Khám phá Lai Châu – Lai Châu hội tụ và lan tỏa

“Tôi chưa có cơ hội một lần đặt chân lên Lai Châu, chính vì thế, chuyến đi lần này đối với tôi chính là cơ hội quý giá để mình có cơ hội khám phá Lai Châu. Cả một hành trình dài, trước chuyến đi, không bao giờ là tôi không liên tưởng đến từng khoảnh khắc mình sẽ  có được trên mảnh đất mà nơi mà người đời ví như là “viên ngọc xanh của Tây Bắc”. Để rồi, sau chuyến đi hành trình hôm đó, tôi đã có được những cảm nhận cho riêng mình về mảnh đất đẹp tuyệt vời mang tên Lai Châu.”

Dẫn chúng tôi, đi thăm quan 1 vòng thành phố trước khi trở về nhận phòng ở nhà khách Hương Phong đối diện Quảng trường, anh bạn Huỳnh đang làm cộng tác viên ở báo Lai Châu không quên giới thiệu hành trình 2 ngày 1 đêm tuyệt vời mà chúng tôi sẽ được khám phá tại Lai Châu. Vì lên đúng dịp Lai Châu tổ chức ngày hội văn hóa thể thao và du lịch lần I, cho nên với tôi đây thật sự là chuyến đi may mắn. Sau khi nghe Huỳnh chia sẻ, lịch trình của chúng tôi được lên kế hoạch như sau: Ngày thứ 1: Khám phá tại thành phố Lai Châu cụ thể tại Quảng trường Nhân dân Lai Châu và xem khai mạc chương trình ngày hội văn hóa. Ngày thứ 2: Khám phá bản văn hóa du lịch Sì Thâu Chải tại huyện Tam Đường và xem cuộc thi nhảy dù cũng từ bản Sì Thẩu Chải đến sân vận động huyện với chủ đề “Bay trên PuTaleng” và quay trở về Hà Nội.

Sau khi nhận phòng tại nhà khách Hương Phong và ăn sáng xong, chúng tôi bắt đầu những trải nghiệm đầu tiên của mình tại nơi phố núi. Quảng trường Nhân dân Lai Châu là điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân để “checkin”. Cả một khoảng đất rộng được ốp đá với những ô cỏ xanh, sạch được quy hoạch rất đẹp. Khu nhà hợp khối hành chính hiện ra chính giữa như 3 anh chàng khổng lồ mọc lên giữa núi tô thêm vẻ đẹp về 1 sự phát triển của 1 thành phố trẻ đang vươn lên. Vì là ngày hội, nên sân khấu chương trình được bố trí ngay tại Quảng trường Nhân dân Lai Châu.  Nghe những lời ca, lời thoại về mảnh đất Lai Châu “hội tụ và lan tỏa” bản thân tôi cũng cảm thấy như mình cũng đang hòa vào nhịp háo hức, rền vang của ngày hội. Thăm quan các gian hàng tại các huyện, tôi được biết, Lai Châu có tất cả 8 huyện thị và 20 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó các huyện gồm: Phong Thổ, Tam Đường, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Tân Uyên, Than Uyên, Mường Tè và Thành phố Lai Châu. Đi dạo thăm quan qua các gian hàng các huyện tôi như lạc vào thế giới của sắc màu văn hóa Tây Bắc. Từ những bộ quần áo trang phục của người Thái, Dao cho đến những lễ hội truyền thống của bà con dân tộc cũng đã được biểu diễn để tái hiện lại một nền văn hóa đầy màu sắc như: Lễ hội Tú Tỉ của dân tộc Giấy; Tết Hồ Sự Chà của người Hà Nhì ở huyện Mường Tè; Lễ hội Mìn Loóng Phạt của dân tộc Cống ở NậmNhùn; Sìn Hồ nổi bật với đám cưới của người Mông; huyện Phong Thổ có Lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu. Cùng với đó, là những mặt hàng nông sản, đặc sản của bà con cũng được bày bán và trưng bày như: thịt trâu, lợn sấy, măng khô, chè. Song song với các quầy trưng bày của các huyện thị trên địa bàn tỉnh cũng là không gian trưng bày của các công ty với những sản phẩm nổi tiếng như Công ty cổ phần chè Tam Đường với các loại bánh từ cây chè xanh, hay như không gian văn hóa ẩm thực của đội văn nghệ Mường So với các món ăn dân tộc Thái, hay như không gian trưng bày hoa lan, cây cảnh. Tất cả mọi thứ ở đây tạo nên một sắc thái văn hóa đầy màu sắc và đúng như chủ đề của chương trình khi tất cả các nền văn hóa đã đều “hội tụ” về đây và cùng “lan tỏa”. Buổi tối hôm ấy, chúng tôi đã được tận mắt xem một chương trình khai mạc hoành tráng với hơn 100 nghệ sĩ diễn viên tham gia biểu diễn. Các chương văn nghệ đều rất hay và đặc sắc. Từ lịch sử hình các dân tộc trên các huyện, thị đến những điểm nhấn đặc sắc về văn hóa ở các vùng miền đều được biểu diễn mà giới thiệu một cách chi tiết. Đối với tôi, trải nghiệm ngày đầu tiên ở thành phố Lai Châu như vậy đã là may mắn. Khi trong 1 chương trình đã thật sự “hội tụ” để giới thiệu về văn hóa con người Lai Châu.

Bay trên đỉnh Putaleng

Sau khi trải nghiệm 1 ngày hết sức thú vị ở thành phố Lai Châu khi được tận mặt chứng kiến những nét văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai châu trong chương trình khai mạc, cũng như khám phá các gian hàng trưng bày. Ngày thứ 2 chúng tôi bắt đầu trải nghiệm khám phá bản văn hóa du lịch Sì Thâu Chảu xã Hồ Thầu huyện Tam Đường. Giới thiệu về Tam Đường, cậu bạn Huỳnh dẫn chúng tôi đi lại bắt đầu chia sẻ những kiến thức mà mình biết được để nói với chúng tôi. Nghe Huỳnh nói, chúng tôi được biết, ngoài Sì Thâu Chải ra ở Tam Đường còn có rất nhiều điểm du lịch thu hút khách như động Tiên Sơn, đỉnh núi Putaleng, cọn nước Bản Bo, bản văn hóa du lịch Bản Hon, đèo Hoàng Liên Sơn. Vì là cửa ngõ của thành phố, nên Tam Đường được đánh giá là một trong những thị trấn phát triển nhất của toàn tỉnh. Sau hơn 30 phút đi xe, chúng tôi cũng có mặt tại thị trấn Tam Đường. Điều đặc biệt trong chuyến đi hôm nay, Huỳnh nói: “Hôm nay, ngoài đi thăm quan bản xem nhảy dù, chúng ta còn được đi ngắm thác Tác Tình. Dải yếm của huyện Tam Đường.” Nghe Huỳnh nói, chúng tôi trong đoàn ai cũng cảm thấy thích thú. Đường lên bản Sì Thâu Chải cách trung tâm huyện khoảng 10km. Với độ cao 1400m, Sì Thầu Chải được ví như 1 Sapa thu nhỏ giữa đỉnh núi. Tôi được biết, người dân trong bản 100% là người Dao và bản bắt đầu được công nhận là bản văn hóa du lịch vào cuối năm 2016. Cảm giác càng lên cao, chúng tôi như thấy mình ngày càng gần với mây hơn. Sau hơn 15 phút đi trên chiếc xe máy thuê của dân bản địa, Sì Thâu Chải cũng hiện ra trước mắt chúng tôi với điểm nhấn là những mái nhà trình tường của cả bản. Đặc biệt, những con đường lát đá vào đến tận ngõ nhà dân, những tấm biển homestay của người dân tự làm cũng rất đẹp và lôi cuốn. Anh bạn Huỳnh dẫn chúng tôi, đi lên thác Tác Tình để xem mọi người biểu diễn nhảy dù. Cảm nhận đầu tiên trên con đường đi chúng tôi nhận thấy,  thảm thực vật ở đây rất vẫn còn nguyên sơ. Với những cánh rừng xanh mướt e ấp trong sương. Lên đến nơi, không khí ở đây có vẻ đã rất nhộn nhịp với các phi công nhảy dù và cả du khách đến xem. Được biết, đây là lần thứ 2 Sì Thâu Chải được chọn làm điểm nhảy dù biểu diễn. Đứng ở trên độ cao hơn 1400m, ngắm nhìn dải yếm của Tam Đường mang tên Tam Đường, tôi mới thấy thiên nhiên thật ưu ái cho Lai Châu những điều rất tuyệt vời. Từ khí hậu cho đến thiên nhiên mọi thứ đều hòa hợp. Những nụ cười của những phi công nhảy dù, hay những nụ cười thích thú của những vị du khách  khác cũng như tôi đã chứng tỏ lên điều đấy. Sau khi xem nhảy dù được một lúc, chúng tôi quay lại bản Sì Thâu Chải để thăm quan và chụp hình. Quyết định dùng cơm trưa tại đây rồi quay về Hà Nội, nên chúng tôi đã liên hệ với anh Nghi trưởng bản để đặt cơm. Mâm cơm 4 người với 600.000 với đầy đủ các món ăn đặc sắc các món ăn dân tộc như lợn cắp nách, gà đồi, rau rừng. Ăn cơm xong, buổi chiều chúng tôi khám phá động Tiên Sơn nằm ở trung tâm huyện. Nét đặc trưng là lòng Động có dòng suối trong vắt chảy qua, luồn lách qua các cung động suốt bốn mùa. Tạo cho người xem cảm giác thú vị xen lẫn ngỡ ngàng. Chưa kể những khối thạch nhũ muôn hình muôn vẻ, mầu sắc huyền ảo.

Khám phá động Tiên Sơn xong, đoàn chúng tôi phải quay lại Hà Nội mà trong lòng còn lưu luyến. Anh bạn Huỳnh như hiểu được điều đó mà không quên giới thiệu với chúng tôi về các điểm du lịch khác ở Lai châu mà lần sau nhất định quay lại chúng tôi phải đi để đến. Ví như bản văn hóa du lịch Gia Khâu (thành phố),  Vàng Pheo, Sin Suối Hồ (Phong Thổ), bản Hon (Tam Đường) động Pu Sam Cap, núi đá Ô Tả Phìn (Sìn Hồ), hay hồ  thủy điện Lai Châu, đền Lê Lợi (Nậm Nhùn). Ôi, đúng là Lai Châu- Mảnh đất ven trời, còn biết bao nhiêu điểm du lịch hấp dẫn nữa mà tôi còn phải khám phá. Không biết nói gì lúc này, chúng tôi tạm chào nhau bằng một tấm hình kỉ niệm để hẹn ngày quay lại Lai Châu. Lúc đó, chắc hẳn sẽ không chỉ có riêng tôi mà hi vọng sẽ có nhiều, rất nhiều du khách khác nữa biết đến mảnh đất Lai Châu tuyệt vời.

                                                                                    Trần Huỳnh

 

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.