Cùng tìm hiểu ý nghĩa thú vị một số địa danh ở Bắc Hà, Lào Cai

Chắc hẳn bất cứ ai đã từng đặt chân tới Lào Cai đều đã từng ghé đến Bắc Hà – Một mảnh đất bình yên nhưng cũng chứa đựng biết bao điều thần bí. Tôi tự hỏi, có khi nào du khách thắc mắc tại sao lại là Bắc Hà, vì sao lại gọi Tà Chải hay Thải Giàng Phố có nghĩa là gì chưa? Hãy cùng tìm hiểu những điều thú vị đằng sau những cái tên đó theo quan niệm xa xưa nhé!

Cái tên Bắc Hà xuất phát từ tiếng Tày “Pạc kha” có nghĩa là ” một trăm bó gianh”. Tương truyền rằng, ngày xưa trên núi Ba mẹ con (Một ngọn núi biểu tượng của Bắc Hà) có rất nhiều ong, để đi qua đó được người dân phải đốt những bó gianh thật lớn để đuổi ong. Cái tên Pạc kha đã ra đời một cách dung dị như thế. Vào thời thuộc Pháp, người Pháp ghi lại âm Pạc kha bằng chữ cái latinh thành Pakha. Sau này người Việt đọc lại thành Bắc Hà rồi trở thành tên gọi chính thức của vùng đất này.

Những địa danh khác của Bắc Hà đều bắt nguồn từ phiên âm tiếng Quan Hỏa. Như tên Bản Phố cũng vậy, Bản có nghĩa là bán hay còn gọi là một nửa, phố nghĩa là con dốc. Bản Phố có nghĩa là nằm trên lưng chừng một con dốc, cứ như vậy làng người Mông ở đây được đặt tên là Bản Phố, là làng nằm trên lưng chừng dốc. Giờ đây mỗi khi nhắc đến Bản Phố người ta nghĩ ngay đến một bản làng nổi tiếng với nghề nấu rượu ngô nổi tiếng.

 Cách trung tâm huyện Bắc Hà tầm 2km là xã Tà Chải. Tà Chải có nghĩa là làng lớn. Trước đây, khu vực này đông dân cư, là ngôi làng lớn nhất ở đây. Bởi vậy người ta lấy đặc điểm nổi bật này để đặt tên cho làng. Ngày nay, mỗi khi nhắc tới địa danh này du khách sẽ không thể nào quên những điệu xòe, điệu múa đàn tính hay Lễ hội xuống đồng của người Tày được tổ chức vào 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Và khi đến với Bắc Hà hẳn du khách không thể nào bỏ qua Thung lũng hoa nằm trên xã Thải Giàng Phố. Cái tên Thải Giàng Phố không tự nhiên mà có, nó có nghĩa là Núi mặt trời mọc. “Thải Giàng” trong tiếng Hán tức là “Thái dương”. Vùng đất này rộng, khá bằng phẳng, xung quanh thoáng đãng nên ở đây lúc nào cũng là nơi đón nhiều ánh mặt trời nhất. Cũng vì những yếu tố đó mà thời Pháp thuộc, người Pháp đã chọn Thải Giàng Phố làm sân đỗ trực thăng nên sau này còn người dân Bắc Hà còn gọi với cái tên khác là thôn Sân bay.

Men theo con đường độc đạo tới huyện Si Ma Cai, du khách sẽ được đi qua xã Tả Van Chư – một “bán đảo” nhỏ giáp ngay huyện bạn. Một cái tên cũng không ngoại lệ, theo tiếng Hán Tả Van Chư nghĩa là “thung lũng rộng lớn”.  Dịch như vậy có lẽ vẫn chưa đầy đủ ý nghĩa của cụm từ này bởi “van” tức là uốn lượn, quanh co. Rất dễ dàng có thể hiểu được cái tên này bởi đường tới đây là những con dốc vòng vèo nối tiếp nhau như dải lụa mềm mại uốn quanh thung lũng. Mỗi khi sương sà xuống lại thơ mộng vô cùng.

Bắc Hà còn rất nhiều địa danh mà ít người biết đến, những cái tên mà ai nghe cũng cảm thấy đặc biệt. Bắc Hà mộc mạc, giản dị vậy thôi nhưng mọi thứ thuộc về nơi này lại luôn khiến bất kỳ ai đặt chân tới đều lưu luyến. 

Lý Phương Chi

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons