Những điều cần chú ý khi đi thăm quan đền Bảo Hà

Đền Bảo Hà (đền ông Hoàng Bảy) là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia, nổi tiếng trong cả nước. Đây cũng là địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn du khách thập phương. Vậy bạn cần lưu ý điều gì khi tham quan khu du lịch này, hãy cùng tìm hiểu trong bài viêt dưới đây nhé.

Đền Bảo Hà là Khu di tích lịch sử – văn hóa quốc gia đã được Nhà nước xếp hạng vào tháng 11/1997, nằm cách thành phố Lào Cai khoảng 60km về hướng Nam, cách Hà Nội khoảng 220km về phía Tây Bắc. Ngôi đền ẩn mình giữa điệp trùng núi non hùng vĩ án ngữ là sông Hồng cuộn chảy đầy thơ mộng. Những buổi sương sớm đặc thù vùng cao, khi mặt trời lên, đền Bảo Hà sẽ dần hiện ra trước mắt du khách trong phảng phất khói nhang huyền ảo.

          Giữa niên hiệu Cảnh Hưng, Bảo Hà là trung tâm châu Văn Bàn. Trong thời Cảnh Hưng (1740-1786), giặc phương Bắc thường hay tràn sang quấy nhiễu, cướp bóc dân lành. Vì vậy xã Khấu Bàn, châu Văn Bàn cùng nhiều châu, xã lân cận đã phải xây dựng các thành luỹ kiên cố chống giặc. Trước cảnh đau thương tang tóc, lại có nguy cơ bị xâm lược, tướng Nguyễn Hoàng Bẩy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng Châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng đã tổ chức cho các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sỹ… Sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa (Yên Bái, Lào Cai ngày nay).

Sau này quân giặc phương Bắc lại đưa quân sang xâm lược bờ cõi, danh tướng Hoàng Bảy lại dẫn quân lên tham chiến. Song, trong một trận chiến không cân sức, ông đã anh dũng hy sinh. Giặc vứt xác ông xuống sông Hồng, và trôi đến Bảo Hà. Nhân dân trong vùng do ông Lư Văn Cù đứng ra tổ chức vớt xác ông lên chôn cất và lập miếu thờ.

          Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã ban sắc phong tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt” và đền thờ ông cũng được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là “Thần vệ quốc”. Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng Giêng…

Đền Bảo Hà có rất nhiều ngày lễ hội, trong đó những ngày lễ chính là: Lễ thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), lễ tiệc quan tuần tranh (25/5 Âm lịch), lễ hội ngày giỗ ông Hoàng Bảy (17/7 Âm lịch), lễ Tết muộn (Tết tất niên).

          Chính vì sự nổi tiếng và linh thiêng của ngôi đền, nên cứ đến mỗi dịp đầu xuân lại có hàng chục nghìn du khách thập phương đến tham quan và cầu ước những điều may mắn, an lành cho một năm mới. Vì vậy để có một chuyến du lịch tâm linh thật như ý, quý khách hãy cân nhắc những lời khuyên dưới đây để chuyến đi được trọn vẹn.

  1. Phương tiện:

Các bạn từ Hà Nội đi theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai, khi đến nút giao 279 thì rẽ theo biển chỉ dẫn khoảng 1km là đến với Bảo Hà. Nếu tính Hà Nội đi đền Bảo Hà bao nhiêu km thì quãng đường đi sẽ dài khoảng hơn 220km.

  1. Sắm lễ vật gì khi cúng đền Bảo Hà:

 Các bạn có thể mang lễ mặn như xôi, gà trống nguyên con… để đến lễ ông Hoàng Bảy. Lễ chay sẽ bao gồm: bia, rượu, nước khoáng, nước ngọt, trầu cau; … Lễ vật không nhất thiết phải sắm đủ, mà tùy vào điều kiện của mình, quan trọng nhất là bạn phải thành tâm. Nếu đường xa không tiện mang theo lễ thì ở cổng đền có nhiều hộ kinh doanh các lễ vật, bạn có thể mua trực tiếp ở đây.

  1. Trang phục khi đến đền Bảo Hà

Khi đi lễ đền Bảo Hà các bạn cần lưu ý lựa chọn trang phục phù hợp với không khí trang nghiêm nơi đây. Các loại trang phục nhã nhặn, lịch sự quần dài áo có tay là phù hợp nhất khi đến với nơi đây.

  1. Ăn uống

Trên đường vào đền Bảo Hà có nhiều nhà hàng phục vụ ăn uống bình dân nên các bạn không lo về khoản này nhé.

  1. Tư trang cá nhân

Do những ngày du xuân đầu năm, đền Bảo Hà rất đông du khách thập phương, nên các bạn chú ý tự bảo quản hành lý tư trang, tránh mất mát những ngày đầu năm mới.

  1. Các điểm tham gần đền Bảo Hà

Kết hợp tham quan đền Bảo Hà, du khách còn có thể tham quan các địa điểm du lịch gần đền như: Đền Cô Đôi Tân An (đền Cô Bé Thượng Ngàn), đồn Phố Ràng, chùa Phúc Khánh, tham quan khu di lịch Nghĩa Đô với hàng trăm nếp nhà sàn cổ…

Mong rằng những thông tin và lời khuyên trong bài viết sẽ giúp ích cho chuyến du lịch của quý du khách.

Trần Thành Tuân

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.