Bắc Hà là huyện vùng cao, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 70 km. Với nguồn tài nguyên du lịch nhân văn và tự nhiên phong phú, “Cao nguyên trắng Bắc Hà” có nhiều tiềm năng du lịch, là điểm đến hấp dẫn cho du khách, đồng thời là cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Cao nguyên trắng” Bắc Hà là nơi hội tụ sắc màu văn hóa của 14 dân tộc anh em cùng sinh sống với những lễ hội đặc sắc như hội Gầu Tào hay còn gọi là Say Sán, Lễ Tết nhảy của người Dao đỏ, Hội Lồng Tồng (xuống đồng), Lễ hội đua ngựa truyền thống có một không hai; Chợ văn hoá Bắc Hà – 1 trong 10 chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á, nơi có chảo thắng cố được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam; hội múa xoè của người Tày, múa khèn, múa gậy sinh tiền của người Mông, hát then, hát lượn, hát giao duyên…; nơi còn lưu giữ nhiều nghề truyền thống như nghề làm bạc của người Dao xã Nậm Khánh, nghề rèn đúc và nấu rượu của người Mông, nghề làm yên ngựa của người Phù Lá. Đồng thời, Bắc Hà cũng có nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia như: dinh Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà, đền Trung Đô, động Thiên Long…. Bên cạnh đó, “Cao nguyên trắng” Bắc Hà cũng nổi tiếng là vùng đất có khí hậu trong lành, mát mẻ, nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên đẹp, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Hang Rồng Tả Văn Chư, hang Tiên, Cốc Ly – Sông Chảy, núi Cô Tiên, núi 3 mẹ con ở thị trấn Bắc Hà, rừng già Bản Liền, rừng nguyên sinh xã Tả Van Chư, rừng gỗ nghiến Cốc Ly, rừng chè cổ thụ xã Hoàng Thu Phố;
Nguồn tài nguyên du lịch nhân văn và tự nhiên phong phú này chính là nguồn lực, là điều kiện lý tưởng để du lịch Bắc Hà phát triển, trở thành một trong những trọng điểm du lịch của Lào Cai. Đặc biệt, hiện nay Bắc Hà đang là điểm đến hấp dẫn được nhiều du khách lựa chọn để trải nghiệm loại hình du lịch cộng đồng với nhiều điểm đến mới như: thôn Tả Van Chư – xã Tả Van Chư; thôn Trung Đô – xã Bảo Nhai; thôn Bản Phố – xã Bản Phố; thôn Na Lo – xã Tà Chải…Đến với mỗi thôn làng này, du khách được khám phá bản sắc văn hóa của một dân tộc khác nhau, được hòa mình trong không gian sinh sống, thưởng thức các đặc sản của bà con nơi đây như rượu ngô, thắng cố, mèn mén, phở chua, khâu nhục…, được hái và thưởng thức mận tam hoa, bẻ ngô, nấu rượu…Bên cạnh đó, Bắc Hà cũng ở vị trí thuận lợi để trung chuyển khách du lịch từ Sa Pa, thành phố Lào Cai lên, đi sang Si Ma Cai, qua Xín Mần – Hà Giang hoặc ngược lại… để sớm trở thành trung tâm du lịch phía Đông Bắc tỉnh Lào Cai.
Tuy nhiên, thực tế Bắc Hà vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chưa được đầu tư đồng bộ; thiếu những sản phẩm du lịch và dịch vụ cao cấp, độc đáo, có chất lượng và uy tín trên thị trường; Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ phục vụ khách du lịch mới chỉ ở quy mô nhỏ và còn thiếu những cơ sở chất lượng cao, hiện mới chỉ có 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao. Nguồn nhân lực du lịch thiếu, yếu chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ du lịch; Công tác quảng bá xúc tiến chưa được chú trọng; Công tác thu hút đầu tư phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa hiệu quả; Khả năng kết nối với Sa Pa, Thành phố Lào Cai, Si Ma Cai, Xín Mần (Hà Giang) trong việc điều phối khách du lịch còn hạn chế v.v…
Từ những tiềm năng, lợi thế cũng như thách thức trong phát triển du lịch, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Bắc Hà cũng đã xác định lựa chọn phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự đóng góp quan trọng vào quy mô và tốc độ tăng trưởng cao của dịch vụ cũng như ngành kinh tế của huyện, cụ thể như: phấn đấu đến năm 2020, Bắc Hà đón khoảng 400.000 lượt khách du lịch, có 660 phòng đủ tiêu chuẩn đón khách du lịch; đến năm 2030, đón khoảng 1.700.000 lượt khách du lịch, đạt 2.700 phòng với thu nhập xã hội từ du lịch đạt 1.620 tỷ đồng. Để biến mục tiêu đó thành hiện thực, Bắc Hà đang tích cực triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ cụ thể theo Quyết định số 5294/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch huyện Bắc Hà đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp trong phát triển du lịch như: tiếp tục tập trung phát triển đa dạng các dòng sản phẩm du lịch (loại hình du lịch) như: Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái – cộng đồng, du lịch tham quan, di tích lịch sử, lễ hội để đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm của du khách; Đẩy mạnh công tác quảng bá thông qua các ấn phẩm đặc sắc, hệ thống internet, mạng xã hội; Xúc tiến thu hút đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của huyện, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng khách sạn hạng từ 3 sao trở lên tại khu vực Thị trấn, phát triển du lịch cộng đồng; Xây dựng, nâng cấp các tuyến đường kết nối các điểm du lịch; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch hướng tới hoàn thiện các kỹ năng cơ bản theo Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam; Tăng cường khả năng kết nối, điều phối và trung chuyển khách với các địa phương trong tỉnh và tỉnh Hà Giang.
Như vậy, với tiềm năng và thế mạnh của mình, cùng với việc nhận thức rõ những hạn chế của địa phương và sự quyết tâm của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Bắc Hà, vùng đất cao nguyên trắng đã và đang thực hiện quyết liệt nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để khai thác và phát triển du lịch. Với mục tiêu rõ nét, cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh Lào Cai và nỗ lực của địa phương nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, chắc chắn Bắc Hà sẽ sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch phát triển của tỉnh, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Nguyễn Quốc Huy – Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà