Sức sống của một lễ hội dân gian truyền thống

img2351-1520569525

Hội Phết Hiền Quan.

…Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, lễ hội là sự kiện tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần đối với cộng đồng (thần: Những nhân vật có thật trong lịch sử, hoặc chỉ là huyền thoại). Lễ hội cũng là loại hình sinh hoạt văn hóa, là sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành trong quá trình phát triển của lịch sử. Lễ hội là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau, kế thừa và phát huy các truyền thống quý báu của địa phương… Như vậy lễ hội dân gian truyền thống có ý nghĩa  lịch sử và nhân văn sâu sắc. Theo thống kê tại Việt Nam có trên 7.000 lễ hội dân gian, một trong số đó là hội Phết Hiền quan.

Thần phả ghi lại rằng, xã Hiền Quan – huyện Tam Nông ngày nay, hay Trang Song quan xưa thời các vua Hùng lập nước, có nhà sư tu tại chùa Phúc Khánh, tên gọi Thiều Hoa (có tài liệu nói bà họ Hoàng) đã bí mật triệu tập các tráng đinh Trang Song quan, dạy họ luyện tập võ nghệ tại khu rừng Cấm – Giếng Mỏ. Năm 40 sau công nguyên, khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc nhà Hán, đứng đầu là thái thú Tô Định, bà Thiều Hoa đã dẫn đội nghĩa binh tới Mê Linh giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc được Trưng phong là Đông cung công chúa và cử làm tả tướng tiên phong. Sau khi đánh đuổi được Tô Định, bà lại trở về chùa Phúc Khánh đi tu, trong một lần đi vi hành gần bờ sông Thao, một trận cuồng phong nổi lên, bà đã hóa tại đây (hiện nay là lăng Thiều Hoa – tại bờ sông Hồng). Hai Bà Trưng tiếc thương, sắc phong cho bà làm Phụ Vương công chúa. Nhân dân địa phương cảm nhận công lao của bà đã lập đền thờ bà tại nơi bà hóa (đền thờ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia cùng với chùa Phúc Khánh).

Cứ đến ngày 12,13 tháng giêng âm lịch hàng năm, dân làng mở lễ hội tế lễ, kéo quân, đánh phết, diễn tại tích xưa bà rèn luyện quân sỹ, để tưởng nhớ chiến công của bà.
Câu ca dao xưa “Dù ai buôn bán gần xa – Nhớ ngày hội Phết mười ba thì về còn đọng mãi trong các thế hệ.

Người dân Hiền Quan dù đi làm ăn, sinh sống ở xa nhưng hầu như không thể không thu xếp để bằng mọi cách về với lễ hội làng mình ngày 12, 13 tháng giêng. Phải chăng lễ hội dân gian truyền thống thực sự là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần của các tầng lớp dân cư được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mà ở đây giá trị văn hóa tinh thần chính là tinh thần thượng võ hòa cùng truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông, đã thấm vào từng mạch máu của con dân đất Hiền Quan nói riêng và con dân đất Việt nói chung.

Ngay cả trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất, lễ hội Phết Hiền Quan vẫn được diễn ra mặc dù phải “sơ tán” tới triền đồi dưới tán cây rừng rậm rạp. Tại đây tiếng sáo, tiếng nhị của điệu nhạc lưu thủy vẫn du dương, thành kính trong phần lễ, tiếng trống trận vẫn thúc giục trong phần hội, một không khí lâng lâng trong sắc xuân, đượm vẻ tâm linh, bất chấp bom rơi, đạn lạc.

Cũng chính từ giá trị sâu xa, đặc sắc của lễ hội Phết Hiền Quan, 2 năm 1999-2000, tỉnh Phú Thọ đã triển khai một đề tài khoa học (do Sở Văn hóa, Thể thao – Du lịch) làm chủ nhiệm đề tài, để nghiên cứu phục dựng lại lễ hội Phết Hiền Quan. Công trình nghiên cứu các nội dung cơ bản: Ném lao, rước tế và kéo quân, đánh phết. Công trình có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, văn hóa dân gian, quản lý Nhà nước ở cả Trung Ương và địa phương. Công trình đã được nghiệm thu và xếp loại xuất sắc, làm cơ sở cho triển khai lễ hội các năm sau.

Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện một số dư luận trái chiều, thậm chí có lúc gay gắt trên các phương tiện thông tin đại chúng về lễ hội Phết Hiền Quan, đặc biệt là những hình ảnh phản cảm ở nội dung cướp phết? Chúng ta cần bình tĩnh, khách quan phân tích trên cơ sở khoa học, thực tiễn và hợp lòng dân, tránh nôn nóng, cứng nhắc, phiến diện (vì đây là lễ hội truyền thống hàng ngàn năm nay).

Như chúng ta đã biết lễ hội truyền thống là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần của người dân (nhất là những giá trị có bề dày truyền thống, có thương hiệu, sức thu hút như hội Phết Hiền Quan). Cùng với sự phát triển của nền kinh tế – xã hội, đất nước ta những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu thưởng thức, du ngoạn càng cao. Bên cạnh đó dân số phát triển, hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện, vấn đề ở đây giờ không chỉ là một xã mà là liên xã, liên huyện đến với hội Phết Hiền Quan lượng người đến với lễ hội ngày càng đông.

Việc đơn giản một số nội dung của phần hội cũng gây ra hiệu ứng lan tỏa với đám đông. Ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập tới 2 nội dung là: Kéo quân và đánh phết. Theo trình tự, sau khi kết thúc phần tế lễ, sẽ diễn ra nghi thức kéo quân giữa 2 giáp Thượng và Hạ. Dẫn đầu mỗi đoàn là một cụ ông quắc thước đóng khố, cởi trần hoặc quần áo đỏ cầm cờ lệnh đuôi nheo, sau đó là nhóm thanh niên khiêng trống trận hò reo, thúc trống, dẫn đoàn trai thanh, gái lịch mang theo gươm đao, cờ lễ hò reo, chạy 3 vòng xung quanh đền rồi về hợp quân trước cửa đền chờ đón phết.  Nội dung kéo quân tạo đà cho nội dung đánh phết, nếu làm đúng nội dung này không khí hừng hực, trang nghiêm của lễ hội sẽ lan tỏa ra cả đám đông.

img9807-1520569549

Cướp Phết là tâm điểm của lễ hội và tương truyền những người cướp được Phết sẽ may mắn cả năm.  Ảnh: NGUYÊN AN

Ở nội dung đánh phết, có thể nói đây là linh hồn của lễ hội, là giờ phút được chờ đợi nhất của hàng vạn người tham gia trẩy hội. Theo sử sách truyền lại, đây là hình thức nữ tướng Thiều Hoa dùng để rèn luyện sức khỏe, ý chí bền bỉ, dẻo dai cho quân sỹ của Người. Sau khi đoàn kéo quân kết thúc đứng thành 2 hàng tề tựu trước cổng đền, chiếc lọng vàng rước cụ thủ Phết (giữa vòng tay rắn chắc của hàng chục trai làng vạm vỡ và đội gậy Phết hộ giá từ từ tiến ra bãi Phết, trong tiếng trống khoan thai, xen lẫn tiếng hò reo rất đặc trưng của hội Phết vang dậy một góc trời. Đứng trước hố phết và hàng trăm trai tráng cởi trần, lực lưỡng, đang hừng hực khí thế xung trận, cụ thủ phết sang sảng đọc lời hò phết:

…Tháng giêng, xuân tết 12, 13
Kéo quân, đánh phết tục lệ làng ta
Cầu mong Đức thánh phù hộ mọi nhà
May mắn người trẻ, sức khỏe người già
Đánh 3 bàn phết, ném ba bàn chúi…

Sau mỗi câu hò, đám đông lại đồng thanh một tiếng “Dạ” ran, âm vang cả cánh đồng. Quả phết được ném xuống lò, cuộc vật lộn của biển người để lấy được linh vật bắt đầu, vì theo tâm niệm ai cướp được quả phết người đó sẽ gặp may mắn cả năm, thậm chí chỉ cần chạm, sờ được vào quả phết đã là có lộc. Do vậy ai cũng cố gắng hết sức để đạt được mong ước của mình.

Nhìn đám đông rùng rùng chuyển động, biển người chen lấn, những tấm lưng trần lấp lánh dưới trời xuân (ngay cả những năm giá rét, mưa phùn), bỗng dưng trong lòng ta trào dâng cảm xúc lâng lâng, khí thế hào hùng của cha ông ngàn năm xưa vẫn truyền lại  cho cháu con hôm nay? Không phải ngẫu nhiên mà hàng vạn con người lại chôn chân hàng tiếng đồng hồ để háo hức chờ xem cảnh tượng này. Vấn đề là làm sao dẫn dắt được tính cộng đồng, hay nói cách khác là xu thế đám đông vào đúng quỹ đạo.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều người đi lễ hội, nhưng chưa biết về lịch sử lễ hội, các nghi thức, quy định của lễ hội. Điều đó cũng hạn chế phần nào đến nhận thức và hành vi ứng xử của họ. Ban tổ chức nên tăng cường tuyên truyền về lễ hội bằng các hình thức loa đài, tờ rơi cho du khách. Ngay trong khu vực không gian lễ hội có thể bố trí loa đài, tăng âm có công suất lớn để phục vụ. Không gian lễ hội của hội Phết Hiền Quan có thể mở rộng hơn nữa, đặc biệt là phát huy giá trị của các di tích lịch sử tại địa phương, làm phong phú thêm nội dung của lễ hội như: Chùa Phúc Khánh, Đình Hiền Quan, lăng Cửa Mả, lăng Cây Sòi… và mới đây là địa điểm lịch sử  rừng Cấm – giếng Mỏ, tạo thành tour tham quan, hướng dẫn du khách trước khi trở lại trung tâm hội Phết là đền thờ Đức Thánh Thiều Hoa.

Đảng bộ và nhân dân xã Hiền Quan có vinh dự được lịch sử giao cho gìn giữ những giá trị văn hóa, tinh thần vô giá của cha ông để lại. Để những giá trị truyền thống tốt đẹp của Hội Phết Hiền Quan không bị mai một rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành để những ý nghĩa cao đẹp của hội Phết Hiền Quan vẫn sống mãi trong lòng người dân địa phương du khách.

Nguồn: http://baophutho.vn

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons