Hà Giang quảng bá di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Chương trình “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì năm 2022” được diễn ra từ ngày 2/9-30/9 tại địa bàn huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

UBND huyện Hoàng Su Phì tổ chức chuỗi hoạt động trải nghiệm hấp dẫn tại Tuần văn hoá du lịch Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì năm 2022 gồm: ngày hội văn hóa dân tộc Mông, hoạt động biểu diễn dù lượn “Trên những bậc thang vàng”, trưng bày sản phẩm và không gian chợ phiên. Ngoài ra, chương trình còn các hoạt động thể thao, trải nghiệm du lịch văn hóa và sinh thái tại các xã, thị trấn trong huyện Hoàng Su Phì, diễn ra xuyên suốt trong tháng 9.

Dâng rượu cho thần linh trong lễ hội Bàn Vương của người Dao đỏ xã Hồ Thầu huyện Hoàng Su Phì. Ảnh: Sở VHTTDL Hà Giang

Theo đại diện UBND huyện Hoàng Su Phì, điểm nhấn của Tuần lễ Văn hóa Du lịch năm nay là hoạt động biểu diễn dù lượn “Trên những bậc thang vàng”. Hoạt động này diễn ra từ 8h30’ngày 16/9 đến 15h30 ngày 18/9. Người tham gia trải nghiệm xuất phát ở thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty và hạ cánh ở thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên. Trên độ cao hơn 1000 m, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng bao quát cảnh đẹp với những thửa ruộng bậc thang màu vàng và núi rừng Hà Giang. Hoạt động có 35 phi công tham gia bay biểu diễn và bay đôi cùng khách.

Biểu diễn dù lượn là điểm nhấn trong Tuần lễ Văn hóa Du lịch năm nay. Ảnh: Sở VHTTDL Hà Giang

Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì trải dài hơn 3.700 ha, thuộc 24 xã, thị trấn trong huyện và được hình thành cách đây hàng trăm năm bởi sức lao động của cộng đồng các dân tộc La Chí, Dao, Nùng. Ruộng bậc thang là hình thức canh tác trên đất dốc ở sườn núi, tạo ra các tầng bậc rồi dẫn nước từ các vùng núi cao tạo thành các ruộng bậc thang để canh tác lúa.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được hình thành cách đây hàng trăm năm bởi sức lao động của cộng đồng các dân tộc La Chí, Dao, Nùng. Ảnh: Sở VHTTDL Hà Giang

Phương thức tạo thành ruộng bậc thang của mỗi dân tộc cũng có đôi nét khác biệt. Người Dao Đỏ ở xã Hồ Thầu làm ruộng bậc thang luôn để lại một khoảng rừng nhỏ cho mỗi khoảng ruộng để khỏi sạt lở đất. Với người La Chí ở xã Bản Phùng, họ lấy lớp đất trên bề mặt để riêng, sau khi tạo thành một mảnh ruộng bậc thang, họ rải lớp đất đó lên để canh tác.

Với bàn tay khéo léo cùng các nông cụ thô sơ như cuốc, xà beng, dao, cày, bừa… đồng bào các dân tộc nơi đây đã tạo nên những thửa ruộng đồ sộ hàng trăm bậc. Họ biến những quả đồi, ngọn núi thành những tòa tháp bậc thang với vẻ đẹp hùng vĩ. Cảnh quan ruộng bậc thang Hoàng Su Phì tạo nên sự khác biệt với các thửa ruộng xen lẫn những cánh rừng nguyên sinh, nương chè, khe suối.

Không gian ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đẹp nhất vào mùa nước đổ (khoảng tháng 4-6 hàng năm) và mùa lúa chín (tháng 9-10 hàng năm). Thời điểm này, sắc trắng của nước, màu vàng của lúa nổi bật trên nền xanh của cây rừng, núi non, mây trời, tạo nên một bức tranh thiên nhiên rực rỡ.

Lễ hội Bàn Vương của người Dao Đỏ ở huyện Hoàng Su Phì. Ảnh: Sở VHTTDL Hà Giang

Những năm gần đây, vào mùa lúa chín, huyện Hoàng Su Phì tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thu hút khách tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang. Năm 2011, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3529 xếp hạng ruộng bậc thang 6 xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Năm 2016, Bộ xếp hạng bổ sung ruộng bậc thang 5 xã Thàng Tín, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Nậm Khỏa theo Quyết định số 3746.

Lễ khai mạc chương trình “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì năm 2022” được tổ chức lúc 20h ngày 16/9 tại sân vận động trung tâm huyện. Sự kiện có sự tham gia của Lãnh đạo Tổng cục du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng nhiều đại biểu từ địa phương, doanh nghiệp du lịch lữ hành tham gia đầu tư kinh doanh tại huyện Hoàng Su Phì.

Thanh Thư – Vnxpress

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.