Đặc sắc lễ hội Lồng Tồng

Hàng năm, cứ mỗi độ Xuân về, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh lại tưng bừng mở các lễ hội như: Gầu tào của người Mông, cúng thần rừng của người Dao và lễ hội Lồng Tồng là một trong những lễ hội đặc sắc của dân tộc Tày. Bắt đầu từ mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng, người Tày ở Xuân Giang (Quang Bình), Xuân Minh (Bắc Quang), Phương Độ (thành phố Hà Giang) lại nô nức kéo nhau xuống các cánh đồng để thực hiện các nghi thức truyền thống với mong ước về một năm mới mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội mang dấu ấn tín ngưỡng phồn thực, là hoạt động tín ngưỡng cầu mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Là dịp để người Tày tri ân trời đất, tri ân Tổ tiên dòng họ, ông, bà, cha, mẹ, những người đã khai phá ra những mảnh ruộng đầu tiên và truyền dạy việc nuôi trồng, cấy hái, sự sinh khắc chuyển vần của ngũ hành, của trời đất, nắng mưa, sương gió, của mồ hôi lao động đã tạo nên những sản vật quý giá để nuôi sống con người…

cungs 20230203163006
Cúng Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, xã Xuân Giang (Quang Bình).

Cùng với hoa Cải, hoa Đào đang nở rộ rực rỡ, chúng tôi được hòa mình trong không khí vui hội Lồng Tồng tại thôn Chì, xã Xuân Giang (Quang Bình). Gặp gỡ cụ bà người Tày Hoàng Thị Đỗ, 85 tuổi, xã Xuân Giang chia sẻ: Từ trước đây, hội Lồng Tồng thường được tổ chức ở những cánh đồng to nhất, đất tốt nhất trong bản làng. Với phần lễ của hội Lồng Tồng thì phải chuẩn bị một mâm cỗ với đầy đủ các món từ: Lợn, gà, xôi ngũ sắc, bánh chưng, trầu cau, bánh dầy và nhiều hoa, quả cùng với các vật phẩm đan lát của địa phương do chính những bàn tay khéo léo, chịu thương, chịu khó của người nông dân làm ra đem dâng lên trời đất, thần linh. Đặc biệt, còn có các loại hạt giống, theo quan niệm của bà con nơi đây, hạt giống tạo nên mùa màng, tạo ra sản phẩm lương thực cho con người.

Sau lễ cúng thần linh, trời đất, Ban tổ chức thực hiện nghi thức cày “Tịch điền” để lấy may, lấy phúc cho dân. Thường là người đàn ông có uy tín trong cộng đồng, gia đình hòa thuận và là người cày giỏi nhất, đại diện cho người dân trong bản cày đường cày đầu tiên như một sự lấy may, suôn sẻ cho vụ mùa của năm đó.

Nghi thức Tịch điền tại xã Xuân Giang.
Nghi thức “Tịch điền” tại xã Xuân Giang.

Cùng với các hoạt động rước lễ, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đánh yến, kéo co, đẩy gậy, đi kà kheo, bắt cá suối, thi cấy nhanh và không thể thiếu những làn điệu then mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày ở các địa phương đến giao lưu. Đặc biệt, hấp dẫn và khó nhất là phần thi Tung còn; để chiến thắng, người chơi phải ném quả còn trúng vòng tròn được bọc giấy đỏ tâm vàng treo trên ngọn tre cao vút. Hàng trăm người chơi, may mắn chỉ có 1, 2 người tung còn trúng điểm. Người Tày quan niệm, nếu quả còn trúng đích khiến miếng giấy bọc trên đó bị thủng thì năm đó dân bản được thần thánh ban ơn, mọi việc đều may mắn, suôn sẻ…

Việc duy trì các lễ hội truyền thống của dân tộc trong dịp Tết đến, Xuân về giúp cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh ta có điểm vui chơi bổ ích, đặc biệt đây cũng là nơi tụ hội, giao lưu của nhân dân và du khách thập phương, là nơi để các chàng trai, cô gái gặp gỡ, giao duyên qua những điệu hát then, đối đáp; là dịp để những người con của quê hương tri ân với nguồn cội, Tổ tiên sau một năm công tác, học tập trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Đồng thời, nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, du lịch, góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển KT – XH ở địa phương.

Nguồn: Báo Hà Giang

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh