Yên Bái nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng

Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 150 hộ gia đình làm du lịch homestay; tập trung chủ yếu ở thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải, Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn.

183890 nang cao chat luong

Sử dụng dịch vụ du lịch cộng đồng, du khách trải nghiệm tại cánh đồng Mường Lò.

Những năm gần đây, du lịch Yên Bái đã phát triển mạnh mẽ, trong đó có mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng loại hình du lịch này, cần tiếp tục có bước đi bài bản.

Sự phát triển nhanh

Cùng với khai thác những cảnh đẹp nổi tiếng như hồ Thác Bà (Yên Bình); quần thể Di tích Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; vùng chè cổ thụ Suối Giàng (Văn Chấn); bình nguyên xanh Khai Trung (Lục Yên)…, những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của các dân tộc: Thái, Mông, Tày, Dao, Cao Lan… để quảng bá đẩy mạnh phát triển du lịch, nhiều chương trình, lễ hội đã được tỉnh tổ chức, trở thành thương hiệu du lịch như Tuần Văn hóa – Du lịch Mường Lò, Lễ hội khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Lễ hội Bưởi Đại Minh; Lễ hội Quế Văn Yên; Festival “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn”…

Vì vậy, thời gian qua, Yên Bái là địa chỉ để nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến. Nắm bắt xu thế, nhiều hộ gia đình tại Yên Bái đã bỏ tiền đầu tư, nâng cấp, xây dựng nhà cửa, trang thiết bị để phát triển loại hình du lịch homestay.

Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 150 hộ gia đình làm du lịch homestay; tập trung chủ yếu ở thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải, Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn. Hỗ trợ loại hình du lịch này, tỉnh và các địa phương đã có những định hướng, chính sách hỗ trợ như: xây dựng cơ sở hạ tầng, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nhân lực…

Từ sự hỗ trợ đó, du lịch cộng đồng đã góp phần quan trọng thúc đẩy du lịch Yên Bái vươn lên. Năm 2018, khách du lịch đến với Yên Bái đạt 560.000 lượt người (tăng 10% so với năm 2017). Năm 2019, tỉnh đặt kế hoạch thu hút 750.000 khách.

Cần tiếp tục hỗ trợ và định hướng

Du lịch cộng đồng phát triển góp phần xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên, hiệu quả mà nó mang lại chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.

Chị Nguyễn Xuân Hồng – một du khách đến từ Hà Nội sau chuyến khám phá miền Tây Yên Bái chia sẻ: “Chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất ở đây cơ bản giống nhà nghỉ bình dân chứ không có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa giữa người dân địa phương và du khách. Tôi cảm thấy chưa thật sự hài lòng khi sử dụng các dịch vụ này!”.

Tâm trạng của chị Hồng cũng là của nhiều du khách sau khi sử dụng dịch vụ homestay, vì họ mới chỉ được tiếp cận văn hóa bản địa chủ yếu qua lưu trú, ăn uống và một số ít hoạt động văn hóa khác mà chưa thực sự được hòa vào cuộc sống của người dân địa phương từ ăn ở đến sinh hoạt, lao động, tập tục văn hóa để trải nghiệm.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do đa số người dân chưa thực sự hiểu hết về bản chất của du lịch cộng đồng, vì vậy, khi tham gia hoạt động du lịch homestay chủ yếu mới quan tâm đến lưu trú. Bên cạnh đó, do chủ yếu nguồn lực từ gia đình, tự phát, nên khi thực hiện, họ không đủ cơ sở vật chất; thiếu kinh nghiệm về cách bố trí, sắp xếp vật dụng phòng nghỉ; hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ; hạn chế về giao tiếp với khách nước ngoài do hạn chế về ngoại ngữ; thiếu liên kết trong cộng đồng để tạo các hoạt động văn hóa bản địa… 

Phát triển du lịch trong đó có du lịch cộng đồng là một hướng đi đúng, vì vậy, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu bản sắc văn hóa và tính đặc thù của từng vùng miền, phục vụ hiệu quả cho phát triển du lịch cộng đồng.

Đó là việc tiến hành quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng, tránh tình trạng xây dựng tràn lan, tự phát; đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, thị hiếu của du khách để xây dựng các điểm du lịch cộng đồng hiệu quả, trong đó chú trọng lựa chọn vị trí điểm du lịch cộng đồng là các bản không quá xa các trung tâm đô thị để thuận lợi cho việc di chuyển và công tác lưu trú; nghiên cứu khai thác, xây dựng tài nguyên du lịch thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, phù hợp với nhu cầu của du khách.

Tỉnh cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho du lịch cộng đồng, như đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa; cho các hộ gia đình vay vốn với lãi suất thấp hoặc lập các quỹ du lịch hỗ trợ cho cộng đồng để đồng bào các dân tộc thiểu số có kinh phí phục vụ phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng.

Các chủ nhà homestay cần tiếp tục được hỗ trợ đào tạo các kỹ năng làm du lịch: phải có kiến thức về văn hóa của dân tộc, vùng miền mình; phải thông thạo ngoại ngữ, nắm bắt được tâm lý khách hàng, biết tận dụng lợi thế công nghệ thông tin trong thu hút khách đến với mình… Một đòi hỏi quan trọng là cần tiếp tục nâng cao kiến thức cho người dân về du lịch cộng đồng, theo đó, các gia đình phải liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, nghĩa là phải đa dạng hóa các dịch vụ chứ không phải nhà này là bản sao của nhà kia.

“Là sản phẩm du lịch hoàn chỉnh chứ không là dịch vụ lưu trú, homestay là loại hình du lịch mà du khách sẽ ở chung và sinh hoạt với người dân địa phương như thành viên trong gia đình, thông qua hoạt động tập thể đó để trải nghiệm các giá trị sống và văn hóa của mảnh đất mà du khách đặt chân đến”.

Nguồn : baoyenbai.com.vn

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons