(XTDL) – Bạch Hạc (Việt Trì) là cửa ngõ của vùng Đất Tổ, nơi hợp lưu của ba con sông: Sông Hồng, sông Đà, sông Lô. Từ bao đời nay, Bạch Hạc như một điểm giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền với nhiều phong tục, độc đáo, trong đó tiêu biểu là lễ hội bơi chải truyền thống.
Lễ hội bơi chải ngã ba Hạc là cuộc tranh sức, tranh tài quyết liệt giữa các đội chải, tái hiện lại những chiến công thủy chiến lừng lẫy trên sông Lô.
Theo sử sách, từ thời Hai Bà Trưng, bãi Hạc và bến Tam Giang là địa danh có vị trí trọng yếu, là cửa ngõ trấn thủ phía Bắc. Cho đến thời nhà Trần, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là con thứ sáu của vua Trần Thái Tông được giao nhiệm vụ trấn thủ thành Bạch Hạc đã lấy bãi sông Bạch Hạc làm nơi luyện thủy quân, đóng chiến thuyền. Để ghi nhớ công ơn của ông cùng các tướng lĩnh, hàng năm cư dân trong vùng lại tổ chức tiệc bơi chải như để nhắc lại những chiến công thủy chiến lừng lẫy trên sông Hạc năm xưa. Sau này, bơi chải trở thành cuộc đua tài trí giữa các phe giáp nhân kỳ tiệc làng, được duy trì và trở thành lễ hội truyền thống gắn với lễ thức cầu mùa màng của các làng xã dọc hai bên bờ sông Hồng, sông Lô. Bơi chải ở ngã ba Hạc đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, mang tinh thần đoàn kết, thượng võ của ông cha thuở xưa.
Theo các vị cao niên, hội bơi xưa kia là các cuộc tranh tài giữa 6 chải bơi của 6 giáp trong làng, thuyền bơi được làm từ một cây gỗ trò đẽo liền, gọi là thuyền độc mộc, mỗi chải bơi có tới 24 khoang, mỗi khoang rộng từ 1m – 1,2m với 48 tay chèo cùng một người cầm lái, một người gõ mõ hiệu. Hội bơi được tổ chức giữa khoảng tháng 5-6 âm lịch, khi ấy các vùng lân cận bờ sông Hồng, sông Lô cùng tổ chức những kỳ thi chải nên được cư dân trong vùng gọi là tiệc bơi. Tiệc bơi của Bạch Hạc xưa được tổ chức vào mùa nước sông lên cao (20-5 âm lịch), do bơi vào mùa nước to, nên trong một tiệc bơi đã đắm mất hai thuyền của hai giáp, từ đó các bô lão trong làng đã quyết định tổ chức lễ hội vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch. Kích thước thuyền bơi và số người tham gia cũng được thay đổi gồm: 24 tay chải và người lái, 1 người mõ và 1 người tát nước. Từ xưa, lễ hội bơi chải Bạch Hạc đã có sức lan toả rộng rãi, tạo tập tục tại các địa phương theo dọc sông Hồng, song đến ngày nay chỉ có hội bơi chải Bạch Hạc được phục hồi. Những năm trở lại đây, không những là cuộc thi tài giữa các phe, giáp trong phường mà còn mở rộng, thu hút sự tham gia của các xã, phường lân cận trong và ngoài thành phố Việt Trì.
Tinh thần thượng võ, sức mạnh truyền thống cư dân Bạch Hạc được thể hiện rất rõ trong lễ hội.
Được tổ chức đúng vào dịp giỗ Tổ, hội thi bơi chải trên sông Lô ở Bạch Hạc đã dần trở thành một trong những hoạt động lễ hội không thể thiếu, góp phần mở rộng không gian lễ hội Đền Hùng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách về dự. Ông Nguyễn Văn Tư ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc dù đã ở tuổi thất thập, song năm nào ông cũng cùng con cháu về dự hội chải, ông chia sẻ: “Được chứng kiến các đội thi bơi chải như tái hiện lại cảnh các đoàn thủy binh dũng mãnh dọc ngang sông nước chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại bang giúp Vua giữ nước cũng như khai phá mở mang điền địa. Là người dân từ tỉnh khác nhưng năm nào cứ vào dịp này là tôi lại về đây xem bơi chải, tôi thấy hội thi rất khí thế, sôi nổi và hào hứng”.
Vượt qua thời gian, lễ hội bơi chải ở Ngã ba Hạc trở thành đại diện cho sức mạnh truyền thống của cư dân Bạch Hạc, nói riêng, thành phố Việt Trì và tỉnh Phú Thọ nói chung đồng thời là minh chứng cho sự lan tỏa và sức sống lâu bền của một giá trị văn hóa tốt đẹp vùng sông nước trong đời sống đương đại, cần được tiếp tục gìn giữ và phát huy, góp phần quý giá cho kho tàng văn hóa vùng Đất Tổ cũng như nhân lên giá trị của di sản văn hóa – Nghê thuật bơi chải của quốc gia. Lễ hội bơi chải trên sông Lô đã khơi dậy tinh thần tôn kính Tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo nên ý thức tinh thần đoàn kết, thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần của cư dân vùng sông nước, là dịp để nhân dân nêu cao tinh thần thượng võ dân tộc, luyện tay nghề, bản lĩnh và lòng dũng cảm đồng thời gửi gắm những khát vọng mãnh liệt của cư dân nơi ngã ba Hạc vào cuộc sống.
Nguồn: Thùy Phương – baophutho.vn