Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, các đề án: Xây dựng huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch, giai đoạn 2021 – 2025; Xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch 2021- 2025; Phát triển du lịch trên địa bàn huyện Trạm Tấu, giai đoạn 2022- 2025 bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định và là nền tảng cho du lịch phát triển bền vững.
Du khách thích thú check in bên mùa vàng Mù Cang Chải. |
Cái rõ nhất là việc triển khai thực hiện các đề án không chỉ nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể; các địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện mà còn có sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm cao của đông đảo người dân, nhất là người dân bản địa nơi thực hiện và thụ hưởng các đề án.
Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét và tăng tốc độ phát triển ngành du lịch từ doanh thu đến lượng khách du lịch qua từng năm. Công tác xã hội hóa phát triển ngành du lịch được quan tâm chỉ đạo thực hiện, công tác quảng bá xúc tiến du lịch được tăng cường.
Đặc biệt, các sản phẩm du lịch được hình thành rõ nét và xây dựng được các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thu hút du khách.
Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã phối hợp hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh phát triển nhiều loại hình du lịch, từng bước tạo được sức hút đối với du khách, một số sản phẩm đặc trưng gắn với bản sắc văn hóa truyền thống đã được hình thành. Công tác xây dựng hạ tầng giao thông được triển khai thực hiện, đã nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông, đặc biệt là các tuyến đường quan trọng.
Sau 2 năm, huyện Mù Cang Chải đã có 104 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có công trình Resort Mù Cang Chải đang triển khai sắp hoàn thành (dự kiến 5 sao); công tác phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng được nhu cầu của du khách, đặc biệt đối với hoạt động du lịch cộng đồng.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được bình chọn là 1 trong 20 điểm đến sắc màu nhất thế giới do Tạp chí du lịch CN Traveler (Conde Nast Traveler) bình chọn và Điểm dù lượn Khau Phạ được giới phi công quốc tế đánh giá là 1 trong 4 điểm bay đẹp trên cả nước và là điểm bay đẹp nhất trong 10 điểm bay của thế giới.
Nhiều tuyến đường dự án kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC15) đã được đầu tư xây dựng… Kêu gọi thu hút các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư xây dựng dự án Khu Nghỉ dưỡng ngắm cảnh ruộng bậc thang La Pán Tẩn, Dự án đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng Nậm Khắt và 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật Khèn Mông và Lễ mừng cơm mới của người Mông…
Nói về tính hiệu quả của Đề án, bà Lương Thị Xuyến – Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải phấn khởi cho biết: “Du lịch phát triển không chỉ mang đến cho Mù Cang Chải một diện mạo mới, hạ tầng cơ sở từng bước được hoàn thiện đồng bộ, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, gia tăng số lượng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ mà du lịch Mù Cang Chải đang thực sự trở thành động lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dược liệu đặc trưng của huyện, tạo ra những dịch vụ mới có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy giao thương hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua các hoạt động du lịch”.
“Nhận thức của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn, bảo vệ môi trường cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng từ đó được nâng lên đáng kể”, bà Xuyến nói.
Thị xã Nghĩa Lộ đã tập trung xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên khai thác tối ưu những giá trị về di sản văn hóa, kiến trúc và tập quán, truyền thống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của cộng đồng trên cơ sở gắn với bảo tồn để thu hút khách du lịch; tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch; khuyến khích người dân tham gia, xây dựng và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch. Đã xây dựng các điểm vui chơi giải trí, tiện ích ở khu vực trung tâm thị xã tại Khu đô thị Goldel Feld do Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà VNP triển khai xây dựng.
Thị xã đã xác định được các sản phẩm du lịch nổi bật, hấp dẫn, sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng như: Khu nghỉ dưỡng Daragonfly Nghĩa Lộ; vườn cây ăn trái ở xã Nghĩa Lộ, đồi hoa mùa xuân, đồi chè ở các xã: Nghĩa Lộ, Phù Nham, Thanh Lương; phát triển thêm 8 mô hình homestay mới tại các xã: Phúc Sơn, Tân An, Thanh Lương, Nghĩa Phúc, Sơn A, Nghĩa Lợi; tổ chức các sự kiện lễ hội mới thu hút du khách “Cuộc thi vòng xòe đẹp nhất Tây Bắc”…
Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện Trạm Tấu dù đi sau nhưng cũng đã triển khai thực hiện và gặt hái được những kết quả nhất định. Các sản phẩm du lịch bước đầu được hình hành như: du lịch mạo hiểm; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch mới, du lịch tìm hiểu danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang xã Hát Lừu, xã Tà Xi Láng, Pá Hu; leo núi mạo hiểm đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù…
Các hoạt động tổ chức tại huyện đều thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến huyện Trạm Tấu đạt 150.000 lượt người, bằng 136% kế hoạch; trong đó, khách nội địa chiếm 144%, khách quốc tế chiếm 100,7%. Doanh thu đạt 112 tỷ đồng, đạt 131% kế hoạch.
Dẫu vẫn còn nhiều việc phải làm, phải nỗ lực hơn nữa trong chiến lược phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, nhưng những kết quả bước đầu từ những chủ trương, chính sách, các đề án và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cũng như khát vọng vươn lên của mỗi người dân, doanh nghiệp là nền tảng vững chắc cho sự đi lên của du lịch Yên Bái.
Thanh Phúc