NHỮNG ĐỈNH NÚI CAO NHẤT VIỆT NAM Ở LAI CHÂU

Lai Châu – vùng đất được biết đến bởi sự hùng vĩ, hiểm trở và còn ẩn chứa nhiều điều huyền bí đang chờ đợi bước chân khám phá của du khách. Là một trong những tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (hơn 9 nghìn km2), địa hình của Lai Châu có trên 60% diện tích có độ cao trên 1.000 m và bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Và bạn có biết rằng, 6 đỉnh núi cao nhất Việt Nam đều thuộc về Lai Châu.

  1. Đỉnh Fansipan – (3.143 m)

Fansipan – đỉnh núi cao nhất còn được gọi là nóc nhà Đông Dương hẳn ai cũng từng nghe nói. Ngọn núi này nằm trên ranh giới giữa Lai Châu và Lào Cai, là một trong ba khối núi cao nhất của dãy Hoàng Liên Sơn kéo dài từ Lai Châu đến Hòa Bình. Trước đây, chinh phục Fasipan là một thử thách vô cũng khó khăn nhưng hiện nay, cáp treo Fansipan đã dễ dàng đưa mọi du khách lên đỉnh núi.

BMLT 5 Hai Nguyen

Bầu trời đầy sao trở nên gần hơn khi ngắm từ các đỉnh núi 

  1. Pu Ta Leng (3.096m)

     Đỉnh Pu Ta Leng thuộc địa phận xã Tả Lèng huyện Tam Đường, được biết đến là đỉnh núi hoang vu và hiểm trở bậc nhất Việt Nam. Những năm gần đây, Pu Ta Leng là từ khóa được tìm kiếm rất nhiều và còn được ví von là “ước mơ chung cho các tín đồ ưa dịch chuyển, đam mê tìm tòi và khám phá”. Rừng rậm nguyên sinh, bạt ngàn hoa đỗ quyên và những dòng suối róc rách trong veo như ngọc là những hình ảnh tạo nên sức hấp dẫn của “Nóc nhà thứ hai Đông Dương”.

  1. Pu Si Lung (3.076m)

Vị trí thứ 3 thuộc về đỉnh núi có tên Pu Si Lung. Đây là đỉnh núi cao thuộc địa bàn xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, cách thị trấn Mường Tè gần 30 km về phía Tây Bắc. Để trinh phục được Pu Si Lung là một thách thức vô cùng lớn, với quãng đường gian nan, hiểm trở (gần 50km đường leo núi), thời gian leo núi có thể kéo dài tới 6, 7 ngày. Pu Si Lung thuộc khu vực biên giới với Trung Quốc, rừng vẫn nguyên sinh và còn rất nhiều động vật hoang dã sinh sống. Để có thể chinh phục Pu Si Lung du khách cần phải có giấy phép của Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu.

  1. Bạch Mộc Lương Tử (3.045m)

Đỉnh núi cao thứ tư Việt Nam của Lai Châu thuộc về Bạch Mộc Lương Tử nằm trên địa bàn xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ. Du khách có thể xuất phát leo núi từ bản Sin Suối Hồ với tổng quãng đường lên đỉnh dài khoảng 12 km. Bạch Mộc Lương Tử hiện đang thu hút rất đông bạn trẻ ưa khám phá, mạo hiểm. Bạch Mộc Lương Tử được gọi là “thiên đường săn mây mùa đi trek”.

BMLT 6 Trang Nhung

Niềm đam mê leo núi không chỉ giới hạn với đối tượng nam giới

5.Khang Su Văn (3.012m)

Khang Su Văn (hay còn gọi là Hoàng Liên San) – đỉnh núi này có cái tên còn khá xa lạ với khách du lịch mạo hiểm. Nằm giữa 2 cột mốc số 79 và 80 trên đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Khang Su Văn thuộc xã Pa Vẩy Sử, huyện Phong Thổ. Cũng giống như Pu Si Lung, Khang Su Văn là khu vực biên giới, cấm săn bắn nên rừng rậm còn nhiều, động vật hoang dã rất phong phú. Để chinh phục Khang Su Văn cũng vô cùng gian nan, vất vả. Tất nhiên du khách cũng cần được sự cho phép của Biên phòng trước khi bắt đầu leo núi.

  1. Tả Liên Sơn (2993)

          Tả Liên Sơn (ngọn Cổ Trâu) thuộc địa phận xã Tả Lèng huyện Tam Đường. Tuy nhiên, du khách có thể chinh phục tả Liên Sơn từ bản Sin Suối Hồ (Phong Thổ). Cũng theo cung đường lên Bạch Mộc Lương Tử, đến khoảng cây số 6 sẽ có đường mòn lên Tả Liên Sơn. Tổng quãng đường leo núi vào chừng 12 km. Phong cảnh Tả Liên Sơn rất hùng vĩ, hoa đỗ quyên nhiều vô kể. Từ trên đỉnh núi du khách có thể thấy trọn thành phố Lai Châu nằm gọn trong thung lũng./.

BMLT 1 KAZEHOA

Các đỉnh núi bồng bềnh mây từ lâu luôn là niềm đam mê bất tận của dân du lịch phượt và những ai muốn vượt qua giới hạn của bản thân, chinh phục những đỉnh cao mới.

Bài: Minh Châu

Ảnh: CTV 

 

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh