Nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch, UBND huyện Yên Bình đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các địa phương hoàn tất công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội xuân. Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tuấn Mạnh – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Yên Bình.
Chương trình nghệ thuật hoành tráng với chủ đề “Yên Bình – hội tụ tinh hoa” năm 2022. |
P.V: Đầu xuân năm nay, huyện Yên Bình có những lễ hội gì đặc sắc, thưa ông?
Ông Vũ Tuấn Mạnh: Trên địa bàn huyện có khoảng 6 lễ hội đặc sắc bắt đầu từ mùng 5 đến mùng 9 tháng Giêng gồm: Lễ hội Lồng tồng tại (xã Xuân Lai); Lễ hội đình – đền Ba Chãng (xã Phúc An); Lễ hội đình Khả Lĩnh (xã Đại Minh); Lễ hội đình Phúc Hòa (xã Hán Đà) và Lễ hội đền Mẫu Thác Bà (thị trấn Thác Bà). Các lễ hội đầu xuân được tổ chức đều mang bản sắc riêng của đồng bào các dân tộc trong huyện; đồng thời, khơi dậy tinh thần yêu nước, thi đua lao động sản xuất, tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai khẩn, xây dựng quê hương.
Các lễ hội gắn với lịch sử xây dựng và phát triển hàng trăm năm của vùng đất Yên Bình, cầu mong cuộc sống khỏe mạnh no đủ, vạn vật sinh sôi. Các lễ hội cũng được chia làm hai phần chính đó là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tiến hành trang trọng đúng nghi thức với các phần như: dâng hương, dâng rượu và dâng lễ vật…
Sau phần lễ là phần hội với các hoạt động văn nghệ thể thao mang đậm bản sắc văn hoá dân gian với đặc trưng vùng sông Chảy, tái hiện lại những hoạt động của quá trình sản xuất nông nghiệp. Các trò chơi tạo nên không gian văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam, không gian văn hóa cộng đồng.
Điểm nhấn của lễ hội đầu xuân mới Giáp Thìn 2024 là Lễ hội đền Mẫu Thác Bà được tổ chức vào mùng 9 tháng Giêng. Đền được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2021. Đây là niềm vinh dự và là niềm tự hào của huyện. Bởi vậy, việc tổ chức Lễ hội đền Mẫu Thác Bà sẽ được huyện chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị công phu, bài bản để du khách thập phương đến tham quan chiêm bái; đồng thời, cũng góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa lịch sử, tỏ lòng thành kính với bậc tiền nhân.
P.V: Để tạo ấn tượng tốt đẹp cho các lễ hội đầu xuân, xin ông cho biết huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể thế nào?
Ông Vũ Tuấn Mạnh: Để việc tổ chức các lễ hội đầu xuân trên địa bàn diễn ra an toàn, vừa mang đậm bản sắc truyền thống vừa mang đậm hơi thở thời đại, huyện đã sớm xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024, đảm bảo công tác tổ chức đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc.
Ông Vũ Tuấn Mạnh – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Yên Bình.
Cùng với đó, huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và nhân dân địa phương tích cực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho các lễ hội đầu xuân theo đúng chỉ đạo của huyện. Các hoạt động được tổ chức với quy mô, hình thức khác nhau nhưng đều là dịp để người dân và du khách gần xa có dịp tìm hiểu những phong tục, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Yên Bình. Các lễ hội đã được huyện và các địa phương tổ chức trang trọng, đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, để mang đến không khí xuân tươi mới, huyện sẽ tiến hành chỉnh trang đô thị, vận động nhân dân trang trí các tuyến đường tại cụm dân cư đảm bảo mĩ quan xanh, sạch, đẹp; đồng thời, thông báo rộng rãi đến nhân dân biết về các hoạt động, sự kiện diễn ra trong dịp đầu xuân mới. Việc quan tâm đầu tư vào các lễ hội, chọn lọc một số lễ hội đặc sắc, ấn tượng để xây dựng thành sản phẩm chính và đưa ra chiến lược quảng bá phù hợp để duy trì, phát huy tốt bản sắc lễ hội, kết hợp tổ chức các hoạt động, các trò chơi dân gian mà huyện Yên Bình đang làm không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tham quan, thưởng ngoạn của nhân dân trong dịp đầu xuân mới mà còn tạo điểm nhấn ấn tượng đặc sắc cho huyện về các lễ hội đầu xuân mới.
P.V: Lễ hội là một trong những cơ hội quảng bá và phát triển du lịch. Vì vậy, huyện đã có những giải pháp gì, thưa ông?
Ông Vũ Tuấn Mạnh: Nhằm đưa du lịch trở thành ngành nghề chính và thực hiện có hiệu quả các chính sách, đề án về phát triển du lịch của tỉnh, huyện Yên Bình đã tập trung phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng. Cùng với đó, huyện tập trung khôi phục, tôn tạo các di tích lịch sử của huyện; phục dựng các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc trong dịp đầu xuân năm mới; tiếp tục đẩy mạnh việc khảo sát, tìm kiếm những điểm có điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi để quy hoạch và đưa vào kế hoạch phát triển thành điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái – cộng đồng; kết nối, hình thành các tour, tuyến trải nghiệm du lịch, lễ hội đầu xuân với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Qua đó, góp phần quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh; đồng thời, góp phần tăng tỷ trọng giá trị kinh tế từ ngành du lịch cho địa phương.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Tân (thực hiện)