Đón tết cùng đồng bao vùng cao có gì thú vị

Tết cổ truyền có ý nghĩa thiêng liêng với các dân tộc Việt Nam, là dịp để các gia đình đoàn tụ quây quần bên nhau. Nhưng đón tết cùng các đồng bào các dân tộc ở Lào Cai thì có rất nhiều điều thú vị. Cùng mình tìm hiểu xem những phong tục này là gì nhé

Tết của người Giáy

Tết của người Giáy trùng với Tết Nguyên đán của người Kinh nhưng vẫn có những nét đặc sắc riêng, được thể hiện ở các nghi thức, tập tục đón năm mới và đặc biệt là ẩm thực trong những ngày Tết.

Cứ vào ngày 15 tháng chạp hàng năm. Người Giáy có câu “si sịp há, si xả siêng” có nghĩa là bánh dày 15 là bánh dày chờ đón tết. Ngày này nhà nào cũng giã bánh dày dâng báo cúng tổ tiên một năm mới sắp đến rồi.  Ngoài ra người Giáy còn có tết ông công, ông táo như truyền thống của dân tộc Việt Nam,  nhưng lại đơn giản hơn chỉ cúng bằng bánh trôi trắng không hoa quả, không cá chép nhưng cũng đủ ấm cúng của không khí ngày sắp tết.

Trong ngày tết Nguyên Đán của người Giáy lại khá cầu kỳ và nhiều điều kiêng kị. Sau khi làm xong các loại bánh và dọn dẹp để bày biện trên bàn thờ tổ tiên, từ chiều 30 tết, mọi người tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới chuẩn bị đón tết. Người Giáy ở Lào Cai có tục thức cả đêm 30 tết để đón ông bà, tổ tiên. Từ chiều tối 30 tết, hương, nến được thắp lên và giữ liên tục không được tắt cho đến lúc lễ hóa vàng xong. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Giáy cũng có tục đón linh hồn tổ tiên về trước Giao thừa và cúng lễ hóa vàng để tiễn ông bà về trời. Tuy nhiên, thay vì các gia đình tùy chọn ngày hóa vàng phù hợp thì người Giáy hóa vàng theo ngày cố định của dòng họ. Một số làm lễ hóa vàng vào chiều mùng 1 tháng Giêng như họ Hoàng, họ Nông, một số dòng họ khác như người họ Sầm (Sần) đến ngày mùng 3 mới làm lễ. Giải thích về sự khác biệt này, các già làng, trưởng bản cho hay, ngày xưa mỗi dòng họ đều phải cử người lên thay nhau canh giữ miền biên ải nên người lên trước được về ăn Tết trước, người lên sau về ăn Tết muộn hơn.

 Điểm độc đáo nữa trong nghi lễ đầu năm của người Giáy là Lễ hội xuống đồng. Người Giáy, làm lễ xuống đồng vào ngày Thìn của đầu năm mới sẽ được rồng phun mưa cho ruộng lúa tốt tươi, không bị hạn hán. Nếu ngày Thìn đầu năm trùng với ngày tết, lễ xuống đồng sẽ được lùi lại vào ngày Thìn tiếp theo. Mỗi gia đình trong thôn sắm sửa một mâm cúng gồm thịt lợn, gà, bánh khảo, bánh bỏng và hương hoa mang ra đặt ngoài đồng, nơi tổ chức lễ.Tại đây, mọi người sẽ cùng thắp hương khấn vái cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.

Bàn thờ ngày tết của người Giáy (ảnh: Kim Anh)

Tết của người Mông Sa Pa

Theo truyền thống tết của người Mông diễn ra từ ngày 25 tháng chạp (theo lịch người Mông) là thời điểm mọi người đem lễ đến “trả ơn” cho thầy thuốc, thầy dạy khèn, thầy cúng để tỏ lòng biết ơn. Tuy nhiên, ngày nay đa số người Mông đều ăn Tết Nguyên Đán như người Kinh, chỉ trừ một bộ phận nhỏ,  họ vẫn duy trì song song Tết theo hệ lịch riêng của họ.

Ngày 25, 26 tháng Chạp, người Mông bắt đầu nghỉ ngơi chuẩn bị đón Tết. Khi đó, họ dán giấy đỏ tất cả các công cụ sản xuất, với ngụ ý các công cụ cũng được nghỉ ngơi. Cối xay ngô cũng phải tháo rời ra.

Trước đây người Mông không gói bánh chưng. Bây giờ thì gói, nhưng bánh chưng không nhất thiết có trong cỗ tết của họ. Món ăn không thể thiếu trong ngày tết là thịt gác bếp, mèn mén, cải xanh, ớt nướng làm muối chấm trong bữa ăn… Người Mông không đón giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mồng một mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Sáng mùng 1, mọi người được ngủ thẳng giấc mà không ai được đánh thức. Người Mông quan niệm rằng đây là giấc ngủ đầu năm, nếu đang ngủ mà bị gọi dậy tức là gọi sâu bọ về, cả năm  mùa  màng sẽ thất bát.

Ngày mùng 2 là ngày đồng bào dân tộc Mông thực hiện nghi lễ “lạy tết”. Với những người con gái khi đi lấy chồng và những ai nhận bố mẹ nuôi thì ngày tết là dịp để trả ơn cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi. Trong ba năm đầu khi về nhà chồng, mỗi năm vào ngày mùng 2 tết, người con gái sẽ được cha mẹ chồng đưa về để “lạy tết” cha mẹ ruột.  Họ tin rằng nếu con gái không lạy tết thì không đúng thủ tục, khi sinh con đẻ cái sẽ không thuận lợi .

Lễ hội đầu năm của người Mông là Lễ hội Gầu Tào. Mỗi năm, một gia đình trong bản sẽ được giao làm chủ lễ để tổ chức lễ hội vui chơi tết cho cả bản. Bắt đầu từ ngày 26 tháng chạp, chủ lễ sẽ đốn một cây mai to hoặc cây tre to, chặt nhánh, chỉ chừa nhánh ở chín đốt trên ngọn rồi đem ra bãi đất chọn sẵn cắm xuống làm cây nêu báo hiệu cho mọi người biết nơi này sẽ diễn ra lễ hội đầu năm mới. Ngoài phần nghi lễ là các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đánh cù, hát giao duyên, múa khèn.

Ngày xuân trên bản Mông (ảnh: Huy Trung)

Tết Người Dao Đỏ

Đối với người Dao, vàng mã để cúng tổ tiên ngày tết không được mua ngoài chợ, mà phải tự tay làm sau khi đã được người trưởng họ đóng dấu ấn triện của dòng tộc. Đêm giao thừa, các thành viên trong gia đình đều phải tắm rửa sạnh sẽ, mặc quần áo đẹp để làm lễ cúng tổ tiên. Họ xếp hàng trước bàn thờ, người con trai cả đã được cấp sắc chủ trì buổi lễ. Sau khi thắp hương xong, mỗi người uống một ngụm nước cúng, thể hiện lệ tục tổ tiên ban phúc lộc. Nửa đêm, họ cùng nhau đánh trống, gõ mõ, gõ chiêng nhằm xua đuổi tà ma ra khỏi nhà. Người Dao cũng có phong tục đi hái lộc đầu năm. Đúng giao thừa, gia chủ chọn bẻ một cành lộc xanh tươi dắt trên mái nhà và ngoài cổng, hàm ý năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, thành đạt. Ngày tết người Dao hay làm bánh gù, bánh sừng bò gói lá chít. Về đêm, họ tụ tập, tổ chức hát giao duyên “ông quan làng, bà quan làng”. Đến ngày mồng hai, trước khi đi chơi ở đâu, người Dao đều phải đến nhà ông trưởng họ cúng Tết nhảy để cầu cho các thành viên gia đình luôn gặp nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào.

Ngày nay, dù cuộc sống đã nhiều thay đổi, nhưng phong tục tập quán trong những ngày tết cổ truyền vẫn được giữ gìn, tạo sự hấp dẫn thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, hiểu thêm về phong tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đầu xuân là dịp để du khách đi du xuân và trải nghiệm tết của đồng bào Lào Cai.

Hoàng Thị Kim Anh

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.