Đến với mảnh đất Lào Cai yêu thương ngoài những món ăn đặc sản sẵn có như cá Hồi, cá Tầm, lợn bản, gà đen, thịt trâu sấy, lạp sườn… thì các món rau hái từ rừng luôn được du khách yêu thích ăn một lần là nhớ.
Măng sặt luộc
Đâu tiên phải kể đến đó là món rau Rau dớn đây là một loại rau có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon khác nhau, vừa đơn giản mà vô cùng hấp dẫn như rau dớn xào thịt bò, nộm rau dớn, rau dớn xào tỏi ớt hay như người Giáy thì hay chế biến món rau dớn xào với một chút mẻ, ớt xanh, tỏi rất thơm ngon, mùi vị rất hấp dẫn khó quên. Loại rau này thường sống ở những nơi như khe suối, đồi núi có độ ẩm cao, rau dớn có hình dáng giống như cây dương xỉ, đâm chồi vào mùa xuân đến mùa hạ. Rau dớn được xem là một loài rau đặc sản vùng miền của người dân vùng cao Tây Bắc. Tuy nhiên, rau dớn khi đã hái nếu không được dùng luôn sẽ không giữ được độ tươi ngon, mất vị ngọt của rau. Do vậy, rau dớn chỉ hái ăn vừa đủ, sẽ cảm nhận được độ ngon ngọt của rau. Người ta miêu tả lại rằng nhìn từ xa xa những cây ven rừng, bờ suối rau dớn đơm trồi, vươn mình ra với những chiếc vòi non vươn thẳng, hướng lên cao, lá rau dớn xoắn lại nhìn như những cô thiếu nữ còn ngái ngủ vào những sớm mai. Những ngọn rau dớn ở sát mặt đất nhìn giòn ngon, non tươi, đấy nhựa sống.
Rau dớn món ngon từ rừng
Nói đến những món rau từ rừng không thể thiếu đó là món măng vầu. Người miền núi thường tự hào rằng chẳng bao giờ sợ đói khát mỗi khi đi lên rừng, chỉ cần tìm thấy khóm măng, dùng dao xén ngay phần gốc măng là có món ăn và chống khát. Để lấy được những củ măng non ngon ngọt đầu mùa, người dân vùng cao phải dùng cuốc, xẻng đào sâu vào lòng đất, khi những búp măng chưa kịp nhú lên khỏi mặt đất. Về cuối mùa, măng nhú càng cao sẽ có vị đắng. Măng vầu chế biến được nhiều món ăn, tùy khẩu vị của người thưởng thức. Măng có thể luộc chín chấm mẻ chua, măng tươi xào gà, vịt, hay bẹ măng đắng gói trứng kiến, cuốn thịt đều rất ngon và bổ dưỡng. Những món ngon chế biết từ măng chắc hẳn du khách miền xuôi ăn một lần sẽ nhớ mãi vị bùi, ngọt của măng.
Măng vầu đắng xào mẻ ớt
Khi nhắc đến món rau củ khởi hay còn gọi là (khởi tử) chắc hẳn nhiều người không biết đến loại rau này. Loại rau này trước kia mọc hoang nhiều người dân mang về trồng làm hàng rào vì loại rau này có gai, lá nhỏ, thân ken dày. Sau này nhiều người mang ra nấu làm thức ăn thấy có vị hơi đắng ngòn ngọt và mùi thơm đặc trưng có tác dụng giải nhiệt, giải độc. Rau củ khởi thường nấu với nước xương hầm hoặc thịt băm loại rau này không nên để lâu trên bếp canh sẽ bị nồng và mất mùi thơm của rau. Canh rau củ khởi ăn nóng và nguội đều rất ngon. Khi mới ăn có cảm giác hơi đắng ở đầu lưỡi, nhưng sau có vị ngọt bùi đọng lại, khiến người ăn không ngán. Canh rau củ khởi rất tốt cho sức khỏe phụ nữ, trẻ em, bởi loại này rất bổ máu là vị thuốc chữa say rượu, giải nhiệt rất hiệu nghiệm. Chính vì vậy, du khách khi đến Sa Pa – Lào Cai đều rất thích ăn rau củ khởi và mua về làm quà tặng người thân.
Rau củ khởi (ảnh sưu tầm)
Rau ngót rừng còn có tên gọi là cây mì chính thường có vào mùa hè với hình dáng và vị tương đối giống với rau ngót ta nhưng lá dài và mảnh hơn, vị đậm đà hơn rau ngót ta trồng. Rau ngót rừng này có màu xanh thẫm, óng ả, mỡ màng, chứa hàm lượng protit và acid amin cao hơn hẳn các loại rau khác đặc biệt rất bổ cho những phụ nữ mới sinh và người mới ốm dậy, loại rau này còn được coi là một vị thuốc chữa bệnh đường ruột rất tốt.
Rau ngót rừng có thể chế biến làm các món như nấu thịt băm, xào thịt bò, nấu canh cua, nâu canh tôm… đều rất ngon nó có vị ngọt thanh mát vừa rất tốt cho sức khỏe. Đây thực sự là những món rau rừng được thiên nhiên ban tặng, ăn là nhớ mãi không quên hương vị của nó.
Con người đã khám phá, đã nhân rộng, đã biết sử dụng và phát huy hết hiệu quả của các loại rau từ rừng. Nếu có dịp lên vùng cao Lào Cai bạn nhớ thưởng thức các loại rau lấy từ rừng vừa dùng làm các món ăn, vừa là vị thuốc dân gian chưa bệnh tốt cho sức khỏe ./.
Bài: Hoài Thu
Ảnh Kim Anh