Quyện hòa văn hóa- âm thực và du lịch

Vừa qua, sự kiện Festival Khèn Mông tỉnh Hà Giang và Lễ hội văn hóa ẩm thực ba miền Bắc – Trung – Nam năm 2023 lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh ta. Sự kiện đặc biệt này đã tạo nhịp cầu nối giữa du khách trong nước và quốc tế với văn hóa của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Ở đó, có sự gắn kết đặc biệt: Lấy văn hóa để phát triển du lịch và lấy phát triển du lịch để bảo tồn văn hóa, tạo ra các giá trị mới trong phát triển.

Hà Giang là dải đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc với 19 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào Mông chiếm gần 34% dân số toàn tỉnh, được phân bố rộng khắp ở 11/11 huyện, thành phố. Trong quá trình phát triển, đồng bào Mông đã sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam; trong đó, Khèn Mông là một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu.

Khèn không chỉ là nhạc cụ độc đáo mà còn là phương thức truyền tải tình cảm của đồng bào Mông

Khèn không chỉ là nhạc cụ độc đáo mà còn là phương thức truyền tải, thổ lộ tâm tưtình cảm, khát vọng, hiện diện trong những nghi thức vòng đời quan trọng nhất của người Mông từ lúc sinh ra, lớn lên, trưởng thành cho đến hết cuộc đời. Khèn Mông với 6 ống trúc đơn giản nhưng chứa đựng vốn tri thức dân gian quý giá, được xem như bảo vật đầy sống động của đồng bào Mông. Cây Khèn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Mông, luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Năm 2015, nghệ thuật Khèn của người Mông tỉnh Hà Giang vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Điều này khẳng định giá trị và sức sống cộng đồng mạnh mẽ của cây Khèn. Nghệ thuật Khèn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh. Nhiều du khách khi đến Hà Giang nhận định: Nếu kỳ quan núi đá vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn là kết tinh từ đất mẹ thì tiếng Khèn là kết tinh từ những tình cảm của lòng người. Âm điệu da diết, trầm bổng vang vọng giữa núi đá trùng điệp tựa như lời tự sự thổi vào đất trời. Tiếng Khèn cứ thế vang lên trong không gian núi rừng mênh mông để bày tỏ lòng biết ơn trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tiếng Khèn gọi bạn, tiếng Khèn trao duyên… thể hiện rõ bản tính giàu tình cảm, tính cách mạnh mẽ, bất khuất, quật cường nhưng lại phóng khoáng, hoài bão, hài hoà với thiên nhiên của đồng bào Mông.

 Nghệ thuật Khèn của người Mông trên địa bàn tỉnh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Anh Nguyễn Văn Tuấn, du khách đến từ Hải Dương chia sẻ: Hà Giang đã để lại cho tôi những trải nghiệm, ấn tượng khó quên. Đó là sự kỳ vĩ, nên thơ, nên nhạc của thiên nhiên và tài nghệ điêu luyện của các chàng trai, cô gái trong điệu múa Khèn Mông. Tôi và những người bạn đã rất thích thú trước sự tinh tế của các bước nhảy tha khềnh, nam thổi Khèn du dương, nữ múa ô uyển chuyển, thực sự làm say lòng du khách. Đặc biệt, tôi đã được tìm hiểu và “mục sở thị” tài nghệ chế tác Khèn Mông từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Mỗi chiếc Khèn không chỉ chứa đựng tài hoa của người chế tác mà còn mang trong mình khí chất người Mông, mang cả những dấu ấn của miền đất Hà Giang vượt khó, vươn mình trên đá.

Ngày hội Festival Khèn Mông tỉnh Hà Giang đã tạo không gian văn hóa độc đáo nơi cực Bắc Tổ quốc, trở thành “cầu nối” đặc biệt để nhân dân trong tỉnh cùng du khách thập phương tham gia giao lưu, trao đổi, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn và trân quý những di sản văn hóa nghệ thuật mà cha ông để lại.

Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm nhảy sạp của đồng bào Thái
Thực hành Then của đồng bào Tày đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang Trần Song Hà cho biết: “Tham gia sự kiện Festival Khèn Mông, thành phố đã chỉ đạo đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa, biểu diễn văn nghệ dân gian của đồng bào Tày. Đồng thời, phát trực tiếp trên kênh Youtube Người Hà Giang, thu hút hàng nghìn lượt người xem. Các Làng văn hóa Du lịch cộng đồng 3 xã ngoại thành (Phương Thiện, Phương Độ, Ngọc Đường) tổ chức trò chơi dân gian, biểu diễn dân ca, dân vũ, thu hút trên 3.600 lượt người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm. Thông qua các hoạt động này, điệu Then, đàn Tính độc đáo của đồng bào Tày được quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế; qua đó góp phần gìn giữ, phát huy giá trị thực hành Then – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Tại các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các tỉnh; ngoài thưởng thức ẩm thực độc đáo, du khách còn được hòa mình vào nhịp sống, hơi thở vùng miền. Chị Lê Minh Hiền, Trung tâm Truyền thông – Văn hóa huyện Mộc Châu (Sơn La) chia sẻ: “Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Thái chiếm trên 50% dân số toàn tỉnh. Tham dự sự kiện Festival Khèn Mông tỉnh Hà Giang và Lễ hội ẩm thực văn hóa ba miền Bắc – Trung – Nam năm 2023 tại tỉnh Hà Giang, chúng tôi vinh dự được đại diện cho huyện Mộc Châu nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung mang đến ngày hội những nét đặc trưng văn hóa của đồng bào Thái qua các điệu múa dân gian, múa Xòe, nhảy sạp; các trò chơi pó má lẹ, ném còn… Đặc biệt trong đó, nghệ thuật Xòe Thái đã trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh…”

Sự kiện Festival Khèn Mông tỉnh Hà Giang và Lễ hội văn hóa ẩm thực ba miền Bắc – Trung – Nam năm 2023 không chỉ trở thành ngày hội tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông tỉnh Hà Giang nói riêng, đồng bào các dân tộc trên dải đất thiêng liêng hình chữ S nói chung mà ở đó còn hội tụ tinh hoa ẩm thực ba miền Bắc  Trung  Nam; mang đến những trải nghiệm lý thú, ghi dấu ấn khó quên trong lòng du khách.

Gian hàng ẩm thực của H’mong Village (huyện Quản Bạ) mang đến cho du khách một trải nghiệm độc đáo với món phở ngô – được mệnh danh “sứ giả văn hóa vùng cao”. Ở đó, du khách được trải nghiệm quá trình xay ngô thủ công của những chàng trai, cô gái Mông để tạo nguyên liệu chế biến món phở ngô nức tiếng. Năm 2022, phở ngô của H’mong Village xuất sắc giành giải Vàng tại sự kiện Ngày của Phở (12.12) tổ chức tại tỉnh Nam Định.

Lấy cảm hứng từ ngô và phở, H’Mong Village đã tạo nên món phở ngô độc đáo, làm say lòng thực khách.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lại Quốc Tĩnh – người sáng lập Khu sinh thái nghỉ dưỡng H’Mong Village cho biết: “Phở ngô được lấy cảm hứng từ món mèn mén của đồng bào Mông. Nguyên liệu chính của mèn mén là ngô – cây “lương thực vàng” nuôi sống đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, chúng tôi đã có sự sáng tạo khi kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh túy ẩm thực dân tộc Mông với hồn cốt văn hóa dân tộc Việt, đó là món phở. Phở đã trở thành quốc hồn, quốc túy của dân tộc Việt được mang đến mời thượng khách quốc tế khi đến Việt Nam. Chúng tôi đã kết hợp các yếu tố đó với nhau để tạo nên món phở ngô độc đáo, được du khách yêu thích và đánh giá cao”.

Núi rừng Tây Bắc nổi tiếng với nhiều loại gia vị độc đáo, tạo hương vị riêng cho những món ăn vùng sơn cước như: Mắc khén, hạt dổi, hoa hồi, thảo quả, mật ong. Cùng với đó là nhiều loại nguyên liệu chế biến món ăn mang đặc trưng vùng miền như ngựa, lợn cắp nách, gà xương đen, gạo nếp nương, bột ngô, rau rừng, măng rừng, rêu đá, bắp bi rừng, củ ấu tẩu, cá suối, lá màu làm xôi… tạo ra nhiều món ăn ngon truyền thống của đồng bào các dân tộc như: Thắng cố, mèn mén, xôi ngũ sắc, cháo ấu tẩu… Trong những ngày Đông giá lạnh trên miền đá núi, được quây quần bên chảo thắng cố nghi ngút khói giữa buổi chợ phiên, hay những dịp lễ quan trọng của bản, làng, cùng tâm sự, sẻ chia những câu chuyện cuộc đời giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Cùng với thắng cố, mèn mén là món ăn đặc trưng của người Mông được làm từ bột ngô. Mèn mén được chế biến rất công phu, trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tỷ mỉ, trong mỗi công đoạn lại đòi hỏi người chế biến phải có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng riêng.

 Các món ăn truyền thống của 3 miền được chế biến và trang trí đẹp mắt, ấn tượng

Những năm gần đây, khi du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ẩm thực địa phương trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển ấy. Từ món ăn bản địa, mang đậm văn hóa đồng bào các dân tộc, ẩm thực giờ đây mang thêm sứ mệnh mới, trở thành “đại sứ” du lịch, thông qua ẩm thực để giới thiệu, quảng bá về sự đa dạng, giá trị văn hóa độc đáo trong đời sống người dân địa phương. Tại các lễ hội, chợ phiên, không gian ăn hóa ẩm thực luôn được chú trọng, thiết kế khu vực riêng, thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm. Hiện nay, Hà Giang có 4 món ăn gồm: Mèn mén, cháo ấu tẩu, thắng cố và thịt lợn cắp nách lọt top 100 món ăn đặc sản Việt Nam. Cùng với Hà Giang, các tỉnh tham gia Lễ hội văn hóa ẩm thực ba miền Bắc – Trung – Nam năm 2023 đều mang đến những món ngon, mang đặc trưng văn hóa vùng miền, tạo nên “bữa tiệc” ẩm thực độc đáo, hấp dẫn.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đoàn Văn Việt khẳng định: “Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn xác định bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là bảo tồn, giữ gìn thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bộ VH,TT&DL đánh giá cao sự quyết tâm của tỉnh Hà Giang trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, chú trọng lấy văn hóa để phát triển du lịch và lấy phát triển du lịch để bảo tồn văn hóa, tạo ra các giá trị mới trong phát triển”.

 Đông đảo du khách thưởng thức các món ẩm thực độc đáo tại lễ hội ẩm thực ba miền Bắc – Trung – Nam và Hà Giang năm 2023

Sự kiện Festival Khèn Mông và Lễ hội văn hóa ẩm thực ba miền Bắc – Trung – Nam đã trở thành ngày hội tôn vinh những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ du lịch Việt Nam theo hướng: “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” như kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Du lịch toàn quốc 2023 vừa qua tại Thành phố Hà Nội.

Nguồn: Báo Hà Giang

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.