẽ những đỉnh núi cao, thiên nhiên ban tặng cho Lai Châu những cảnh quan ngoạn mục đó là những thác nước hùng vĩ quanh năm tung bọt trắng xóa, những cánh đồng uốn lượn dưới thung lũng, những thảo nguyên xanh mát… (Sì Thẩu Chải, Xà Dề Phìn, Sìn Hồ, Dào San…). Đây là những địa điểm có thể tổ chức các hoạt động dù lượn, đi bộ vượt thác, chụp ảnh, dã ngoại phục vụ cho nhóm khách ưu vận động, khám phá thiên nhiên hùng vĩ, thưởng ngoạn khí hậu trong lành.

Nhóm sản phẩm tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống cộng đồng

          Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, bên cạnh những nền văn hóa lớn như văn hóa Thái, văn hóa Mông, Lai Châu còn có hai dân tộc đặc thù (Mảng và La Hủ) và có năm dân tộc có số dân dưới 10.000 người (Si La, Mảng, Cống, La Hủ, Lự). Cuộc sống sinh hoạt, tập tục văn hóa, truyền thống canh tác, lễ hội, ẩm thực, âm nhạc, trang phục…của các dân tộc được giữ gìn gần như còn nguyên vẹn tạo ra bức tranh văn hóa sống động, đầy màu sắc và vô cùng thú vị thu hút khách du lịch. Với nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú trên, tỉnh Lai Châu có thể khai thác những nét độc đáo, riêng biệt để trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa riêng có của địa phương.

          Tham quan làng bản, tìm hiểu văn hóa các dân tộc: Sản phẩm được tổ chức cho khách tham quan, tìm hiểu hoặc trải nghiệm cùng cuộc sống của cộng đồng, ngủ tại nhà dân, lên nương, làm bếp, dệt vải cùng dân. Hiện tại, du lịch Lai Châu cần tập trung đầu tư khai thác tốt các điểm bản du lịch cộng đồng hiện có của các dân tộc đặc trưng của tỉnh như: Sin Suối Hồ, bản Hon, Sì Thầu Chải…

Tham gia chợ phiên, các lễ hội của đồng bào: Chợ phiên San Thàng, Dào San, Sìn Hồ, chợ Sừng (Sì Lở Lầu), các Lễ hội độc đáo (Bun Vốc Nặm, Kin lẩu khẩu mẩu, Gầu Tào, Tết Ngô, Cốm mới…)

Những trò chơi dân gian truyền thống lâu đời cần được bảo tồn, khôi phục và giữ gìn

          Thưởng thức ẩm thực dân tộc: Du khách có thể kết hợp với việc tham quan, tìm hiểu hoặc trải nghiệm cuộc sống trong bản với thưởng thức các món ẩm thực các dân tộc Thái, Lự, Mông, Dao… tại các điểm bản du lịch cộng đồng.

          Nhóm sản phẩm du lịch đường sông và lòng hồ thủy điện:

          Lai Châu có nguồn tài nguyên nước phong phú với hệ thống 3 sông lớn chảy qua Sông Đà, Sông Nậm Na và Sông Nậm Mu. Hiện nay, các tuyến sông  này đều có những công trình thủy điện lớn đi vào hoạt động (Thủy điện Lai Châu, thủy điện Bản Chát) từ đó tạo ra những hồ nước rộng mênh mông và là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sông nước.

Trên các lòng hồ thủy điện Lai Châu, thủy điện Bản Chát, có thể tổ chức cho khách du lịch thăm những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của sông núi, những hòn đảo lớn nhỏ, những làng chài yên bình. Không chỉ thế, khách du lịch còn được kết hợp tìm hiểu những bản làng các dân tộc thiểu số sống ven sông với nền văn hóa sông nước vô cùng thú vị.

Đề xuất một số giải pháp để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của Lai Châu

Để đẩy mạnh khai thác phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của Lai Châu trong hệ thống sản phẩm du lịch Tây Bắc, tác giả bài viết đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới như sau:

          Một là: Tập trung quảng bá mạnh tiềm năng du lịch mạo hiểm gắn với thông tin, hình ảnh các đỉnh núi cao nhất Việt Nam của tỉnh Lai Châu. Chủ động tổ chức và đăng cai các sự kiện, các giải leo núi, chinh phục đỉnh cao, tổ chức các sự kiện dù bay… tại Lai Châu. Thu hút các nhà đầu tư vào các sản phẩm du lịch sinh thái, mạo hiểm, thể thao mạo hiểm tại Lai Châu.

Hai là: Đầu tư bài bản cho các điểm bản du lịch cộng đồng hiện đang khai thác về cả cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời chú trọng việc nghiên cứu tạo ra các sản phẩm, các hình thức trải nghiệm mới để phục vụ khách du lịch.

Ba là: Xác định vùng lòng hồ thủy điện là một tài nguyên du lịch hấp dẫn từ đó đẩy nhanh tiến độ quy hoạch du lịch vùng lòng hồ.

Bốn là: Chú trọng công tác nghiên cứu thị trường khách du lịch phù hợp với các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, tập trung vào thị trường khách du lịch sinh thái, tránh phát triển các dòng khách đại trà.

Năm là: Chú trọng công tác xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu. Tăng cường kết nối giữa các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh để hình thành sản phẩm du lịch tổng hợp, đa dạng thu hút khách du lịch.

Với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và hấp dẫn, nếu được lựa chon và đầu tư khai thác hợp lý, du lịch Lai Châu hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn trở thành điểm nhấn và có thể cạnh tranh được với du lịch của các tỉnh trong khu vực mà không sợ trùng lặp, nhàm chán./.

Bài:Minh Châu
Ảnh: CTV

 

 

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.