Các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Giáy nói riêng có nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như lễ “bắc cầu, cấy mệnh”, lễ hội xuống đồng, lễ đặt tên, lễ cúng thần làng, lễ gọi hồn, lễ gửi con nuôi. Trong các nghi lễ của người Giáy thì lễ gửi con nuôi cũng rất quan trọng đối với những đứa trẻ có số mệnh phải đi làm con nuôi.
Những đứa trẻ được sinh ra hay khóc, chậm lớn , lười ăn thì gia đình phải tìm thầy xem số mệnh, nếu đứa trẻ đó có số mệnh không hợp với bố mẹ thì phải làm lễ gửi con cho một người nào đó hay một dòng họ, một cây to hoặc phiến đá, hay con sông con suối tùy thuộc vào số mệnh của đứa trẻ. Lễ gửi con nuôi không phức tạp, nếu làm con nuôi của cây, phiến đá, sông suối thì buổi đầu đến xin gạo chỉ cần một bát gạo, một con gà trống, hai bát xôi nhỏ, hai chén rượu, hai đôi đũa, bánh kẹo hoa quả, đến chỗ gốc cây, phiến đá hay dòng sống, suối, thắp hương và đọc bài khấn xong là được. Những lần sau ra xin gạo cho đứa trẻ lại đến chỗ cũ mình lấy lần trước ở đó cũng làm như vậy nhưng không cần xôi, gà nữa. Chỉ vào ngày tết nguyên đán hay rằm tháng bảy mới cần có xôi, gà. Việc đi xin gạo này kéo dài cho khi đứa trẻ này ngoan, khôn lớn trưởng thành thì thôi. Đối với đứa trẻ gửi dòng họ hoặc người tuổi gì phù hợp với mệnh đứa trẻ, thì nghi lễ như nhau. Gia đình đến để thưa chuyện và xin gia đình của dòng họ đó một bát gạo về đổ lẫn vào thùng gạo nhà mình nấu cho đứa trẻ ăn. Khi đứa trẻ ngoan và không quấy khóc thì gia đình chọn ngày lành tháng tốt hoặc ngày rằm tháng bảy đến với gia đình của dòng họ đó làm lễ chính thức gửi con. Lễ gồm một đôi gà, một bó miến, một chai rượu, gạo nếp, bánh kẹo hoa quả. Những lễ vật này sau khi làm chín sẽ dâng cúng bàn thờ tổ tiên của dòng họ, gia chủ báo cáo tổ tiên từ giờ đứa trẻ này sẽ làm con cái của nhà ta, ông bà tổ tiên về đây chứng giám và phù hộ cho đứa trẻ hay ăn chóng lớn. Sau khi cúng xong gia chủ của dòng họ sẽ buộc vào cổ hoặc cổ tay cho đứa trẻ một sợi chỉ đỏ, gia chủ nào có điều kiện sẽ tặng cho đứa trẻ đó thêm một chiếc vòng bạc và đặt một cái tên mới cho đứa trẻ. Khi về gia đình của dòng họ lại cho một bát gạo mang về và một tháng hoặc hai ba tháng lại sang nhà bố mẹ nuôi để xin bát gạo đến khi đứa trẻ đó lớn hoặc về già tùy thuộc vào mệnh của đứa trẻ có người sang xin gạo nhà bố mẹ nuôi ăn đến hết đời.Từ đó, đứa trẻ lớn lên coi bố mẹ nuôi và các anh chị em trong gia đình như anh em ruột thịt của mình. Khi bố nuôi hoặc mẹ nuôi qua đời, trẻ phải để tang và có mâm cỗ phúng viếng.
Lễ gửi con nuôi của người Giáy là một nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa sâu sắc muốn nhắc nhở con trẻ phải biết ơn cha mẹ nuôi dưỡng sinh thành. Vào những dịp lễ tết hoặc ngày rằm là thời gian thích hợp để làm nghi lễ gửi con nuôi vì những ngày này người Giáy quan niệm là ngày tốt như vậy đứa trẻ sẽ ngoan và hay ăn chóng lớn.
Kim Anh