Du lịch cộng đồng góp phần tạo sinh kế cho người dân

Hoàng Su Phì là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc. Phát huy thế mạnh của địa phương, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Du khách lưu trú, trải nghiệm tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên.
Du khách lưu trú, trải nghiệm tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên.

Là một điểm du lịch thu hút khách nhiều nhất của huyện, thời gian qua, các hộ đồng bào dân tộc Dao ở thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, cùng nhau chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Đến nay, thôn có 11 gia đình cải tạo, nâng cấp nhà ở theo kiến trúc dân tộc Dao để làm homestay; 6 điểm sinh thái nghỉ dưỡng; 4 nhà hàng ăn uống. Các hoạt động du lịch được tổ chức chuyên nghiệp, từ đội vận chuyển đưa đón khách bằng xe máy, hoạt động lưu trú, ăn ở; trải nghiệm dịch vụ dệt vải, hái chè; tắm nước lá thuốc, văn nghệ cho đến dẫn tour khám phá. Mỗi năm, thôn đón trên 1.000 lượt khách trong nước và quốc tế.

Để làm nền tảng cho du lịch phát triển, thôn luôn chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Thôn đã thành lập đội văn nghệ, thường xuyên biểu diễn các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc Dao đỏ, tổ chức các trò chơi dân gian như đánh yến, đánh cù, đẩy gậy… để du khách trải nghiệm. Đặc biệt, trò nhảy lửa mang đậm bản sắc cũng thường xuyên được tái hiện. Ngoài ra, đến Nậm Hồng, du khách còn được trải nghiệm đời sống lao động sản xuất như gặt lúa, bắt cá, hái chè… Anh Triệu Mềnh Kinh, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng chia sẻ: HTX thường xuyên tuyên truyền, vận động các thành viên và người dân trong thôn chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, từ trang phục, kiến trúc nhà ở, văn hóa, văn nghệ đến các lễ hội truyền thống. Coi văn hóa chính là điểm nhấn để xây dựng sản phẩm du lịch riêng có của Nậm Hồng.

Truyền dạy điệu múa gậy Sinh Tiền của dân tộc Mông cho người dân xã Tả Sử Choóng (Hoàng Su Phì).
Truyền dạy điệu múa gậy Sinh Tiền của dân tộc Mông cho người dân xã Tả Sử Choóng (Hoàng Su Phì).

Hoàng Su Phì có 12 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có tập tục sinh hoạt, lễ hội riêng được tổ chức vào các mùa trong năm, như: Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, Lễ hội Nhảy lửa của người Dao, Lồng Tồng của dân tộc Tày, Cúng rừng của người Nùng, Tết Khu Cù Tê của người La Chí… Ngoài ra, còn có các làn điệu dân ca, dân vũ như hát giao duyên, hát lướn, múa khèn và các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đi cà kheo, đánh yến, ném còn, đánh sảng… vẫn được lưu giữ và tổ chức vào các dịp lễ, Tết của đồng bào.

Từ bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc sinh sống trên địa bàn, những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, khuyến khích người dân địa phương tham gia làm du lịch. Đến nay, toàn huyện có 7 làng văn hóa du lịch cộng đồng được huyện phê duyệt, trong đó có 1 làng văn hóa du lịch tiêu biểu đã được UBND tỉnh công nhận. Trên 50 mô hình homestay đang hoạt động, đem lại nguồn thu từ 80 – 200 triệu đồng/năm. Nhiều làng văn hóa du lịch mang đậm bản sắc đã thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, lưu trú như: Làng văn hóa du lịch thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên; Làng văn hóa du lịch thôn Tân Phong, xã Hồ Thầu; Làng văn hóa du lịch thôn Na Léng, xã Bản Phùng. Tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, 100% hộ tham gia làm du lịch đều sử dụng nước sinh hoạt, nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh; 100% điểm đến du lịch cộng đồng có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách; 100% thôn, bản phát triển du lịch có hệ thống thu gom rác thải.

Cùng với đó, huyện chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du khách như: Lò rèn đúc tại Làng văn hoá du lịch thôn Lê Hồng Phong, xã Nam Sơn; nghề dệt thổ cẩm, may trang phục dân tộc ở xã Hồ Thầu, Nam Sơn, Nậm Ty; nghề làm giấy bản xã Thông Nguyên; nghề chạm bạc ở các xã Sán Sả Hồ, Pờ Ly Ngài, Nàng Đôn; nghề đan quẩy tấu ở xã Thèn Chu Phìn… Vừa góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa tạo sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Năm 2022, lượng khách du lịch đến huyện đạt 94.250 lượt (trong đó khách nước ngoài 2.030 lượt), doanh thu ước đạt trên 80,2 tỷ đồng. Năm 2023 huyện phấn đấu thu hút 125.000 lượt khách đến với các cơ sở du lịch. Để đạt mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền huyện đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, mời gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ; chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.

Nguồn: Báo Hà Giang

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.