Làng nghề Nón lá Gia Thanh – Điểm đến hấp dẫn du khách

Làng Rền, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh là một địa danh nổi tiếng của tỉnh Phú Thọ với Di chỉ khảo cổ xóm Rền nơi minh chứng nền văn hóa của cư dân thời kỳ đầu Hùng Vương dựng nước. Nơi đây còn nổi tiếng với nghề làm Nón lá có từ lâu đời. Cách Khu di tích lịch sử Đền Hùng 20 km theo ngược dòng sông Lô, Gia Thanh là một vùng quê yên bình nằm ven Sông Lô hiền hòa thơ mộng, bên cạnh những con đường quanh co dẫn vào làng là cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay đang vào thì con gái, những ngôi nhà ngói nằm san sát bên nhau tạo nên bức tranh làng quê yên bình thơ mộng. Du khách đến nơi đây còn nhận được sự đón tiếp nồng hậu, lòng mến khách, thân thiện của người dân. Không biết làng nghề làm nón Gia Thanh đã có từ bao giờ, nhưng theo người dân thì nghề làm nón ở địa phương đã có ngót gần trăm năm nay.

Làng Rền thuộc khu 3 xã Gia Thanh có tới hơn 80% số hộ và nhân khẩu làm nghề đan nón. Từ các cháu nhỏ 7- 8 tuổi, đến các cụ già 70 – 80 tuổi đều có thể cầm kim khâu nón. Tuy nhiên, người dân nơi đây ngoài làm nghề làm nón còn sản xuất nông nghiệp và làm dịch vụ.

09

Nối nghiệp ông bà – Ảnh: Nguyễn Thị Hải Yến

Hiện nay, làng Rền lúc nào cũng tấp nập và nhộn nhịp, nhà nhà vừa sản xuất làm nón vừa đón khách du lịch tham quan, đặc biệt khách du lịch quốc tế rất thích thú khi được trải nghiệm các công đoạn làm nón nơi đây. Mỗi gia đình giống như một xưởng sản xuất nhỏ, và để làm ra được một chiếc nón người làng nón phải trải qua rất nhiều công đoạn như tìm chọn mua nguyên vật liệu, làm vanh, là lá, quay khâu, nức, nhôi, sấy… Trong đó, khâu là một công đoạn rất khó bởi không khéo lá sẽ rách, và khi lá rách thì không thể làm được. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài, những đường kim thẳng tắp vừa cố định những vanh tròn và lá vừa như trang trí tạo sự độc đáo cho chiếc nón. Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm sinh làm cho màu nón trở nên trắng muốt và không bị mốc. Khi những chiếc nón đã được hoàn thiện thì người thợ nón thêm một lần nữa quăng dầu phủ bên ngoài nón giúp cho chiếc nón được bóng và không bị thấm nước.

Những người dân Gia Thanh, ngày đêm miệt mài chăm chút cho từng thành phẩm nón lá thêm duyên dáng, mang đậm chất liệu quê hương để thấy được tình yêu và sự say mê với nghề truyền thống của mỗi người dân nơi đây. Chiếc nón lá Gia Thanh  đã và đang góp phần bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của làng Rền một sản phẩm đặc trưng của miền quê rừng cọ đồi chè.

Qua thực tế từ các đoàn khách du lịch quốc tế đến thăm nơi đây, có thể nhận thấy rằng điểm đến làng nghề Nón lá Gia Thanh rất phù hợp với loại hình du lịch trải nghiệm làng nghề cho du khách quốc tế  và ngày càng nhận được sự quan tâm của du khách thập phương.

11

Du khách đến làng nón Gia Thanh – Ảnh: Nguyễn Việt Thắng

Làng nón Gia thanh đã và đang trở thành điểm thu hút khách du lịch tham quan và trải nghiệm mỗi dịp trở về Đất Tổ Vua Hùng. Đây là một hướng đi mới trong công tác bảo tồn các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Nhàn – Trung tâm TTXT Du lịch

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons