HỒN CỌ NGHĨA ĐÔ

Tác giả: Nguyễn Thị Tố Hữu

——–

Dù không sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nghĩa Đô, như hẹn trước tôi muốn trở về miền quê thanh bình, nơi có nếp nhà sàn, có cánh đồng lúa và dòng suối Nậm Luông. Muốn được thả mình dong chơi trên con đường bê tông ngắm đồi cọ xanh rì. Mùa này, hoa cọ nở rộ, mùi thơm của hoa tỏa hương ngan ngát, dịu nhẹ len khẽ khắp thung trời bản Tày.

Người già trong làng kể rằng, không biết cọ có từ bao giờ, khi sinh ra đã thấy cọ mọc ở xung quanh nhà, cọ sinh con, sinh cháu, lớn lên nở hoa kết trái đơm thành rừng cọ. Để rồi, bây giờ mỗi gia đình bản Tày đều có đồi cọ sau nhà gắn bó thân thuộc, yêu cọ, yêu bản làng như yêu chính cuộc đời mình vậy.

Tôi muốn viết về cọ như đề tài muôn thuở để mỗi lần ai đó nhắc về Nghĩa Đô, về miền quê thanh bình là nhớ về cây cọ, nhớ về loài cây che nghìn nắng lửa. Một năm có 12 tuần trăng thì cọ cũng cho đời 12 lá xanh dày, với những chiếc cuống dài hơn hai mét, xòe rộng rợp kín cả bầu trời. Lá cọ ken dày, kết chặt làm nên những mái nhà dãi dầu mưa nắng, chở che cho bao thế hệ.

Vòng đời cây cọ như vòng đời người con Nghĩa Đô. Một đời người lợp nhà không quá ba lần; những thân cọ già, ngả xuống lại có cây mới chồi lên, cứ thế năm này qua năm khác cọ sinh sôi, ôm ấp bao bọc lẫn nhau như tình bản làng tối lửa tắt đèn có nhau.

Những năm cuối 1940, trên mặt trận đồn Nghĩa Đô, rừng cọ bảo vệ dân làng, bảo vệ Nghĩa Đô trước thực dân pháp. Cọ chứng kiến quân chủ lực E165 Lao Hà, trung đội du kích thường trực B70 mở cuộc tập kích quyết liệt, phá vỡ tuyến phòng thủ của tay sai Pháp; trước bom đạn, rừng cọ hiên ngang, bất khuất không cây nào bị thương, cùng nhân dân vui mừng trong niềm vui giải phóng.

Những ngày chưa có điện lưới Quốc gia chạy qua bản, vào ngày hạ trời nóng như nung. Bà chạy ù lên sau nhà chặt vội tàu cọ chia làm hai mảnh quạt, giữa luồng gió như qua hầm nung, bà phẩy phẩy cái quạt cọ, thế là có luồng gió mát dịu khiến mấy anh em chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm, ngủ say giấc ban trưa.

Đi qua những ngày nắng hạ, những ngày mưa năm nào cọ cùng đám trẻ tới trường; che cho đám chúng bạn ngày ngày mang cái chữ về nhà; giờ đứa nào đứa ấy trưởng thành đi xa trở về, có ai còn nhớ những buổi chiều lao động vác chổi cọ từ nhà đến lớp quét lá bàng trước sân. Mỗi lần mưa như thế, tôi lại thích được một lần trở về tuổi thơ, đứng dưới tán cọ ngắm mưa, nghe tiếng mưa rơi ào ào vào rừng cọ đêm đông.

Khách phương xa về thăm Nghĩa Đô, bao lần hẹn lại trở lại không chỉ bởi ấn tượng chiếc ô xòe lá cọ, còn bởi cọ thân thương là mầm sống của bản Tày. Nhớ về buổi khói lam chiều thơm lừng mùa xôi cọ, những quả cọ nếp dẻo mịn, với hạt lúa nếp hạt tròn tạo bữa ăn không nơi nào có được. Khi còn non, cọ hình trái xoan, xinh xắn và xanh bóng như những viên ngọc bích. Sau chúng chuyển dần sang màu cô ban và đến tháng mười một âm, cọ bắt đầu chín, vỏ nhấp nhánh màu tím than. Vào mùa cọ chín, bố thường trèo lên những bẹ cọ già, chặt từng buồng rồi dùng dây thừng thả xuống. Những quả màu da tím than, nhẵn bóng, căng tròn, cùi dày vàng như sáp ong non, khi nhấm thử thấy dẻo, ít chát … chính là cọ nếp.

Tôi về Nghĩa Đô đúng dịp hoa cọ nở rộ, những chùm hoa nở, tựa như cành san hô, tỏa hương ngan ngát, dịu nhẹ khắp bản làng. Từ bản Kem đến bản Hốc, bản Đon trên con đường bê tông tỏa ra khắp ngả, du khách đi bộ thong dong có thể bắt gặp hình ảnh từ xa những chùm hoa cọ trắng ngà, tua rua rủ xuống nền thác.

Dẫu không phải miền đất trung du quê cọ, nhưng Nghĩa Đô bạt ngàn cọ, xanh thẫm dưới chân núi và ven cánh đồng giữa lòng thung. Nắng ngọt tháng ba dịu dàng, từng nếp nhà sàn lợp cọ, tỏa khói lam chiều đang dần đi vào ký ức nhưng Nghĩa Đô vẫn giữ được những vạt cọ, cọ không chỉ che nắng che mưa; cọ giờ đã cùng bản làng làm du lịch, dẫn du khách thập phương vào khu du lịch cộng đồng.

Có những lúc mệt mỏi hay buồn phiền là lúc muốn được trải lòng trở về với cánh đồng lúa, với con suối nhỏ, ngắm nhìn vạt cọ, với nắng sớm bình mình trong trẻo thắp lên những khao khát được dang rộng cánh tay, cất cánh khát vọng của bình yên, của yêu thương.

Mặt trời kề núi Khau Phạ, bóng nắng mờ dần. Khói lam chiều bên bếp lửa yêu thương mờ dần, những hàng cọ du lịch khuất dần sau núi. Một ngày trôi qua ở Nghĩa Đô, tôi luyến tiếc. Tôi ấn tượng về vùng đất thung lũng nằm sâu trong lòng núi Tây Bắc đậm chất văn hóa bản địa. Ở đây, chủ yếu đồng bào Tày sinh sống, những nếp nhà sàn lâu đời lợp bằng mái cọ trường tồn với thời gian.

Những người phụ nữ Tày mặc áo chàm, vấn khăn, đeo xà tíc dịu dàng đón khách, mời rượu từ chân cầu thang. Họ khéo léo mời du khách thưởng thức nhiều ẩm thực độc đáo mang đậm bản sắc như: Xôi ngọn cọ chấm gừng, nhộng cọ, vịt lam ống nứa, xôi bảy màu, cá nướng hai lửa, thịt gà canh kiệu…Tôi thích cách ứng xử từ tốn, mời khách của con người nơi đây.

Đêm, ánh trăng vằng vặc, những đồi cọ và cánh đồng lúa như tắm dưới ánh trăng, tôi nghỉ bên nếp nhà sàn homestay, có bếp lửa yêu thương ấm áp, có tiếng cười giòn tan của người phương xa mới về bay qua mái cọ, tôi ngả đầu vào mùa xuân, mùi thơm dịu nhẹ của loài hoa cọ len khẽ khắp thung trời bản Tày Nghĩa Đô./.

(Bài viết mang tính chất tuyên truyền về du lịch Nghĩa Đô, là cảm nhận của tác giả cùng đoàn công tác về Nghĩa Đô)

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.