Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và khai mạc Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2022

Tối 26.4 (tức 26.3 âm lịch), tại khu vực Mê cung đá, xã Khâu Vai (Mèo Vạc), UBND tỉnh tổ chức Lễ đón nhận di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia và khai mạc Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2022. Dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận T.Ư Hà Thị Khiết; lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chào đón nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên thăm Hà Giang.

Về phía tỉnh ta có các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Vũ Mạnh Hà, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Đoàn ĐBQH – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí trong BTV, BCH Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo các tỉnh, tập đoàn, doanh nghiệp, du khách và đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh dâng hương miếu Ông, miếu Bà.

Chợ Phong lưu Khâu Vai (Chợ tình Khâu Vai) từ khi hình thành đến nay đã trải qua hơn 100 năm, trở thành nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung. Chợ Phong lưu Khâu Vai được tổ chức duy nhất một lần vào ngày 27.3 âm lịch hàng năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu khai mạc.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự lễ khai mạc chợ Phong lưu Khâu Vai
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự lễ khai mạc Chợ Phong lưu Khâu Vai.

Năm nay, Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh, diễn ra từ ngày 25 – 27.4 (tức 25 – 27.3 âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, như: Hội thi người đẹp miền Cao nguyên đá; Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; lễ cầu duyên; giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống; trình diễn thổi khèn Mông của xã Sủng Trà và thị trấn Mèo Vạc; hát dân ca dân tộc Nùng, Giáy; múa trống đồng, múa kéo nhị của dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc; múa nón, múa khăn của dân tộc Giáy thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà; múa kiếm của dân tộc Giáy xã Nậm Ban; nhảy lửa của dân tộc Lô Lô, xã Xín Cái; điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc; múa trống của dân tộc Giáy thôn Nà Trào, xã Tát Ngà; hát đối giao duyên qua ống dây của dân tộc Mông.

Đại diện Bộ Văn hóa TT&DL trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho huyện Mèo Vạc và các xã Khâu Vai, Tát Ngà.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tiếp nhận tiền hỗ trợ của các công ty, doanh nghiệp.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa các công ty, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động, trò chơi dân gian truyền thống để du khách tham quan, trải nghiệm, khám phá: Thung lũng hoa Tam giác mạch, hoa Sao nhái tại Mê cung đá; tham quan, trải nghiệm, khám phá, chinh phục tuyến đi bộ vách đá thần Mã Pì Lèng; tham quan, chụp ảnh Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 ngắm hẻm vực Tu Sản – Mã Pì Lèng; tham quan, chụp ảnh cầu tình yêu tại Mê cung đá…

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn, nhấn mạnh: Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, nơi cư trú của 19 đồng bào dân tộc. Trải qua thăng trầm lịch sử và quá trình xây dựng, đồng bào các dân tộc Hà Giang hôm nay vẫn giữ được giá trị bản sắc riêng, với nhiều nét văn hóa độc đáo và đa dạng. Hà Giang đã và đang tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Nghiên cứu, kiểm kê, nhận diện 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể làm cơ sở xây dựng các kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đến nay, tỉnh Hà Giang có 3 bảo vật quốc gia, 61 di sản văn hóa vật thể, 27 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận và xếp hạng.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hà Giang vinh dự và tự hào được đón nhận thêm hai di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đó là: Tập quán xã hội – tín ngưỡng Chợ Phong lưu Khâu Vai và Lễ cầu an của người Giáy huyện Mèo Vạc. Giá trị lớn nhất của hai di sản là tính nhân văn, tinh thần thượng võ, thể hiện truyền thống đoàn kết dân tộc, mối quan hệ gần gũi thân thiện giữa con người với thiên nhiên. Hà Giang cam kết luôn tôn trọng, bảo tồn, gìn giữ và phát huy để di sản thực sự trở thành tài sản vô giá, là nguồn động lực thúc đẩy phát triển KT – XH, tạo sinh kế bền vững, giúp đồng bào các dân tộc Hà Giang vươn lên với tinh thần “sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”.

Tại buổi lễ, lãnh đạo Sở Văn hóa TT&DL tỉnh công bố Quyết định của Bộ Văn hóa TT&DL chứng nhận Chợ Phong lưu Khâu Vai và Lễ cầu an của người Giáy xã Tát Ngà được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Các doanh nghiệp, nhà tài trợ đã trao biển hỗ trợ Hà Giang tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở với số tiền 25 tỷ đồng.

Sau lễ khai mạc đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Phiên chợ tình ca trên Cao nguyên đá” với nhiều tiết mục hấp dẫn, tái hiện câu chuyện tình yêu huyền thoại giữa Chàng Ba và Nàng Út, về Chợ tình Khâu Vai; thể hiện rõ những nét đẹp văn hóa truyền thống của bà con nhân dân các dân tộc trên vùng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO CNĐ Đồng Văn.

Một số tiết mục văn nghệ trong chương trình nghệ thuật:

Tái hiện chuyện tình giữa chàng Ba và nàng Út.
Một tiết mục văn nghệ trong chương trình nghệ thuật.

Nguồn: Báo Hà Giang

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.