Yên Bái tạo đà cho phát triển du lịch mạo hiểm

Với địa hình thiên nhiên ban tặng, Yên Bái có 4 trong 8 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, đó là: Tà Chì Nhù, Tà Xùa, Lùng Cúng, Pú Luông – những cung đường đẹp và hấp dẫn với những người yêu thích leo núi.

1 9

                                             Khách du lịch chinh phục đỉnh Tà Xùa, Trạm Tấu.

Với địa hình đồi núi và nhiều thắng cảnh đẹp, Yên Bái có nhiều lợi thế để phát triển du lịch mạo hiểm – một loại hình du lịch ngày càng được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Điều kiện cần đã có, song chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng cần nghiên cứu có những chiến lược để đáp ứng điều kiện đủ cho du lịch mạo hiểm của Yên Bái khai thác trúng “mỏ vàng”, tạo bước phát triển mới cho du lịch mạo hiểm.

Tiềm năng du lịch mạo hiểm 

Những năm gần đây, Yên Bái được xem như địa điểm lý tưởng để nhiều du khách yêu thích du lịch mạo hiểm ghé thăm. Với địa hình thiên nhiên ban tặng, Yên Bái có 4 trong 8 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, đó là: Tà Chì Nhù, Tà Xùa,  Lùng Cúng,  Pú Luông – những cung đường đẹp và hấp dẫn với những người yêu thích leo núi.

Nằm trên địa phận huyện Mù Cang Chải, đỉnh Lùng Cúng thuộc bản Lùng Cúng, xã Nậm Có với độ cao 2.913 mét so với mực nước biển nên khí hậu quanh năm mát mẻ, mây mù bao phủ. Đường lên Lùng Cúng với địa hình đa dạng với những đồi cỏ xanh mướt, rừng rậm ma mị và rừng trúc tuyệt đẹp. Mỗi tầng thực vật mang đến những cảnh quan đẹp. 

Đặc biệt, mỗi mùa trong năm, Lùng Cúng còn sở hữu vẻ đẹp khác nhau. Tùy thời điểm leo núi mà du khách có cơ hội đi ngang những khu rừng nở trắng hoa táo mèo, rừng trúc phủ đầy rêu phong huyền bí. 

Càng đến gần đỉnh núi, bức tranh thiên nhiên càng có sự thay đổi ngoạn mục. Những khu rừng già lùi lại sau lưng, trước mắt dần hiện ra những triền đồi hoa trắng cùng những cơn gió lạnh buốt giá thổi qua. Du khách sẽ choáng ngợp trước cảnh đẹp đang dần lộ diện với những biển mây trắng xóa như chốn bồng lai tiên cảnh. 

Cũng giống như Lùng Cúng, cung đường lên đỉnh Pú Luông cũng thử thách sức người. Nhưng khi lên tới đỉnh sẽ được đền đáp xứng đáng với một “thiên đường mây”. Đứng ở trên đỉnh Pú Luông chỉ cần ngẩng lên là có cảm giác như chạm vào trời cao xanh thẳm, chỉ cần quay sang ngang là đắm mình vào đại dương mây trắng đặc biệt, đỉnh núi này còn là nơi tuyệt vời để ngắm bình minh.

Những năm gần đây, người yêu thích du lịch leo núi trong nước tìm đến 2 đỉnh núi ở huyện Trạm Tấu nằm trong 8 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Ở đỉnh Tà Chì Nhù, tuy khí hậu khắc nghiệt nhưng lại rất lý tưởng cho những người đam mê phượt “săn mây”. 

Được ví như một đại dương trên mây thu hút dân nghiền ảnh và những người đam mê treckking khám phá. Trên đường đi, du khách sẽ bắt gặp những triền đồi cây cỏ mọc lưng chừng bụng, màu lá xanh, hoa tím, trắng trải dài trông xa không khác nào một thảo nguyên rộng lớn. Thỉnh thoảng lại xuất hiện một đàn ngựa nhởn nhơ như đang lạc giữa bình nguyên của người du mục. Sống lưng khủng long trên đường lên đỉnh thách thức ý chí của những tay leo núi nhưng khi đã vượt qua thì du khách sẽ cảm nhận được ý chí của con người là không giới hạn. 

2 7

                                                 Bình minh trên đỉnh Tà Chì Nhù.

Tà Xùa cũng thuộc huyện Trạm Tấu đang là điểm đến hấp dẫn cho những người yêu thích leo núi. Với bốn bề bao bọc bởi những dãy núi cao nên nơi đây thường xuất hiện mây dày đặc bao phủ, biển mây ở đỉnh Tà Xùa còn hùng vĩ và rộng lớn hơn nhiều so với nhiều nơi khác. Đặc biệt, để lên được tới đỉnh phải vượt qua sống Khủng Long hùng vĩ và những khu rừng cổ thụ phủ đầy rong rêu. Vượt lên tất cả, sẽ cho ta cảm xúc tuyệt vời, trải nghiệm có một không hai.

Cùng với đó, địa hình đồi núi đã tạo cho Yên Bái nhiều thác nước đẹp cũng là những điểm đến lý tưởng trong hành trình chinh phục thiên nhiên của những người yêu thích du lịch mạo hiểm. Dựa trên địa hình đồi núi, thiên nhiên tuyệt đẹp, những năm qua, tỉnh Yên Bái cũng đã có những hoạt động khai thác du lịch như cho phép thực hiện dù lượn và thành lập các câu lạc bộ dù lượn, rồi xây dựng thành lễ hội tại huyện Mù Cang Chải. Với đà đó, năm 2020, Mù Cang Chải tiếp tục đưa vào giải marathon địa hình – giải đấu mang tầm quốc tế. Đó là những sản phẩm du lịch đang thu hút du khách hiện nay.

Cần chiến lược bài bản

Thời gian gần đây, Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã bắt đầu tận dụng những lợi thế về du lịch mạo hiểm với những động thái mang tính chiến lược như quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, xây dựng một số tour du lịch quảng bá mời một số cơ quan truyền thông, hot facebooker… 

Đặc biệt, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 10 về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Theo Nghị quyết này, chính quyền tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên theo tiêu chí sạch và xanh. 

Cụ thể, thời gian tới, Yên Bái sẽ tiếp tục quy hoạch, bảo tồn, quản lý và có lộ trình cho việc đầu tư, khai thác các danh thắng tự nhiên như đỉnh Tà Xùa, đỉnh Lùng Cúng, đỉnh Khau Phạ, đỉnh Tà Chì Nhù, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, Khu bảo tồn thiên nhiên Chế Tạo, bãi đá cổ La Pán Tẩn… cùng hàng chục con suối với những thác nước hùng vĩ, như thác Háng Đề Chơ, thác Mơ, thác Pú Nhu, thác Khe Cam, thác Khuổi Luông… 

Trong thực hiện Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Tây Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Yên Bái đã xây dựng 9 nhóm sản phẩm du lịch đặc thù cho miền này gồm các sản phẩm: dã ngoại mạo hiểm, du lịch leo núi, thám hiểm hang động, du lịch dù lượn trên không, du lịch trượt cáp (zipline), du lịch thả bè (mảng), du lịch khám phá bằng xe mô tô (xe đạp), du lịch thể thao mạo hiểm tổng hợp, nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, các sản phẩm du lịch bổ trợ…

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch mạo hiểm còn có hạn chế về công tác tổ chức, cơ sở hạ tầng tại các địa phương. Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa địa phương và doanh nghiệp du lịch chưa cao, dẫn đến việc khai thác còn manh mún, thiếu nhất quán dẫn đến việc các sản phẩm du lịch mạo hiểm phát triển tương xứng với tiềm năng của địa phương. 

Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Mỗi địa phương cần xây dựng một sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lắp, đơn điệu. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp giữa các ngành và địa phương trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên du lịch. Các địa phương cần phối hợp với những đơn vị lữ hành uy tín để khảo sát, xây dựng sản phẩm, thực hiện bộ tiêu chí an toàn cho du khách. 

3 3

                                                  Du khách chinh phục đỉnh Tà Xùa.

Ông Nguyễn Việt Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt – đơn vị đang khai thác một số tour du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh cho rằng: “Để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch mạo hiểm, các địa phương cần chú ý đến vấn đề quản lý du lịch mạo hiểm để đảm bảo an toàn cho du khách, tránh tình trạng tự phát, manh mún của các cá nhân. Bên cạnh đó, đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm du lịch cần nâng cao trình độ, kỹ thuật, đặc biệt là kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình hướng dẫn. Các đơn vị tổ chức cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong việc tư vấn về sức khỏe, bảo hiểm; trang bị đầy đủ vật dụng thiết yếu và cảnh báo về rủi ro cho du khách”.

Du lịch mạo hiểm tại Yên Bái đang được chú trọng khai thác nhằm mang lại lợi ích cho các địa phương, đơn vị tổ chức. Ông Nguyễn Hoàng Long – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: “Hàng năm, Sở đã tham mưu với tỉnh và phối hợp với các huyện, thị, thành phố tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đặc biệt, tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên đề về du lịch mạo hiểm. 

Hàng năm, Sở đều rà soát, ra thông báo cho các địa điểm đủ điều kiện tổ chức hoạt động. Thanh tra Sở khảo sát điểm du lịch thể thao mạo hiểm Tà Xùa, huyện Trạm Tấu. Qua khảo sát, Đoàn kiểm tra đã tư vấn cho Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Trạm Tấu những điểm nên có biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn, làm trạm nghỉ, nơi bố trí dây cáp hỗ trợ người lên, xuống…; đặc biệt là các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch mạo hiểm. Tới đây, Sở sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn khảo sát để tư vấn xây dựng thêm sản phẩm du lịch mạo hiểm nhằm tăng sức hấp dẫn cho du lịch tỉnh”.

Với tiềm năng du lịch dồi dào, cùng với sự quan tâm sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự sáng tạo và năng động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các chính sách hỗ trợ trên sẽ là đòn bẩy để du lịch Yên Bái ngày càng phát triển hơn và trở thành điểm đến du lịch hàng đầu trong khu vực Tây Bắc.

Nguồn : baoyenbai.com.vn

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons