“Đánh thức” tiềm năng du lịch ở Nậm An

Năm 2008, Khu du lịch sinh thái (DLST) Nậm An, xã Tân Thành (Bắc Quang) chính thức đi vào hoạt động, tạo đột phá phát triển ngành “công nghiệp không khói” của địa phương. Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, cánh cửa mở vào khu DLST nhanh chóng khép lại, khiến Nậm An trở thành “nàng công chúa”… ngủ quên, cần “đánh thức” bởi những quyết sách mạnh mẽ.

Vẻ đẹp trên đỉnh mây bay

 Phụ nữ Dao thu hoạch chè Shan tuyết vụ Xuân.
Phụ nữ Dao thu hoạch chè Shan tuyết vụ Xuân.

Nậm An là thôn vùng 2 của xã Tân Thành, tọa lạc ở độ cao từ 700 m đến hơn 1.000 m so với mực nước biển. Toàn thôn hiện có 45 hộ, gồm 3 dân tộc: Dao, Mông, Sán Dìu; trong đó, dân tộc Dao chiếm hơn 90%. Nậm An từng ghi dấu ấn trong lòng du khách bởi vẻ đẹp đặc trưng của loại hình du lịch (DL) sinh thái, DL cộng đồng.

Điểm nhấn DL của Nậm An chính là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp: Bồng bềnh mây trắng ôm phủ bản làng mỗi sớm ban mai; là kiệt tác ruộng bậc thang vàng mùa lúa chín cùng hệ thống rừng phòng hộ. Đặc biệt, Nậm An có khí hậu trong lành, mát mẻ hòa cùng khúc nhạc reo ca 4 mùa nước đổ của suối Phìn Hồ và “bức gương” xanh trong nơi hồ chứa nước rộng 18 ha của Nhà máy Thủy điện Nậm An (do Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Mu quản lý). Không những vậy, Nậm An còn có hơn 1,3 ha chè Shan tuyết cổ thụ được sản xuất theo hướng hữu cơ. Năm 2022, sản phẩm chè Shan tuyết đã được Hợp tác xã Chè Vinh Sính phát triển thành sản phẩm OCOP 3 sao. Điều này không chỉ khẳng định thương hiệu, chất lượng chè Shan tuyết trên đỉnh Nậm An mà còn mở ra cơ hội phát triển DL trải nghiệm núi rừng gắn với vùng sản xuất chè Shan tuyết hữu cơ.

 Ẩm thực của đồng bào Dao là điểm nhấn hút khách du lịch khi đến Nậm An.
Ẩm thực của đồng bào Dao là điểm nhấn hút khách du lịch khi đến Nậm An.

Ngoài sở hữu cảnh quan thiên nhiên đẹp, Nậm An còn có “thanh nam châm” hút khách DL khám phá, trải nghiệm; đó là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Dao về nhà ở, trang phục, lễ Cấp sắc, Nhảy lửa, các làn điệu dân ca hay bài thuốc lá tắm độc đáo. Không những vậy, qua đôi tay tài hoa của người dân, từ rau rừng đến vật nuôi bản địa như gà đen, lợn “tên lửa”, cá suối, cá Bỗng, cá Hồi, dê núi… đều trở thành những món ăn hấp dẫn, mang đậm nét văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào Dao. Qua đó, giúp du khách có những trải nghiệm lý thú về loại hình DLST, DL cộng đồng và cảm nhận trọn vẹn không khí sum vầy với người thân bên mâm cơm đầm ấm giữa núi ngàn.

“Nốt trầm” du lịch

Xác định Nậm An có nhiều tiềm năng phát triển DL, ngày 1.11.2007, BTV Huyện ủy Bắc Quang có thông báo Kết luận số 90 về đầu tư xây dựng Khu DLST Nậm An. Trên cơ sở này, UBND huyện ban hành Đề án xây dựng Khu DLST Nậm An, giao cho cơ quan chuyên môn của huyện và xã Tân Thành tổ chức xây dựng các hạng mục công trình.

Khu nhà sàn đón khách ở Khu du lịch sinh thái Nậm An xuống cấp nghiêm trọng.
Khu nhà sàn đón khách ở Khu du lịch sinh thái Nậm An xuống cấp nghiêm trọng.

Theo đó, Khu DLST Nậm An có diện tích 2,5 ha với tổng mức đầu tư gần 5,7 tỷ đồng; trong đó, nhà nước đầu tư trên 4,7 tỷ đồng, số tiền còn lại do nhân dân đóng góp. Với sự quyết tâm cao của cả thệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sau gần 1 năm thi công, ngày 10.10.2008, Khu DLST Nậm An khai trương, đi vào hoạt động, mang lại nhiều trải nghiệm lý thú cho du khách như: Du thuyền trên lòng hồ Thủy điện Nậm An, tắm lá thuốc dân tộc Dao đỏ, trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng, khám phá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Dao…

Mặc dù được đầu tư tiền tỷ nhưng vì nhiều nguyên nhân, cánh cửa mở vào Khu DLST Nậm An nhanh chóng khép lại. Chỉ trong thời gian gần 5 năm (2008 – 2013), Khu DLST Nậm An đã được UBND huyện Bắc Quang giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý và khai thác cho 4 đơn vị, gồm: Phòng văn hóa và Thông tin huyện, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện, UBND xã Tân Thành, Ban quản lý thôn Nậm An. Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành Khu DLST Nậm An của các đơn vị đều không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, không khai thác được tiềm năng, thế mạnh của hoạt động DL cộng đồng. Lý giải điều này, lãnh đạo UBND huyện cho biết: Việc quản lý, khai thác Khu DLST Nậm An do cơ quan nhà nước thực hiện không phù hợp với loại hình kinh doanh DL vì Nhà nước không có chức năng kinh doanh. Thêm vào đó, ảnh hưởng của nhiều đợt thiên tai đã khiến cơ sở hạ tầng ở Khu DLST Nậm An xuống cấp, vượt quá khả năng khắc phục của đơn vị quản lý. Và nay, nhiều hạng mục của Khu DLST Nậm An buộc phải phủ lên mình “chiếc áo” xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng hoàn toàn như: Đường trục chính dài 300 m vào khu DL; toàn bộ 7 nhà sàn gồm 2 nhà sàn to, 4 nhà sàn mini, 1 nhà công vụ dành cho nhân viên; hệ thống thuyền, mảng phục vụ DL lòng hồ…

Từ thực tế trên, với quan điểm xuyên suốt là đồng hành cùng doanh nghiệp, “doanh nghiệp phát tài – địa phương phát triển”; cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đang đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư với mong mỏi: Tiếp cận nhà đầu tư có năng lực để “đánh thức” tiềm năng DLST ở Nậm An. Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Quang, Bùi Nhật Đại chia sẻ: Qua rà soát, đánh giá thực trạng Khu DLST Nậm An, Phòng đã đề xuất UBND huyện phương án thu hút đầu tư. Trong đó, tập trung xử lý tài sản đối với những hạng mục đã xuống cấp; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Dao. Đồng thời, có cơ chế ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển DL; tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư. Qua đó, tạo đà phát triển ngành “công nghiệp không khói”, góp phần tăng trưởng KT-XH, bảo tồn môi trường tự nhiên và các giá trị văn hóa bản địa độc đáo ở Nậm An.

Nguồn: Báo Hà Giang

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.