Đồng Văn phát triển du lịch gắn với giải quyết việc làm

Cùng với công tác xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm cho lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, là địa phương có thế mạnh du lịch, huyện Đồng Văn đã tận dụng tốt lợi thế đó để giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn.

Thuyết minh viên người địa phương giới thiệu cho du khách khi tới thăm Dinh thự nhà Vương.
Thuyết minh viên người địa phương giới thiệu cho du khách khi tới thăm Dinh thự nhà Vương.

Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Những năm trở lại đây, du lịch được xem là một ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Đồng Văn. Mỗi năm huyện đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; các đơn vị kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn phát triển vượt bậc. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng lao động là rất lớn đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Ngoài lao động đã qua đào tạo, nhiều doanh nghiệp còn tuyển lao động chưa qua đào tạo về tự đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho họ để đáp ứng yêu cầu công việc.

Hiện, trên địa bàn huyện Đồng Văn có 8 làng nghề, 245 cơ sở lưu trú bao gồm các khách sạn, nhà nghỉ, homestay và 72 nhà hàng ăn uống. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, mỗi homestay, nhà nghỉ có thể giải quyết việc làm cho từ 3-5 lao động địa phương; mỗi nhà hàng có thể tạo việc làm cho ít nhất 5 lao động, có nhiều nhà hàng, khách sạn quy mô lớn có thể sử dụng trên 10 lao động như khách sạn Hoa Cương, Trường Anh… Đặc biệt, tại hầu hết các nhà hàng, khách sạn đều sử dụng lao động là người địa phương. Tại các làng văn hóa du lịch, điểm du lịch trên địa bàn huyện có 100% lao động là người địa phương phục vụ.

Để giải quyết việc làm tại chỗ, đồng thời gắn với bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống phục vụ du lịch, huyện cũng quan tâm xây dựng và triển khai các chương trình bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống như: May mặc, làm hương, làm quẩy tấu, đan lát, chạm bạc. Đặc biệt, hiện nay, ngành Nông nghiệp đang hướng đến đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác thế mạnh, sự đặc sắc riêng vùng miền tại các làng du lịch: Văn hóa bản địa, đặc sắc làng nghề, sản phẩm OCOP… nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Từ đó, huyện Đồng Văn đã và đang đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển du lịch nông thôn, lấy nông nghiệp phục vụ du lịch. Tại một số xã, thị trấn đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả như lê, mận, đào và các vùng rau an toàn. Các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng có thể giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động địa phương.

Xác định công tác đào tạo cho lao động du lịch tự do là một hướng đi cần thiết, từ đó nâng cao chất lượng lao động, đồng thời còn góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện qua cung cách phục vụ mang tính chuyên nghiệp, tạo môi trường du lịch lành mạnh, huyện còn tập trung đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử, đào tạo, tập huấn cung cấp kiến thức và những kỹ năng nghề cần thiết cho lao động tự do trên địa bàn về giao tiếp, ngoại ngữ, lữ hành, nấu ăn, biểu diễn văn nghệ, tạp vụ… tạo hình ảnh du lịch thân thiện, chuyên nghiệp hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn chia sẻ thêm: Nguồn nhân lực của huyện rất dồi dào. Thời gian qua, du lịch đã giúp huyện tháo gỡ một phần khó khăn trong công tác giải quyết việc làm. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ lao động địa phương chưa cao, là vấn đề cần được cải thiện, đặc biệt, để phục vụ du lịch cần có đội ngũ lao động có trình độ, hiểu biết về ngoại ngữ, giao tiếp… Vì thế, thời gian tới, huyện sẽ có những phương án đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch, hướng tới tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương.

Nguồn: Báo Hà Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.