Mèo Vạc phát triển đa dạng sản phẩm du lịch

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Mèo Vạc tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch. Qua đó mang lại cho du khách những trải nghiệm mới, góp phần kích cầu du lịch, thu hút nhiều hơn lượng du khách đến địa phương.

Dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà tại Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai huyện Mèo Vạc năm 2022. Ảnh: Tư liệu
Dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà tại Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai huyện Mèo Vạc năm 2022. Ảnh: Tư liệu

Duy trì các lễ hội, ngày hội truyền thống là cách huyện Mèo Vạc tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo. Tiêu biểu như lễ hội Bàn Vương, Ngày hội văn hóa dân tộc Dao; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông gắn với Festival khèn Mông; lễ hội Cầu an của dân tộc Giáy; Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô… Đặc biệt, đầu tháng 3 vừa qua, huyện tổ chức thành công công lễ hội hoa Mộc Miên. Đây là sản phẩm du lịch mới, mang đặc trưng riêng, lần đầu tiên được huyện tổ chức. Tham gia lễ hội, du khách không chỉ hiểu thêm về ý nghĩa loài hoa Mộc Miên mà còn được chiêm ngưỡng sắc màu rực rỡ của loài hoa này bên các sườn núi đá tai mèo hay ở 2 bên những con sông xanh biếc, thơ mộng.

Sắp tới, trong 2 ngày từ ngày 15 – 16.5, tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc sẽ tổ chức Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2023 với quy mô cấp huyện. Lễ hội hứa hẹn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị với các hoạt động đặc sắc như: Lễ dâng hương và lễ cầu duyên tại miếu Ông, miếu Bà; trải nghiệm các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện; tìm hiểu về văn hóa và thưởng thức các món ăn truyền thống dân tộc…

Múa khèn Mông, một hoạt động đặc sắc trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Mèo Vạc năm 2023.
Múa khèn Mông, một hoạt động đặc sắc trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Mèo Vạc năm 2023.

Bên cạnh chú trọng duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống, huyện Mèo Vạc tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, mạo hiểm, khám phá, trải nghiệm các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Cơ sở để huyện phát triển các sản phẩm du lịch này dựa trên những tiềm năng, thế mạnh như: Huyện nằm trong vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, có phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ với những dãy núi đá tai mèo dựng đứng, nhất là vẻ đẹp hùng vĩ ở khu vực đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế và hẻm Tu Sản; cùng đó là bề dày lịch sử văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng của các dân tộc trên địa bàn. Nổi bật là các sản phẩm du lịch: Trải nghiệm trên lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1, đi bộ chinh phục vách đá trắng, tham quan Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ… Để phát triển loại hình du lịch này, thời gian qua, huyện quan tâm thực hiện tốt công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các di tích; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân bảo vệ các điểm di sản; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đá trái phép làm vật liệu xây dựng thông thường…

Cùng với phát triển các sản phẩm du lịch trên, huyện Mèo Vạc quan tâm xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng; phát triển các sản phẩm hàng hóa đặc trưng phục vụ phát triển du lịch; khai thác các chợ phiên, chợ đêm phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, năm 2022, chợ phiên thị trấn Mèo Vạc được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Phiên chợ được họp vào sáng Chủ nhật hàng tuần; đây không chỉ là nơi mua sắm của đồng bào các dân tộc Mông, Lô Lô, Giáy, Dao… mà còn là nơi để người dân giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết, khu vực chợ phiên tại trung tâm thị trấn Mèo Vạc còn diễn ra nhiều hoạt động phục vụ du khách như biểu diễn văn nghệ dân gian, trải nghiệm đan Quẩy tấu, chế tác khèn Mông, dệt vải lanh…

Anh Nguyễn Văn Vinh, du khách đến từ Hà Nội bày tỏ: Với tôi, Mèo Vạc luôn là điểm đến không thể bỏ qua khi có dịp đặt chân đến Cao nguyên đá Đồng Văn. Bởi nơi đây không chỉ sở hữu phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ với địa mạo, địa chất độc đáo mà còn có bề dày văn hóa truyền thống các dân tộc đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, phong cách phục vụ du lịch nơi đây chuyên nghiệp, tạo được ấn tượng tốt đẹp với du khách.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Ngô Mạnh Cường cho biết: Từ việc chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương đã giúp du lịch của huyện có nhiều khởi sắc, lượng khách đến huyện tăng. Năm 2021, 2022, huyện lần lượt đón 71.200 lượt người và hơn 360.000 lượt người; riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến huyện đạt gần 154.000 lượt người, doanh thu từ du lịch đạt trên 140 tỷ đồng. Để tiếp tục phát triển du lịch, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; thu hút các dự án đầu tư về dịch vụ du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, hình thành và khai thác hiệu quả tua, tuyến du lịch phục vụ du khách…

Nguồn: Báo Hà Giang

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.