Khám phá nét văn hóa độc đáo của người Nùng Dín Mường Khương (Lào Cai)

Người Nùng Dín sống rải rác ở các tỉnh miền núi phía Bắc, ở Lào Cai sống chủ yếu ở huyện Mường Khương. Văn hóa truyền thống của người Nùng Dín vô cùng độc đáo và đậm đà bản sắc. Hãy cùng Du lịch Lào Cai khám phá những nét văn hóa độc đáo đó.

Người Nùng Dín ở huyện Mường Khương sống chủ yếu ở tất cả các xã nhưng nhiều nhất ở các xã Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương. Nói đến văn hóa truyền thống độc đáo của người Nùng Dín phải kể đến những nét đẹp cần được lưu giữ và bảo tồn như: nghề làm tranh cắt giấy, trang phục, ẩm thực nổi tiếng với xôi bảy màu.

Nghề làm tranh cắt giấy của người Nùng Dín huyện Mường Khương đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 3820/QĐ-BVHTTDL ngày 31/10/2013. Nghề làm tranh cắt giấy là một nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu và sáng tạo, gắn liền với nghi lễ quan trọng trong chu kỳ vòng đời của mỗi kiếp người. Thông thường, bộ tranh cho một đám tang bao gồm: nhà táng, cây tiền, những bức trướng, ngựa giấy,… Nhà táng (rân sả) tượng trưng cho một cơ ngơi khang trang, một cuộc sống đầy đủ, là những gì mà người sống mong muốn làm cho người đã khuất; cột tiền (ẳn xả) hay còn gọi là cây tiền cho người chết, với mong muốn người chết có được cuộc sống giàu sang phú quý; những bức trướng “chỉ vần đứng”, “chỉ vần ngồi” để tỏ lòng tiếc thương người qua đời. Dân tộc Nùng Dín có nhiều phong tục trong đó có điệu múa ngựa giấy chứa đựng nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Ngựa là con vật quen thuộc không chỉ giúp đồng bào vận chuyển hàng hóa mà còn  là con vật thiêng trong tín ngưỡng dân gian của người Nùng Dín, là con vật chuyên chở hàng hóa khi người quá cố về thế giới bên kia.

Bên cạnh đó, Những bộ trang phục đẹp, tinh tế cũng góp phần tạo nên những nét văn hóa riêng của người Nùng Dín. Trang phục của người Nùng Dín bằng vải nhuộm chàm, có màu tím than, trông có vẻ đơn gian nhưng để có một bộ trang phục truyền thống đẹp đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ và đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Nùng Dín. Gam nền bộ trang phục có màu tím than, cài thêm những đường nét hoa văn được cách điệu bằng kim loại bạc. Người phụ nữ Nùng Dín thường quấn hai lớp khăn trên đầu, tạo thành hình múi. Đuôi khăn được buông xuống vai. Với ý nghĩa thể hiện coi “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, bởi vậy khăn được vấn sao cho giống hai chiếc sừng trâu hai bên. Hoa văn được trang trí chủ yếu trên cổ, nẹp áo và tay áo, là những họa tiết hình vuông, hình quả trám, xếp thành hình tam giác liền kề nhau. Những hoa văn ở khuy cổ áo được làm bằng bạc có hình con bướm hai bên gắn các tua hình tam giác tạo nên sự độc đáo cho trang phục. Còn chiếc váy hình chóp cụt, cạp được cắt ghép 12 màu vải khác nhau tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Bộ trang phục không thể thiếu trang sức đi kèm như vòng cổ, khuyên tai bằng bạc. Khuyên tai, vòng cổ được cài những chùm tua xúc xích, đuôi có hình tam giác, hình con cá, con bướm, được trạm trổ tỉ mỉ và tinh xảo.

   Ảnh trang phục phụ nữ Nùng Dín

Một trong những nét văn hóa độc đáo mà bất cứ ai cũng muốn khám phá đó là nghệ thuật pha chế màu thực phẩm được thể hiện qua món xôi bảy màu. Trong các dân tộc thiểu số ở huyện Mường Mương, dân tộc Nùng Dín có nhiều kinh nghiệm trong pha chế màu thực phẩm từ cây cỏ phong phú và độc đáo. Món xôi bảy màu thường được chế biến vào dịp tết Nguyên Đán và tết tháng 7 (mùng 01 tháng 7 âm lịch), đây chính là tết truyền thống của người Nùng Dín. Xôi bảy màu không chỉ có giá trị ẩm thực mà còn có ý nghĩa tâm linh, văn hóa sâu sắc gắn với lễ hội và tết mùng 01 tháng 7 âm lịch của người Nùng Dín, nó tượng trưng cho 7 tháng người Nùng Dín đoàn kết chống giặc ngoại xâm giữ bản làng. Để chế biến ra món xôi màu với bảy màu vô cùng thơm ngon, màu sắc hấp dẫn, người phụ nữ Nùng Dín ở Mường Khương sử dụng các cây cỏ để nhuộm màu, trong đó có nhiều cây là cây thuốc. Từ các loại cây lá này, bà con rửa sạch sau đó mỗi loại cho vào nồi, đổ nước sâm sấp đun sôi khoảng 20 phút chắt lấy nước để nguội. Nếu muốn màu đỏ thì lấy cành lá cây cẩm đỏ, màu tím thì lấy cây cẩm tím, cây cẩm gạo cho màu xanh… Gạo để nấu xôi là loại gạo nếp nương hạt to, dài. Gạo được vo sạch ngâm riêng trong các nước màu của cây lá trong khoảng 6-8 tiếng, sau đó được đãi lại để ráo rồi để riêng mỗi màu một góc trong chõ đồ xôi và đồ lên trong khoảng hơn một giờ sẽ được chõ xôi thơm ngon, màu rất đẹp.

Xôi màu với màu sắc hấp dẫn

Nếu du lịch Mường Khương, bạn hãy dành thời gian để khám phá những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Nùng Dín. Những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đậm đà bản sắc và mang nhiều ý nghĩa đã, đang và sẽ góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa các dân tộc ở Lào Cai.

Lưu Vân Anh

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.