Yên Bái xây dựng đội văn nghệ gắn với phát triển du lịch

Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số (DTTS) trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng thông qua xây dựng các mô hình đội văn nghệ bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS (gọi tắt là đội văn nghệ) đang là hướng đi tích cực được tỉnh Yên Bái lựa chọn để giải quyết bài toán bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.nghe

Hoạt động thiết thực, thúc đẩy phát triển

Yên Bái đã có nhiều hoạt động thiết thực để xây dựng, phát triển các mô hình đội văn nghệ gắn với phát triển du lịch. Với phương châm “biến di sản thành tài sản phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”, Yên Bái đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 – 2030”.

Đồng thời, tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều chương trình, đề án của Trung ương có liên quan để xây dựng, phát triển mô hình đội văn nghệ gắn với phát triển du lịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương như Đề án nói trên, Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Xòe Thái”…

Dù còn nhiều khó khăn nhưng Yên Bái đã ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khích lệ thành lập, duy trì, phát huy, nhân rộng các đội văn nghệ như: hỗ trợ đội văn nghệ truyền thống tại các địa điểm có hoạt động du lịch; hỗ trợ mở lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Đến nay, có 154 đội văn nghệ đã được thụ hưởng chính sách và thực hiện mua sắm trang phục, đạo cụ biểu diễn, duy trì hoạt động phục vụ du khách. Các lớp truyền dạy di sản phi vật thể được hỗ trợ kinh phí đã tổ chức truyền dạy những kỹ năng cơ bản về trình diễn di sản, phát huy vai trò của các hạt nhân văn nghệ, tạo tiền đề quan trọng xây dựng mô hình các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc.

Tỉnh đã đầu tư và hỗ trợ có trọng điểm những dự án bảo tồn văn hóa dân tộc theo Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Tôn vinh, quan tâm và tạo động lực khích lệ các nghệ nhân truyền dạy di sản, Yên Bái hiện có 18 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” theo quy định của Trung ương; có 21 nghệ nhân được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái” theo quy chế riêng của tỉnh.

Lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc

Tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, trình diễn di sản do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức, Yên Bái đồng thời quan tâm, tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng – Trình diễn trang phục dân tộc tỉnh Yên Bái định kỳ 2 năm 1 lần để các nghệ nhân, diễn viên nghệ thuật quần chúng nâng cao kỹ năng trình diễn và phát hiện, bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ, góp phần nhân rộng các mô hình đội văn nghệ bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc tại cơ sở.

Với những chính sách cụ thể và thiết thực, Yên Bái đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng mô hình các đội văn nghệ gắn với phát triển du lịch. Hơn 150 mô hình đội văn nghệ hoạt động thường xuyên, hiệu quả, hàng năm phục vụ trên 500.000 lượt khách, nổi bật như: Đội văn nghệ dân tộc Thái xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ; Đội văn nghệ dân tộc Dao thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình; Đội văn nghệ dân tộc Mông thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải; xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn… đã tạo dựng hình ảnh và điểm đến đặc thù “Yên Bái – Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng du lịch.

Nâng cao hiệu quả xây dựng mô hình đội văn nghệ gắn với phát triển du lịch, Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo tồn văn hóa dân tộc và chính sách dân tộc. Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đã ban hành; rà soát, bổ sung, sửa đổi các chính sách liên quan tới công tác văn hóa vùng dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện thực tiễn để xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm khuyến khích thành lập các mô hình đội văn nghệ.

Ngoài ra, Yên Bái sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến khích nhân dân tham gia các đội văn nghệ bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc. Tỉnh quan tâm tham gia, tổ chức các chương trình liên hoan, giao lưu giữa các đội văn nghệ để phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.

Yên Bái sẽ chú trọng xây dựng hành trình kết nối di sản, các tour, tuyến gắn với hoạt động của đội văn nghệ bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc tại các điểm du lịch cộng đồng. Các giải pháp này mang theo kỳ vọng Yên Bái sẽ không ngừng lan tỏa sâu rộng các giá trị văn hóa phong phú và độc đáo, nổi bật với kho tàng dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc được bảo tồn, lưu giữ tương đối nguyên vẹn, mãi luôn là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương.

Nguyễn Thơm

 

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons